Tại một ngôi làng với 2.000 hộ gia đình sinh sống ở miền nam Ấn Độ, người ta thống kê được rằng, đã có 250 cặp song sinh ra đời. Tỷ lệ sinh đôi của ngôi làng này được khẳng định là cao gấp 6 lần so với tỷ lệ trung bình trên toàn cầu. Điều kỳ lạ là những phụ nữ sinh đôi thường có chiều cao khoảng 160,02 cm (trong khi mức trung bình là 152,4cm). Thêm nữa, phụ nữ nơi đây thường kết hôn trước tuổi 20 tuổi và sinh con từ rất sớm.
Cứ 10 gia đình có một cặp sinh đôi
Kodinhi là một ngôi làng nhiệt đới vùng sâu vùng xa của khu vực Kerala, miền nam Ấn Độ. Ngôi làng nhỏ bé này từ lâu nay vẫn yên bình như bao vùng quê khác. Làng có khoảng 2.000 gia đình, sinh sống chủ yếu theo phương thức cổ xưa “tự cung tự cấp”, và chỉ có một số món đồ trao đổi, bán mua mỗi lần lên thành phố. Nhưng những năm gần đây, ngôi làng Kodinhi bỗng thu hút sự quan tâm của các phương tiện truyền thông, cuộc viếng thăm của các nhà nghiên cứu, du khách. Điều gì khiến ngôi làng Kodinhi trở nên nổi tiếng như vậy? Bởi lẽ, tỷ lệ sinh đôi của ngôi làng Kodinhi được khẳng định là cao gấp 6 lần so với tỷ lệ trung bình trên toàn cầu. Tính trung bình thì cứ 10 hộ gia đình thì có một cặp sinh đôi. Kể từ năm 2008 đến nay, đã có hơn 100 cặp song sinh ra đời và tỷ lệ thì cứ tăng đều đặn hàng năm trước sự kinh ngạc và khó hiểu của các bác sĩ trong vùng.
Theo các cuộc điều tra khảo sát và nguồn cung cấp từ người dân địa phương, thì hiện nay, cặp sinh đôi còn sống cao tuổi nhất ở làng là ông Pathummakutty và Kunhipathutty, 65 tuổi. Cặp sinh đôi ít tuổi nhất là Rifa Ayesha và Ritha Ayesha, 3 tuổi. Còn khoảng hơn 200 cặp sinh đôi khác ở các độ tuổi khác nhau. Họ cùng nhau sinh sống hòa thuận trong gia đình và làng bản, trước sự ngạc nhiên của những ai từng đến đây.
Nhầm lẫn: Không có gì là lạ!
Cha mẹ của những cặp sinh đôi rất tự hào về con của mình. Chúng giống nhau, khỏe mạnh và cùng lớn lên. Có điều khác biệt ở đây là phần lớn cha mẹ của các cặp sinh đôi ít khi dành thời gian để phân biệt các con của mình. Đối với họ, đó là con của mình, không phân biệt rõ ràng: đứa này tên gì, đứa kia có một đặc điểm nào nổi bật khác với người anh em sinh đôi hay không, sở thích của từng đứa là gì? Điều này cũng dễ hiểu vì cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào thiên nhiên với các phương thức thô sơ, nên mất nhiều thời gian hơn trong việc kiếm thức ăn. Trong khi đó, “con đàn cháu đống”, đứa nào cũng hao hao giống nhau.
Đến với ngôi làng Kodinhi, hình ảnh một cặp sinh đôi giống nhau như đúc đang đi dạo trên con đường làng và được nghe nhiều câu chuyện vui về các giáo viên luôn nhầm lẫn giữa các học sinh sinh đôi của mình không phải là hiếm hoi. Tại ngôi trường làng, cô bé Salmabi 15 tuổi cho biết, các giáo viên thường nhầm lẫn giữa 2 chị em cô và cô từng bị trách mắng vì điều mà chị cô làm. Theo các học sinh khác, chuyện này vẫn thường xuyên xảy ra tại đây. Với mọi sự chú ý đều hướng về các cặp sinh đôi, cậu bé học sinh Ajmer 12 tuổi cảm thấy lạc lõng trong một ngôi làng mà sinh đôi rất phổ biến.
Đó là chưa đề cập đến chuyện cuộc sống thường ngày của các cặp sinh đôi khi xây dựng gia đình riêng của mình. Chuyện nhầm lẫn vợ - chồng thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, vì cả làng có tới hàng trăm cặp sinh đôi khác nhau và do tính khoan dung rộng lượng, nên khi xảy ra chuyện đáng tiếc trên, họ sẽ nhanh chóng bỏ qua cho nhau. Không có gì trách móc, oán hận, với họ chỉ có một lời giải thích đơn giản “ai bảo chúng ta là sinh đôi, là giống nhau”. Cứ thế, họ xuề xoà, tha thứ cho nhau, rồi cùng nhau sống vui vẻ, hòa thuận.
Một vùng khó khăn như Kidonhi, người phụ nữ sẽ rất vất vả khi cùng lúc có 2 đứa trẻ chào đời. Tháng 7-2008, một hiệp hội có tên TAKA (Hiệp hội các dòng họ và gia đình sinh đôi) ra đời. Puallani Bhaskaran - 53 tuổi, Chủ tịch TAKA, đồng thời cũng là cha của một cặp sinh đôi - cho biết, hiệp hội được thành lập với mục đích chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, để cho xã hội biết rằng, sinh đôi không phải là điều thú vị gì cả.
Do nguồn nước hay do gene được mã hóa?
Bác sĩ Krishnan Sribiju là người đã có mấy chục năm trong việc tìm hiểu về ngôi làng Kodinhi. Ông cho rằng, hiện tượng này bắt đầu từ 60 - 70 năm trở lại đây, tương ứng với khoảng 3 - 4 thế hệ con cháu. Bản thân họ cũng không thể giải thích tại sao các bà mẹ trong làng lại hay “rủ nhau” đẻ đôi đến thế. Theo phán đoán của ông, hiện tượng này liên quan tới thực phẩm và nguồn nước của dân làng. Bác sĩ Sribiju đặc biệt lưu tâm có thể trong đồ ăn thức uống của họ có chứa thành phần đặc biệt nào đó mà khoa học chưa biết tới, có thể làm tăng tỷ lệ sinh đôi của các bà mẹ. “Tỷ lệ sinh đôi thông thường ở các nước châu Á là 4/1.000, nhưng đối với làng Kodinhi là 45/1.000. Đây là một hiện tượng y học rất thú vị xuất hiện tại ngôi làng hẻo lánh này. Điều đặc biệt là người dân nơi đây không hề bị phơi nhiễm bất kỳ hóa chất hay loại thuốc độc hại nào, vì đây là một ngôi làng còn nguyên sơ”, bác sĩ Sribiju cho biết.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia phỏng đoán về yếu tố gen, về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Họ đưa ra dẫn chứng rằng, để giải quyết những trường hợp vô sinh, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã trở nên hết sức phổ biến. Để “chắc ăn” người ta thường cho thụ tinh đa phôi, hỏng cái này được cái kia và nhiều khi “đậu” cả hai, thậm chí cả ba phôi cấy ghép trong tử cung người mẹ. Một nhân tố tuy nhỏ nhưng cũng góp phần tạo ra các trường hợp sinh đôi. Đó là những người phụ nữ thời hiện đại, mải lo cho sự nghiệp riêng có khuynh hướng lấy chồng ngày càng muộn. Mang thai ở lứa tuổi 36 - 38 là đỉnh cao diễn ra các ca sinh đôi.
Song, các bác sĩ địa phương đã phản đối. Họ cho rằng, khu vực xa xôi này không đủ điều kiện để thực hiện IVF nhiều như thế. Hơn nữa, những cặp vợ chồng đều khỏe mạnh và các cặp song sinh ra đời cũng có sức khỏe bình thường, không có biểu hiện nào về ảnh hưởng của yếu tố gene, của tác động môi trường ô nhiễm.
Một giả thiết khác được nhắc đến là hôn nhân gần huyết thống giữa các thành viên trong làng. Tuy vậy, kết quả giám định ADN mà các chuyên gia thực hiện chưa thể khẳng định điều đó vì đa số phụ nữ ở đây có gia đình và sinh con từ rất sớm, vì thế hoàn toàn ngược lại với kết quả nghiên cứu cho rằng phụ nữ luống tuổi dễ sinh đôi. “Tại đây, chúng tôi không hề thấy mọi yếu tố thường dẫn đến sinh đôi trên thế giới. Có một thứ gì đó chưa được biết đến đang gây ra hiện tượng này”, Sribiju nói.
Ngay cả một người cũng có thể đẻ sinh đôi nhiều lần, phần nào minh chứng cho giả thuyết có một loại gen mang tên “gen đẻ sinh đôi”. Chẳng hạn, trường hợp của bà Barbara Zulu, ở Nam Phi sinh 3 cặp sinh đôi nữ - nữ và 3 cặp sinh đôi nam - nữ trong 7 năm liền (1969 - 1973).
Theo ANTD