Bí ẩn hồ băng chứa đầy xương người ở Ấn Độ 06/07/2013 10:11:02
Hồ băng Roopkund, thuộc bang Uttarakhand (Ấn Độ), nằm ở độ cao 5.029m. Sau khi băng tan chảy, hàng trăm bộ xương người hiện dần ra trên mặt hồ hoặc trôi lênh đênh theo dòng nước…
 
Tuy báo cáo về những bộ xương người ở đây đã xuất hiện từ cuối thế kỉ 19, nhưng phải đến năm 1942, bí ẩn của hồ băng Roopkund mới bắt đầu được phát hiện. Ban đầu, chúng được cho là xương của lính Nhật Bản đột nhập khu vực này và phải bỏ mạng do sự khắc nghiệt của địa thế.

Lúc đó vẫn đang là thời điểm của cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, người Anh ngay lập tức đã gửi một đội điều tra đến xác định liệu họ có phải đã bị đột kích. Tuy nhiên, kết quả của cuộc điều tra cho thấy những hài cốt này hoàn toàn không phải của người Nhật Bản bởi chúng không còn tươi mới.
 
Hồ băng Roopkund

Nhiều học giả và đội điều tra của Anh đều cho rằng các bộ xương cốt này là của đại tướng Zorawar Singh vùng Kashmir (tiểu lục địa Ấn Độ) và người của ông ta. Đội quân của đại tướng Zorawar Singh được cho là đã lạc đường và bỏ mạng ở dãy Himalayas khi đang trên đường trở về sau cuộc chiến Tây Tạng năm 1841.

Tuy nhiên, cuộc kiểm tra carbon phóng xạ của các bộ xương vào những năm 60 lại phủ nhận giả thiết nói trên. Theo kết quả kiểm tra phóng xạ, các thi hài này có vào khoảng giữa thế kỉ 12 và thế kỉ 15, và điều này đã khiến các sử gia tin rằng, chúng là kết quả của một cuộc tấn công bất thành của quốc vương Mohammad Tughlak ở Garhwal Himalaya. Các nhà nhân loại học và nhiều người khác lại cho rằng, những bộ thi hài này đều là của các nạn nhân trong một nạn dịch lớn hoặc một vụ tự sát tập thể theo nghi lễ tôn giáo nào đó.
 
 
Phải đến năm 2004, sau khi một đội gồm các nhà khoa học Châu Âu và Ấn Độ đã trở lại khu vực này theo chương trình của kênh National Geographic, thì sự thật đáng sợ của bí ẩn này mới bắt đầu được hé lộ.

Sau khi kiểm tra DNA, các thi hài được chia làm 2 nhóm: một nhóm loại thuộc vóc người thấp và nhóm kia là của những người cao lớn hơn rất nhiều lần. Kết quả của cuộc điều tra cũng cho thấy các bộ xương này có khoảng từ năm 850 sau Công Nguyên.

Các vết nứt sau hộp sọ đều tiết lộ một điều rằng, tất cả đều chết do một đòn chí tử từ phía sau đầu, bởi một vật thể hình tròn cỡ quả bóng. Thêm vào đó, việc thiếu bằng chứng cho thấy có bất kì vết thương nào khác trên cơ thể, chứng tỏ một điều rằng cú đánh chí mạng này đến từ phía trên. Và lời giải thích hợp lý nhất cho việc rất nhiều người chết do cùng một vết thương, vào cùng một thởi điểm chỉ có thể là một thứ gì đó rơi mạnh từ trên trời xuống, chẳng hạn như… mưa đá.
 
 
Không có bằng chứng lịch sử nào liên quan đến các cuộc trao đổi buôn bán với Tây Tạng trong khu vực, nhưng hồ Roopkund lại nằm trên lộ trình hành hương đến cúng bái và hội hè ở núi Nanda Devi (diễn ra khoảng 12 năm một lần). Đoàn người hành hương gồm khoảng 500 - 600 người, gồm cả những người khỏe mạnh am hiểu địa hình, được thuê để khuân vác hành lý. Khi đi qua hồ băng, họ có thể đã nán lại để lấy nước uống, bất chợt mây lũ lượt kéo đến, mang theo mưa đá. Vì không có nơi trú ẩn ở dãy Himalayas, rất nhiều người đã phải bỏ mạng. Nước băng ở hồ đã bảo quản cơ thể của họ trong suốt hàng trăm năm. Một số đến tận bây giờ vẫn giữ được nguyên vẹn tóc, móng tay, và quần áo.

Rất có khả năng rằng một vài người trong nhóm người hành hương này đã may mắn thoát được kiếp nạn, quay trở về làng và thuật lại câu chuyện, bởi trên thực tế cũng có một câu chuyện dân gian khá thú vị về sự kiện này. Bài hát truyền thống của những người phụ nữ ở Himalayas có nhắc đến một nữ thần, vì quá nổi giận, bởi vì người ngoài đã dám làm vấy bẩn ngọn núi tôn nghiêm của bà, nên vị nữ thần mới tạo nên những cơn mưa đá “cứng như sắt” để trừng trị nhóm người này.
 
 Toàn cảnh hồ băng Roopkund ở Ấn Độ
 
 
 
 Hình ảnh các bộ xương người được phát hiện trong hồ
 
 
(Theo ANTD)