Giải mã, định dạng 6 kiểu cười 08/10/2012 16:29:30

Cười là một trong những hình thức diễn đạt cảm xúc tinh tế nhất của con người. Cười là cách tốt nhất để bộc lộ những trạng thái tình cảm con người chúng ta đang có. Nụ cười không chỉ để bày tỏ sự hài lòng mà còn vì nhiều nguyên nhân tâm lý và tình cảm phức tạp khác. Người ta đã liệt kê ra hàng chục kiểu cười khác nhau: cười mỉm chi, cười khẩy, cười ruồi, cười trừ, cười đểu, cười hết ga, cười xởi lởi, cười cầu tài... Nhà tâm lý học Paul Ekman tạm liệt kê ra 19 kiểu cười, trong đó có cả kiểu cười mang dấu ấn của sự sợ hãi, nụ cười khinh thường, mỉa mai và cười gượng.

 

   Nhưng theo các nhà khoa học, cười là một hoạt động không hề đơn giản. Trước hết, cười là một hoạt động được điều khiển từ não bộ và phản xạ cười bắt đầu từ một kích thích ở phần trước của vùng hạ đồi (hypothalamus), một trung khu thần kinh cao cấp, chi phối mọi hoạt động của hệ thần kinh tự chủ. Kích thích cười lan tỏa như làn sóng và truyền một luồng thần kinh đến trung khu cảm xúc ở rìa não. Sau khi tín hiệu được phát ra: cơ mặt sẽ giãn và các biểu lộ tình cảm mãn nguyện sẽ xuất hiện ở vùng mặt. Nếu kích thích ở phần sau vùng hạ đồi, phản ứng theo nó sẽ là bất mãn. Để nở được một nụ cười đơn giản nhất, như cử động nhẹ ở mắt và môi, ít nhất phải có 15 cơ phận hoạt động cùng lúc. Nhưng không chỉ có vậy, mỗi kiểu cười lại liên quan đến những cơ phận khác nhau, nhằm tạo ra nét riêng biệt.

   Nếu cười xã giao là một động tác đơn giản của đôi môi và sự co giãn của cơ gò má lớn thì một tràng cười rạng rỡ lúc quá vui mừng sẽ buộc cơ thể phải huy động hệ cơ ở vành mí mắt, với khả năng tự kích hoạt khi chúng ta cảm thấy khoan khoái dễ chịu. Nói vậy để thấy, nụ cười ngượng nghịu và nụ cười hạnh phúc khác nhau thế nào.

 

   Vậy thì, mỗi ngày chúng ta cười bao nhiêu lần trong sinh hoạt và giao tiếp? Số lần cười tùy thuộc vào cá tính và hoàn cảnh. Có người rất ít cười, nhưng cũng có người nụ cuời lúc nào cũng toe toét trên môi. Vậy thì, con người biết cười từ khi nào? Không phải lúc mới chào đời đã biết cuời, mà ở trẻ em, nụ cười chỉ xuất hiện khi bé đầy tháng, hoặc muộn nhất là 3 tháng tuổi. Bé thường mỉm cười khi gặp một khuôn mặt quen thuộc, được nghe một âm thanh êm tai và nhất là sau khi được ăn no. Rồi nhờ trải nghiệm, mỗi cá thể sẽ có những phản ứng cười khác nhau biểu thị ý nghĩa của nó. Nói rõ hơn, cười là một dạng ngôn ngữ khác với lời nói, một phương tiện để chúng ta bộc lộ ra những gì không thể nói bằng lời và mở ra phạm vi giao tiếp rộng hơn. Sau đây là 6 nụ cười được xem là cơ bản của con người.

 

   1. Cười xã giao: Đây là kiểu cười chào đón hay biểu lộ phép lịch sự, vừa gần gũi vừa giữ khoảng cách khiến cho đối tượng cảm thấy thoải mái và tin cậy, dù hai bên chưa từng quen nhau. Đặc điểm của nụ cười này là không cần biết đối tượng là ai, nhưng lại đánh trúng vào phản xạ thân thiện bẩm sinh tự nhiên của con người.

   2. Cười đồng thuận: Nụ cười đồng thuận xuất hiện khi đối phương có chung một vấn đề hay một hoàn cảnh như bạn. Nó thay cho lời nói “Tôi cũng đồng ý”. Cười đồng thuận có thể xảy ra cả ngoài đường phố với người không quen biết.

   3. Cười khuyến dụ: Theo chuyên gia tập tính học người Đức Irenaus Eibl-Eibsfeldt, thì nụ cười luôn được dùng như vũ khí quyến rũ của loài người. Tại Pháp, 37% phụ nữ đánh giá cao nhất những người đàn ông luôn nở nụ cười vui vẻ, trong khi chỉ có 13% đánh giá cao sức quyến rũ của ánh mắt (13%). Nụ cười quyến rũ dù có pha chút ranh mãnh vẫn dễ làm xiêu lòng và gây tin tưởng cho người khác.

   4. Cười phòng thủ: Cười phòng thủ để triệt tiêu những ý đồ tấn công của đối phương, được xem là vũ khí lợi hại có trong mọi nền văn minh, khi con người tự trấn an mình trước những người lạ và các bất trắc có thể xảy đến.

 

   5. Cười cầu tài: Học cách nở một nụ cười để tạo cho mình thái độ và dáng vẻ tích cực là bước đầu dẫn đến những thành công trong cuộc sống. Nó cũng tăng thêm sự tự tin, giúp chúng ta kiểm soát stress tốt hơn và đối diện tốt hơn với những thay đổi trong cuộc sống, mang lại sự bình an và thanh thản cho tâm hồn.

   6. Cười gượng: Theo chuyên gia tâm lý liệu pháp Catherine Aimelet-Perissol, nụ cười gượng thường xuất hiện khi chúng ta vừa mới phạm phải một hành động vụng về nào đó không đáng có, khi chúng ta thẹn thùng, xấu hổ và cả để biểu thị một trạng thái tâm lý bấn loạn. Nó còn là phương tiện để chúng ta chế ngự cảm xúc của mình, khi không muốn chịu đựng nó.

(nguồn baoanhdatmui.vn)