Bạn có bao giờ thắc mắc: các thủ khoa đại học đã dùng "chiêu" gì để đạt được những thành tích đáng nể trong học tập, những điểm số gần như tuyệt đối ở các kỳ thi đại học? Hãy nghe chính các thủ khoa tiết lộ những bí quyết để có được những thành tích học tập "siêu" như thế !
Theo bạn Nguyễn Văn Giang (thủ khoa ngành Tin học - Học viện Kỹ thuật
quân sự) thì "học là một quá trình, nghĩa là lúc học phải học hết mình,
chăm chú nghe giảng vì những điều thầy giảng cho mình là những cái hay
nhất, có như vậy mới tiếp thu được kiến thức một cách đầy đủ và sâu sắc.
Ngoài ra nên tự lập một thời gian biểu tại nhà để ôn tập, học đến đâu
làm đề cương tới đó, tạo thành một "xương sống" kiến thức. Đến khi ôn
thi thì triển khai những phần học sẽ dễ dàng và hiệu quả". Bí quyết làm
bài thi đạt điểm cao của Giang không chỉ thuộc bài là đủ. Cũng không
phải văn hoa nhiều, với những môn lý luận khoa học, ngoài việc nắm được
bản chất, còn nắm được cả "râu ria" của vấn đề, tổ chức bài thi một cách
có hệ thống. Nên thử tưởng tượng dựa trên quan điểm của giáo viên xem
thầy cô cần gì từ bài thi của mình, những yêu cầu đặt ra là gì ở bài thi
để từ đó mình "cá tính" hóa bài thi của mình. Nhưng "cá tính" ở đây
phải dựa trên những hiểu biết sâu sắc và khoa học về vấn đề mình trình
bày, gây được ấn tượng tốt cho thầy cô.
Hoàng Thu Trang - thủ
khoa ngành Kinh tế lao động - Trường ĐH Kinh tế quốc dân lại học theo
công thức: "Cần cù + hay để ý + một ít thông minh = thành công". Cần cù ở
đây không phải là "mọt sách" mà là vận dụng những kiến thức học được
trên lớp vào thực tế. Trang cho biết: "Tôi thường tự lập cho mình một kế
hoạch cụ thể cho việc học trên lớp, học ở nhà và từ thực tế. Với tôi,
thực tế đó là việc đi làm thêm, tôi thường làm những đề tài nghiên cứu
cùng với các thầy cô và nhận các tài liệu tiếng Anh về dịch, vừa bớt đi
một khoản tiền xin bố mẹ vừa có thêm kinh nghiệm và kỹ năng cho việc học
hành". "Hay để ý" với Trang tức là phải biết mình học cái đó để làm gì.
Làm thế nào để đối mặt với những môn mà mình không thích? Việc chú ý
nghe giảng và ghi chép đầy đủ theo cách của mình về bài giảng của thầy
cô trên lớp sẽ phần nào định hình được nội dung môn học. "Chút thông
minh" chính là sự năng động nhạy, bén của mình trong học tập, làm thế
nào để không mất hàng giờ ngồi trên thư viện mà vẫn tìm được cái mình
cần. Tôi thường nói đùa với bạn bè "việc cần làm thì nên làm thường
xuyên, việc cấp bách thì làm lúc cấp bách". Trong đầu luôn định sẵn cho
mình một kế hoạch cụ thể thì việc gì cũng sẽ thành công!
Còn đối
với Nguyễn Văn Bình - thủ khoa Đại học Phòng cháy chữa cháy thì bí quyết
học tốt là "nghe được "điểm nhấn" của thầy cô". Theo Bình, việc khó
nhất đối với SV nói chung là định hình được môn học và cách học. Vấn đề
này có thể giải quyết hiệu quả bằng cách tìm hiểu môn học qua chính thầy
cô của mình; học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để biết được
mức độ khó dễ cũng như tầm quan trọng của môn học đó, sau đó sẽ tự lên
kế hoạch và tự tổng hợp theo cách riêng phù hợp với cách học của bản
thân sao cho có kết quả tốt nhất. Riêng với những bài tiểu luận, Bình
thường chọn một đề tài nhỏ và cố gắng làm trọn vẹn hoặc giải quyết triệt
để những vấn đề có trong bài, không nên dàn trải. Học từ thực tế là
điều tối quan trọng, thường xuyên cập nhật thông tin cũng như chọn cho
mình một tờ báo "gối đầu giường" để đọc hằng ngày là một điều cần thiết
để bắt kịp xu thế của xã hội.
Theo thanh niên