1. Điều đầu tiên các bạn cần ghi nhớ đó là đừng cố gắng hoàn thành một câu hỏi trước khi chuyển sang một câu hỏi tiếp theo. Nếu bạn tập trung quá nhiều vào một câu hỏi mà bạn chưa hiểu (hay chưa thể trả lời được) tức là bạn đang tự gây ra cho mình ít nhất hai khó khăn sau:
- Mất thời gian: Bạn phải nhớ rằng, mỗi một câu hỏi chỉ được 1 điểm, vì vậy, nếu bạn dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi mà bạn không thể trả lời những câu hỏi sau đó thì bạn sẽ còn mất nhiều điểm hơn rất nhiều.
- Mất tinh thần: Bạn sẽ cảm thấy lo lắng và sự lo lắng này rất có thể sẽ làm bạn bị mất tập trung và do đó sẽ không thể đem lại cho bạn một kết quả cao được.
2. Thứ hai, bạn nên xem qua một lượt tất cả các câu hỏi và trả lời những câu hỏi mà bạn cảm thấy chắc chắn câu trả lời của mình là đúng. Việc này sẽ giúp các bạn thoải mái hơn và bản thân bạn cũng sẽ thấy tự tin hơn để tiếp tục làm những câu hỏi khác.
3. Xem lại toàn bộ bài kiểm tra một lần nữa để cố gắng tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi khó. Bây giờ bạn đã cảm thấy tự tin hơn vào mình và sự tự tin này sẽ giúp bạn làm bài thi tốt hơn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá tập trung vào một câu hỏi.
4. Khi đã xem toàn bộ bài kiểm tra hai lần, bạn hãy chú ý tìm xem có câu hỏi nào trong bài mà bạn đã trả lời có thể giúp bạn trả lời được những câu hỏi khó không? Mẹo này rất ít bạn sử dụng khi làm bài thi. Các bạn phải lưu ý rằng, trong bài kiểm tra đôi khi có những câu hỏi mà câu trả lời của nó lại nằm trong chính những câu hỏi sau đó. Chúng tôi vẫn phải nhắc lại là, bạn nên hoàn thành bài kiểm tra của mình (bỏ lại những câu hỏi khó, chưa trả lời được), sau đó dùng thời gian còn lại để tiếp tục với những câu hỏi khó đó.
5. Nếu như bạn đã chắc chắn về một câu trả lời nào đó, đừng quay trở lại để thay đổi nó. Thông thường (tất nhiên không phải luôn luôn) khi chúng ta đã chắc chắn về câu trả lời của mình, chúng ta thực sự không cần phải suy nghĩ nhiều về nó nữa. Xem lại câu trả lời chỉ làm cho bạn cảm thấy không chắc chắn và dễ làm bạn thay đổi ý kiến. Điều này rất hay xảy ra, vì vậy hãy hết sức chú ý nhé.
6. Chọn ngẫu nhiên. Nếu như thời gian làm bài đã gần hết mà bạn vẫn chưa thể tìm ra được đáp án, hãy chọn một đáp án bất kì theo sự suy đoán của bạn. Đừng bao giờ bỏ qua bất kì câu hỏi nào trong một bài thi trắc nghiệm vì nếu bạn trả lời, bạn có 25% cơ hội trả lời đúng, còn nếu không trả lời bạn chẳng có cơ hội đúng nào cả.
7. Loại bỏ những đáp án không thích hợp. Có rất nhiều những bài thi trong đó có một hay hai đáp án không thích hợp (chỉ đọc lên cũng đã thấy không thích hợp). Loại bỏ những đáp án đó đã giúp bạn có được nhiều hơn 25% cơ hội trả lời đúng câu hỏi đó (nếu bạn chọn ngẫu nhiên các đáp án còn lại theo suy đoán).
8. Hạn chế bản thân mình trong phạm vi kiến thức mà mình biết. Học sinh thường bị tắc khi cố gắng tìm ra đúng từ mà chúng chưa thể nhớ ra. Nếu không thể nhớ ra từ đó, hãy dùng một từ khác cũng có ý nghĩa tương tự.
9. Tìm những dấu hiệu về thời gian khi chia động từ. Điều quan trọng nhất để nhận biết là từ hay cụm từ chỉ thời gian – nó chỉ cho chúng ta biết khi nào một việc gì đó xảy ra và việc chia động từ cũng thường dựa trên cơ sở này. Điều này giúp bạn loại bỏ được những đáp án không phù hợp. Việc chia động từ sẽ dễ dàng hơn nếu bạn biết thì cần chia của động từ đó nhờ cụm từ chỉ thời gian, chứ không phải chỉ nhìn vào động từ và ngẫm nghĩ từng đáp án.
10. Đừng gian lận. Bạn nên nhớ rằng, bạn thi không phải chỉ vì sự mong chờ của bố mẹ và thầy cô mà còn vì chính bản thân mình. Vì vậy; việc gian lận trong thi cử sẽ không giúp gì được cho quá trình học tập lâu dài của bạn. Hãy trung thực trong thi cử bạn nhé..
Điều cuối cùng chúng tôi muốn nhắc nhở các bạn trước khi bước vào phòng thi là: - Tự tin vào bản thân mình (kiến thức cũng như khả năng của bạn). - Không nên dự đoán xem đề thi khó hay dễ, các bạn nhớ rằng khó là khó chung và dễ là dễ chung cho tất cả các thí sinh. - Thư giãn và tập trung vào trả lời câu hỏi. Câu dễ làm trước, câu khó làm sau, đừng nản chí. - Tận dụng tối đa thời gian làm bài.
Chúc tất cả các bạn đạt kết quả cao trong kì thi của mình!
Theo Gobal education