1. Chủ động
Lên đại học, rõ ràng môi trường học tập hoàn toàn khác với bậc phổ thông. Thay vì thường xuyên chịu sự quản lý của giáo viên chủ nhiệm, ở môi trường mới này, bạn hoàn toàn chủ động trong mọi việc từ học tập đến tham gia các họat động trường lớp. Giáo viên chủ nhiệm sẽ đóng vai trò giám sát, hỗ trợ và giúp đỡ các bạn mà thôi, đừng ngạc nhiên khi mỗi tháng bạn chỉ gặp GVCN vài lần.
Ở môi trường mới này, các giảng viên bộ môn sẽ là người truyền đạt các kiến thức chuyên môn, khơi ra những vấn đề mang tính gợi mở và chính các sinh viên sẽ là người tự tìm hiểu và nghiên cứu ở nhà. Thậm chí có nhiều bộ môn, thời gian dành cho sinh viên tự nghiên cứu, làm tiểu luận, thuyết trình trước lớp còn nhiều hơn thời gian giảng viên lên lớp. Chính điều đó sẽ giúp cho bạn có điều kiện rèn luyện tư duy, khả năng nghiên cứu khoa học và sự tự tin khi nói trước đám đông.
2. Sống tự lập
Bước vào ngưỡng cửa đại học, chứng tỏ bạn đã trưởng thành và bắt đầu chín chắn trong suy nghĩ. Hãy ý thức rằng, đã đến lúc bạn phải tập sống tự lập và lên kế hoạch cho tương lai của mình. Với những sinh viên xa nhà, có lẽ thời gian đầu các bạn phải đối mặt với không ít khó khăn như tìm nhà trọ, thích nghi môi truờng mới, làm quen bạn mới, lên kế hoạch chi tiêu trên khoản tiền ít ỏi mà gia đình gửi cho hàng tháng. Tất cả chỉ có một mình bạn mà không có ba mẹ bên cạnh.
Nhưng đừng lo lắng, hãy nghĩ rằng, sống tự lập sẽ giúp bạn được tự do làm những điều mình thích, được tự trải nghiệm những thử thách mà trước đây bạn chưa bao giờ được chạm tới. Tự lập là một cơ hội để bạn thêm trưởng thành.
Trải qua 4 năm đại học, tự làm vịệc nhà, tự trang trải chi tiêu, tự thiết lập các mối quan hệ xã hội, đi làm thêm, tự trải nghiệm những thử thách, tiếp xúc với nhiều người. Bạn sẽ học được cách đối nhân xử thế và những bài học quý giá mà không có trường lớp nào giảng dạy.
3. Kỹ năng làm việc nhóm
Là tân sinh viên, bạn phải làm quen với hình thức làm việc theo nhóm, không chỉ một mà là rất nhiều lần ở rất nhiều bộ ở bậc đại học. Ở giảng đường, kiến thức mà bạn nhận được rõ ràng ở một tầm cao mới, do đó chỉ một mình bạn khó có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Hơn thế nữa, sau khi tốt nghiệp ra trường, các bạn sẽ làm việc tại các văn phòng, công ty mà ở đó kỹ năng làm việc nhóm ăn ý là cần hơn bao giờ hết.
Để làm việc nhóm hiệu quả, điều đầu tiên là bạn phải làm tốt phần việc mình đảm trách, sau đó hãy cùng tham gia đề xuất ý kiến, trao đổi thảo luận để hoàn thiện bài tập nhóm. Trong nhóm học tập, mỗi cá nhân là một “nhà máy sản xuất ý tưởng”, do đó, bên cạnh việc đưa ra ý tưởng của mình, bạn phải biết cách lắng nghe và xem xét ý tưởng từ những người bạn khác. Từ đó thống nhất với nhau đưa ra phương án tốt nhất, đừng quá đề cao cái tôi cá nhân của mình các bạn nhé !
4. Kết nối bạn bè
Giờ đã mười chín, hai mươi..., đã qua rồi cái thời rụt rè nhút nhát, gửi thư hộc bàn hay chỉ biết ngắm nhìn từ xa. Là tân sinh viên, bạn sẽ có nhiều cơ hội mở rộng quan hệ, giao lưu kết bạn và chủ động tìm kiếm cho mình những người bạn đồng hành bằng nhiều cách.
Để khỏi bỡ ngỡ trước khi bước chân vào giảng đường, tại sao bạn không lên mạng, gõ tìm địa chỉ website, diễn đàn của sinh viên trường mình? Hãy đăng ký thành viên và làm quen với các đàn anh, đàn chị, các bạn sinh viên trong trường mình để nhận được sự hỗ trợ khi bạn có thắc mắc. Rõ ràng làm quen trên mạng dễ hơn hẳn với việc bắt chuyện với một người lạ kế bên đúng không?
Ở các trường đại học, có rất nhiều các Câu lạc bộ dành cho sinh viên, từ CLB năng khiếu. CLB từ thiện hay các CLB mang tính chuyên ngành học tập. Hãy mạnh dạn đăng ký tham gia để được cùng họ khám phá tri thức, cùng tham gia những chuyến đi từ thiện, tổ chức những sự kiện hoành tráng và rèn luyện kỹ năng mềm.
Tham gia họat động xã hội cùng các CLB sẽ cho bạn thêm kinh nghiệm, sự tự tin và khả năng giao tiếp cực tốt. Không những thế, các CLB họat động với nhau như một gia đình, ở đó bạn sẽ có thêm những người bạn tuyệt vời hơn bao giờ hết.
5. Tiết kiệm
Đối với sinh viên thì tiền nong luôn là một trong những vấn đề luôn canh cánh bên lòng, nhất là với những sinh viên phải sống xa nhà. Ngoài học phí, các bạn còn phải trang trải tiền sinh họat, thuê trọ, quỹ lớp, quỹ Đoàn, mua giáo trình, tụ tập với bạn bè… rất nhiều khoản đang “réo gọi” mà ngân quỹ thì lại hạn hẹp.
Tiền ba mẹ gởi lên hàng tháng là tiền “mồ hôi nước mắt”, chắt chiu từ quê nhà, do đó các tân sinh viên phải tập làm quen với cách chi tiêu hợp lý, tránh phung phí không lâu làm phụ lòng người thân. Hãy thử làm những cách sau để có thể an tâm học hành mà không phải quá nặng lòng về chi phí
- Lên danh sách những thứ cần mua và những thứ muốn mua nhưng chưa cần.
- Đừng ngại trả giá khi mua hàng ngoài chợ.
- Mua heo đất và “nuôi heo” bằng những đồng tiền lẻ còn thừa khi đi chợ về, chí ít nó cũng giúp bạn trang trải những khoản linh tinh.
- Hạn chế những cuộc tụ tập ăn chơi không cần thiết.
- Những cửa hàng sách cũ luôn là một gợi ý tuyệt vời nếu bạn cần những cuốn giáo trình hay, những cuốn sách yêu thích với giá cực mềm.
6. Part – time
Có lẽ đây là từ khóa quan trọng và được nhiều sinh viên tìm kiếm nhất. So với bậc trung học phổ thông thì kiến thức ở bậc đại học có phần khó hơn, nhưng thời gian để các bạn tiếp thu dường như thư thái hơn nhiều. Do vậy, là sinh viên bạn sẽ có thêm thời gian để tham gia các công việc part-time, tích lũy kinh nghiệm cho công việc sau này, ngoài ra bạn còn dành dụm được một khoản tiền hậu hĩnh từ công việc đó nữa. Có rất nhiều part-time phù hợp với giới sinh viên như nhân viên phục vụ, phát tờ rơi, gia sư, làm MC, cộng tác viên cho các báo.
Hãy lựa chọn cho mình một part-time phù hợp với thời gian, sức khỏe và sở thích của mình nhé. Chúc các bạn tân sinh viên sẽ có một quãng thời gian quý báu bên kiến thức, thầy cô, bạn bè và những trải nghiệm khó quên thời sinh viên.
(nguồn: Kenh14)