Thủ khoa khối A khuyên gì trước kỳ tuyển sinh đại học? 30/06/2014 09:35:52

 “Câu khó như hình học phẳng có thể vẽ hình ra nháp cho dễ tưởng tượng rồi làm trực tiếp vào bài thi, sai gạch đi cũng không bị trừ điểm”.

Đó là chia sẻ đặc biệt của thủ khoa khối A Trường ĐH Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội – Hoàng Văn Cường dành cho các sĩ tử khi kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014 đang tới gần.

Luyện môn còn yếu

Đăng ký thi vào Khoa Cầu đường của Trường GTVT với lời khuyên từ chị gái và  tư vấn của thầy giáo dạy Toán “con trai nên học ngành kỹ thuật”, “kinh tế đang khủng hoảng”,  Hoàng Văn Cường đỗ thủ khoa với tổng điểm 27,5 (sau khi làm tròn), trong đó Toán 9,75; Lý 8 và Hóa 9,5.

Không giấu được niềm vui khi nhớ về ngày nhận được kết quả thông báo thi đại học, thủ khoa Cường cho biết, ngày 20/7 nhận được thông báo sẽ có kết quả thi đại học của trường GTVT, chờ đợi từ sáng đến tối chưa có nên Cường chuẩn bị đi ngủ. Đúng lúc đó một người bạn gọi điện báo tin Cường đỗ đại học. Quá hạnh phúc, Cường gọi điện thông báo cho tất cả mọi người ngay đêm hôm đó. Nửa đêm, bác họ của Cường cũng đã có mặt ở nhà Cường để chúc mừng.

 

Để có được kết quả cao như vậy, bản thân Cường phải tự nỗ lực học tập nhiều, đặc biệt với môn Hóa. Bởi khi học lớp 11, Cường vẫn tự nhận mình yếu môn Hóa.

Yếu môn nào thì bổ sung môn đó, Cường dành nhiều thời gian tập trung ôn tập môn Hóa. Không chỉ vậy, với hai môn thi còn lại là Toán và Hóa, Cường lại có kế hoạch ôn tập riêng, phù hợp với năng lực của bản thân.

Theo Cường chia sẻ, môn Toán là dễ kiếm điểm nhất. Bản thân Cường coi môn Toán là thế mạnh trong 3 môn thi đại học nên phải cố gắng “ăn điểm” tối đa ở môn này. Toán học là niềm đam mê từ bé của Cường, không có môn nào lại tạo hứng thú cho Cường như môn Toán.

Cường vẫn tiếc nuối khi nhớ về bài thi môn Toán, do chút nhầm lẫn trong câu hình học phẳng nên Cường đánh mất điểm tuyệt đối môn Toán.

Tránh bị mất điểm vì lỗi nhỏ

Với môn Toán, Cường khuyên các sĩ tử khi làm bài thi phải đọc tất cả các câu trong đề thi, câu nào dễ làm thật nhanh để dành thời gian tập trung cho câu khó.

Câu dễ nên làm trực tiếp ngay vào bài làm vì làm ra nháp rồi chép lại sẽ mất nhiều thời gian. Với những câu khó như câu hệ cần biến đổi, hình học phẳng có thể sử dụng giấy nháp vẽ hình ra cho dễ tưởng tượng, sau đó làm trực tiếp vào bài thi, sai gạch đi làm lại cũng không bị trừ điểm.

“Năm ngoái em gặp mấy bạn thi về bảo làm xong rồi nhưng cuối giờ chưa kịp chép lại” – Cường nói thêm. Việc để mất điểm do không có thời gian chuyển kết quả từ nháp vào bài làm là đáng tiếc.

Với môn Hóa, môn Lý, Cường cho rằng lý thuyết thi đại học chiếm số điểm cao, thời gian làm thường nhanh hơn bài tập nên dễ ăn điểm. Do đó, sĩ tử cần tập trung ôn tập chắc lý thuyết. Tuy nhiên, câu hỏi lý thuyết cũng là những câu hay bị lừa, nên cần phải thật bình tĩnh suy nghĩ. Song song với việc ôn tập lý thuyết, sĩ từ làm thêm các bài tập trong đề thi của các năm trước.

Thời gian gần ngày thi, theo kinh nghiệm của Cường, nếu kiến thức môn Toán đã chắc nên tập trung làm đề. Mỗi buổi tối cố gắng làm nhanh 3 đến 4 đề Toán, Lý khoảng 2 đề, Hóa từ 3 đến 4 đề; vừa làm vừa bấm giờ để tập trung, sau dần tăng tốc độ làm bài.

Cường cho rằng với bài thi trắc nghiệm nên làm phần chung gồm 40 câu đầu trước, trong đó câu nào dễ làm trước, rồi chuyển nhanh sang phần tự chọn làm tiếp 10 câu cuối, câu khó để sau. Cũng theo Cường, 10 câu tự chọn thường dễ kiếm điểm “Năm trước, đề Hóa 10 câu cuối là dễ nhất, hầu như không có bạn nào sai cả”, Cường tươi cười nói.

Môn Hóa Cường làm trong 60 phút, nhưng qua nhiều lần kiểm tra vẫn sai câu đầu tiên về kim loại. Riêng câu đầu tiên Cường làm mất 3-4 phút, khi biết môn Hóa được 9,6 điểm Cường hoàn toàn không bất ngờ với kết quả này, có chăng chỉ bất ngờ việc mình đỗ thủ khoa.

Theo chia sẻ của Cường, ngoài giờ học, vào cuối tuần, chàng thủ khoa thường cùng các bạn trong lớp đánh cầu lông, đá bóng. Hoạt động thể thao giúp bản thân giảm áp lực thi cử, căng thẳng trong quá trình ôn tập bài vở.

Đăng ký ngành Cầu đường, nhưng hiện tại, Cường đang theo học ngành Vật liệu và Công nghệ Việt - Pháp. Cường cho biết dự định đi du học sớm sau năm học thứ 3 nên chọn ngành học này. Kết quả học kỳ I của Cường là 8,5. Cường đang trong thời gian hoàn thành bài thi học kỳ II.

Theo trang giáo dục Việt Nam