Nếu thời gian làm bài là 90 phút, bạn nên dành khoảng 5 phút đọc qua các câu hỏi sau đó bắt tay vào làm cũng không muộn.
Vội vàng đặt bút
Nhận đề thi, teen thường lướt qua một lượt rồi mau chóng đặt bút vì sợ hết giờ. Đây là lỗi sơ đẳng nhất mà nhiều bạn không để ý. Bạn không đọc kĩ đề, xác định xem câu nào dễ làm trước, mà “phóng lao” theo thứ tự câu 1, 2, 3... Sau đó khi mới làm được nửa câu, bạn bị bế tắc, bỏ dở rồi tiếp tục sang câu 2.
Nếu thời gian làm bài là 90 phút, bạn nên dành khoảng 5 phút đọc qua các câu hỏi trong đề, thấy câu nào ghi điểm “ngon ơ” và chắc chắn nhất thì bắt tay vào cũng không muộn. Nếu đề bài cho phép 180 phút, bạn có thể dành 10 phút cho việc này: vừa yên tâm không bị bỏ sót câu nào, vừa “căn” được điểm số từng câu để phân chia thời gian hợp lý.
“Tớ rất tiếc trong kì thi HSG Quốc gia vừa rồi, vì đọc đề bài cẩu thả, qua loa mà bị lạc đề. Khi gần hết thời gian tớ mới nhận ra thì không kịp nữa rồi” - Lan Anh (12 chuyên Nguyễn Trãi - Hải Dương) chia sẻ.
Cẩn thận quá cũng… không tốt
Ảnh minh họa.
Tất nhiên, trong mọi công việc, tính cẩn thận sẽ giúp bạn đạt hiệu quả cao. Nhưng đừng nên trau chuốt và cẩn thận quá, nếu không bạn sẽ thiếu thời gian.
Văn Duy (ĐH Bách Khoa) cho rằng: "Bài thi mình viết để thầy cô chấm điểm đọc được, hiểu được những gì mình trình bày là thành công rồi. Nếu quá nắn nót, tỉ mỉ từng câu chữ cũng không được cộng thêm điểm”.
Một bài làm sáng sủa, dễ nhìn, thầy cô nào chấm cũng rất thích, nhất là trong mùa hè nóng nực. Tuy nhiên, teen nên nhớ thời gian làm bài có hạn, bạn quá tỉ mỉ và cẩn thận chắc chắn sẽ không làm xong. Khi làm chưa đúng, nếu muốn làm lại, bạn không nên thay tờ giấy khác để chép. Tốt nhất nên gạch một đường thẳng lên những chỗ sai. Như vậy, bài làm của bạn vẫn sáng sủa, rõ ràng và bạn có thể tiếp tục trình bày tiếp mà không hề gián đoạn.
Hấp tấp ra phòng thi trước
Nếu đã làm xong trước thời gian, chớ vội vàng, hãy ngồi lại xem bài của mình. Biết đâu, bạn sẽ nhận thấy những chỗ thiếu sót, sai lầm để chỉnh sửa cho kịp thì sao?
“Học ba năm, thi một giờ”, tránh những tiếc nuối “giá như, biết thế thì….”, hãy soát bài thật chắc chắn trước khi nộp.
Những kinh nghiệm mà chúng tớ rút ra rất hữu ích cho teen trong những ngày thi cử bận rộn. Sẽ không thừa nếu bạn chịu khó áp dụng đâu nhé!
Theo Kenh14