Đề thi vào 10 gây 'bão' tranh luận 27/06/2014 14:54:55

Không có câu hỏi nào yêu cầu thí sinh học thuộc, tất cả đều "mở" và gắn với các vấn đề nóng hổi của xã hội khiến đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh lớp 10 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được đưa ra tranh luận khắp nơi.


Ngày 25/6, gần 12.000 học sinh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đề thi môn Văn (120 phút) sau đó đã được bàn luận sôi nổi khi có những câu hỏi mở gắn với sự kiện thời sự và mang ý nghĩa sâu sắc.

Cụ thể, đề thi đã trích dẫn một đoạn lời của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được. Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di", từ đó yêu cầu học sinh viết một đoạn văn trình bày quan điểm về chủ quyền đất nước bắt đầu bằng Hoàng Sa, Trường Sa.

Ba câu hỏi còn lại cũng là những câu hỏi mở yêu cầu học sinh phải có tính sáng tạo, thể hiện quan điểm trước một vấn đề nóng hổi trong cuộc sống. Đó là cảnh báo về tình trạng nói dối ở học sinh, sinh viên hiện nay; cảnh báo ý thức của người tham gia giao thông; về lối sống vô cảm hay nêu mong ước của người cha đối với con qua đoạn trích trong bài thơ "Nói với con của nhà thơ Y Phương: "Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung lũng không chê thung lũng nghèo đói/ Sống như sông như suối/ Lên thác xuống ghềnh/ Không lo cực nhọc..."

Khi môn thi kết thúc, bên ngoài các hội đồng thi lập tức nổ ra những cuộc tranh luận gay gắt. Trong khi một số học sinh, phụ huynh bày tỏ sự bất ngờ và kêu khó thì rất nhiều người khác lại đánh giá đề quá hay, học sinh làm bài tốt. 

  

 


Sau buổi thi, HS tại Hội đồng thi Trường THPT Minh Đạm (huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu ) còn hào hứng tranh luận. Ảnh: HH.

Phụ huynh Nguyễn Thị Lan (có con học Trường THCS Kim Đồng) cho biết: "Con tôi về kể cháu làm được bài. Các câu cảnh báo vấn đề thực tế của xã hội cháu có theo dõi qua thời sự nên nắm được".

Cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên dạy văn, Hiệu trưởng Trường THCS Vũng Tàu (TP Vũng Tàu) nhận xét, đề thi môn ngữ văn năm nay hay và khá khó, buộc học sinh phải tư duy. Đề thi có cấu trúc gồm bốn câu. Khác với những năm trước, câu 1, 2 thường là câu dễ lấy điểm và kiểm tra kiến thức học thuộc lòng của học sinh thì năm nay Sở đã chọn cách ra đề buộc học sinh phải tư duy, đọc đề kỹ và viết chuẩn, ngắn gọn thì mới có thể có được trọn vẹn 2 điểm cho hai câu.

"Cách dạy văn bây giờ từ tiểu học trở đi hầu như đều làm theo văn mẫu. Tôi đã đi chấm thi và gặp nhiều trường hợp có những sai sót rất đáng báo động khi làm theo văn mẫu mà các em không hiểu thực chất vấn đề. Hy vọng từ những năm học tiếp theo, giáo viên sẽ chú trọng hơn để không còn tình trạng học tủ, ôn trọng tâm, dạy làm theo văn mẫu nữa", cô Phương chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: Mục tiêu ra đề thi môn văn năm nay là hạn chế học sinh học thuộc lòng máy móc, đánh bại thói quen không tốt của cả thầy và trò trong thi môn ngữ văn là làm văn theo bài văn mẫu.

"Chúng tôi không muốn đề thi chỉ đơn giản là phân tích một bài văn, một khổ thơ, là kiểm tra kiến thức của các em mà mong các em phải vận dụng được kiến thức đã học vào xử lý tình huống thực tế trong cuộc sống hằng ngày", ông Giang nhấn mạnh.

Người đứng đầu Sở Giáo dục tỉnh cho hay, ba tình huống cảnh báo đều là những vấn đề rất thực tế, nóng và nhạy cảm hiện nay. Đặc biệt, khi nói về sự vô cảm, đề đã dùng hình ảnh để minh họa thay cho lời diễn giải. Nhiều học sinh đi ngoài đường thấy cảnh đánh nhau, uy hiếp người yếu thế hơn nhưng không dám bênh vực, bỏ qua. Đó là biểu hiện của sự vô cảm.

"Chúng tôi muốn giáo dục, cung cấp cho học sinh không những có được kiến thức về văn chương mà mục tiêu dạy văn là dạy người, dạy cho học sinh phân biệt cái đúng, cái sai, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội. Đề thi lần này có thể có nhiều em điểm không cao vì học lệch tủ nhưng chúng tôi cũng chấp nhận. Thông qua một kỳ thi nhưng mục tiêu của chúng tôi là thực hiện đổi mới trong dạy văn, học văn cho thời gian sắp tới", ông Giang nói.

Trước hết, tôi xin nói lại cho rõ: Trong một bài nói chuyện của mình, tôi trích dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục công bố năm 2008 về tỉ lệ nói dối này. Báo đưa tin không chính xác, sau đó tôi đã cải chính.

Về đề thi, tôi đánh giá cao xu hướng ra đề thi dạng mở như vậy. Học sinh sẽ được kéo gần hơn với cuộc sống để tiếp cận thực tế. Từ đó góp phần xóa tình trạng học sinh làm bài theo kiểu học thuộc lòng, máy móc theo ý thầy cô dẫn đến thiếu sự sáng tạo trong học tập và cuộc sống.

Đề thi đưa tình trạng nói dối, ý thức tham gia giao thông và lối sống vô cảm - đều là những vấn đề nhức nhối đang tồn tại trong xã hội, học sinh sẽ có những suy nghĩ nhất định, hiểu đúng bản chất vấn đề và thể hiện được sự đấu tranh chống tiêu cực. Lâu nay chúng ta hay nghĩ rằng học sinh còn nhỏ, không nên tiếp cận với những vấn đề tiêu cực hoặc là chỉ đề cập, giảng dạy những điều tốt đẹp, còn cái xấu xa thì che đậy là không đúng.

Dù học sinh ở lứa tuổi nào cũng có cách tư duy và cái nhìn riêng đối với từng vấn đề trong thực tế để thể hiện vào bài viết. Đó cũng là cách để từng học sinh tự nhìn lại mình, rút kinh nghiệm, nâng cao nhận thức hơn cho bản thân trong ứng xử với cuộc sống. Đồng thời, mỗi học sinh sẽ ý thức được trách nhiệm của mình, cùng với trách nhiệm chung của gia đình và xã hội nhằm xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

GS Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, ĐH Quốc gia TP HCM

Theo Pháp luật TP HCM