Thi tốt nghiệp có thể tổ chức 2 lần trong năm - phương án Thi và công nhận tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH do TS Nguyễn Thị Lan Phương và nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đề xuất.
Có thể thi tốt nghiệp 2 lần trong năm
Khái quát về phương án được nhóm đề xuất là: tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và công nhận tốt nghiệp cấp THPT trên cơ sở kết hợp cả kết quả học tập quá trình và kết quả thi. Phương thức này liên quan trực tiếp đến ba khâu chủ yếu là đánh giá kết quả học tập trong quá trình giáo dục, đánh giá kết quả thi tốt nghiệp, và cách thức công nhận tốt nghiệp.
Ảnh Lê Anh Dũng
Về đánh giá kết quả trong quá trình giáo dục: Đánh giá quá trình học tập môn học do giáo viên bộ môn chịu trách nhiệm, kết quả tổng kết môn học sẽ do hiệu trưởng và giáo viên môn học quyết định.
Chuẩn đầu ra cấp học yêu cầu cụ thể về phẩm chất và năng lực chung. Kết quả phát triển phẩm chất và năng lực chung này sẽ được nhà trường tổ chức đánh giá và do hiệu trưởng quyết định, có sự tư vấn của đội ngũ giáo viên.
Về đánh giá kết quả thi tốt nghiệp: Những người đề xuất phương án này không đưa ra số lượng môn thi tốt nghiệp cụ thể, nhưng cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia được tổ chức cuối lớp 12. Có thể tổ chức hai đợt trong một năm, khoảng tháng 3 và tháng 5 (làm được điều này vì quá trình học tập đều theo hướng năng lực, vì vậy kết quả thi không quá phụ thuộc vào nội dung học tập cụ thể).
Đề thi được thiết kế dựa theo chuẩn đầu ra cấp THPT, tập trung đo lường các năng lực chung, cốt lõi thể hiện qua một số lĩnh vực/ môn học cụ thể. Tùy theo đặc thù mỗi lĩnh vực/ môn học, cấu trúc đề thi là sự kết hợp hợp lý các phần trắc nghiệm khách quan, tự luận hoặc bài luận.
Về công nhận và sử dụng thi tốt nghiệp THPT: Xếp loại tổng thể theo 4 loại là Không đạt yêu cầu, Đạt yêu cầu, Khá và Giỏi. Từ Đạt trở lên thì cấp bằng tốt nghiệp THPT. Sử dụng kết quả tốt nghiệp để thực hiện tốt hơn việc phân luồng sau THPT.
Có thể theo gợi ý: Học sinh tốt nghiệp từ Đạt trở lên đủ điều kiện nhập học trường trung cấp. Học sinh tốt nghiệp loại Đạt và đáp ứng yêu cầu cụ thể về nhóm môn học/ năng lực nhất định, hoặc tốt nghiệp từ Khá trở lên đủ điều kiện nhập học trường CĐ. Học sinh tốt nghiệp từ loại Khá trở lên được đăng ký vào trường đại học và điều kiện nhập học cụ thể sẽ do mỗi trường đại học tự quyết định.
Tuyển sinh “trả” về các trường?
Nhóm khái quát phương án tuyển sinh ĐH được đề xuất là: Không tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH quốc gia mà giao quyền cho các trường ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.
Bộ GD-ĐT có trách nhiệm giám sát chất lượng tuyển sinh ĐH ở 3 khâu: Quyết định chỉ tiêu tuyển sinh mỗi trường, ban hành Quy chế tuyển sinh, xây dựng Ngân hàng câu hỏi.
Trường đại học tự chủ công tác tuyển sinh đầu vào nhằm chọn được những sinh viên phù hợp nhất với sứ mạng, mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo và nguồn lực nhà trường. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc lựa chọn các tiêu chí tuyển sinh. Một số tiêu chí theo đề xuất của phương án này là: Kết quả tốt nghiệp THPT; Học bạ phổ thông; sử dụng hồ sơ học tập (gồm học bạ, lý lịch tự thuật, thư giới thiệu…); Thi năng khiếu…
Mỗi trường có thể tuyển chọn đầu vào theo một trong 3 hình thức: Xét tuyển từ các tiêu chí tuyển sinh nhất định; Thi tuyển thông qua đề thi riêng của trường; Kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển.
Nhóm này đề xuất, Bộ GD-ĐT tổ chức nghiên cứu về việc thiết lập tiêu chí tuyển sinh theo nhóm trường (trường đặc thù và không đặc thù; trường trọng điểm quốc gia và trường bình thường; trường ứng dụng, thực hành và nghiên cứu).
Ví dụ, nhóm trường/ ngành đào tạo không đặc thù, không có tính cạnh tranh cao thì tiêu chí tuyển sinh có thể gồm học bạ phổ thông + bằng tốt nghiệp THPT.
Còn nhóm trường/ ngành đào tạo đặc thù, cạnh tranh cao, đòi hỏi năng khiếu và sử dụng ngân sách đặc biệt của Nhà nước, tiêu chí tuyển sinh có thể gồm hồ sơ học tập + học bạ phổ thông + bằng tốt nghiệp THPT + thi tuyển sinh.
Nhóm trường/ ngành trọng điểm quốc gia, tiêu chí tuyển sinh có thể gồm hồ sơ học tập + học bạ phổ thông + bằng tốt nghiệp THPT + thi tuyển sinh + đề chuẩn hóa quốc tế…
Nếu áp dụng phương án đề xuất này, thì giai đoạn 2014 – 2018 là thử nghiệm. Giai đoạn từ 2018 trở đi triển khai và điều chỉnh phương án thi tuyển sinh.
(Theo: Vietnamnet)