Theo tập tục của người Xơ Đăng, khi cha mẹ chết, con trai là người phải cõng xác cha mẹ đi chôn để tỏ lòng hiếu thảo.
Không biết tập tục này có tự bao giờ, nhưng theo những vị cao niên, trong tập tục tang ma của người Xơ Đăng, khi cha mẹ chết, con trai phải tự cõng xác cha mẹ ra cánh rừng thiêng để chôn cất.
Trong sự thống nhất là cơ tầng chung cho văn hoá mọi vùng miền ở Việt Nam, những quan niệm về quan- hôn- tang- tế của các cộng đồng tộc người sinh sống ở Việt Nam cũng có sự khác biệt. Các nghi thức trong tang ma của người Xơ Đăng là một ví dụ.
Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh, người Xơ Đăng cho rằng mọi việc đến với con người đều có sự sắp đặt của thần linh; hay nói cách khác, thần linh chi phối cuộc sống của mọi người mà cái chết không là ngoại lệ. Chính vì vậy, trong tâm thức họ, khi chết đi, con người lại trở về với các đấng thần linh. Do đó, trước cái chết của một thành viên, người thân dù thương tiếc nhưng không than khóc nhiều.Việc chuẩn bị đưa người chết về thế giới của ma/thần linh được thực hiện chu đáo với những việc làm thiết thực như lau chùi sạch sẽ và mặc quần áo lành lặn cho người chết. Sau đó người chết được đưa đến nơi chôn cất. Sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là giữa cha mẹ và con cái thể hiện rõ trong việc đưa người chết đến nơi an nghĩ cuối cùng.
Tập tục tang ma của người Xơ Đăng có nhiều nét
độc đáo. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống.
Theo tập tục của người Xơ Đăng, khi cha mẹ chết, con trai là người phải cõng xác cha mẹ đi chôn để tỏ lòng hiếu thảo. Nếu chẳng may, người con chết trước thì sự thương tiếc của cha mẹ được thể hiện qua việc cõng xác con đến nơi an nghỉ cuối cùng ở một cánh rừng già phía tây của làng, nơi vẫn được xem là cánh rừng thiêng, cánh rừng ma của cả làng. Cũng có những trường hợp, cha mẹ chết đi khi người con còn quá nhỏ, không đủ sức cõng cha mẹ đi chôn thì phải nhờ người khác cõng thay. Một điều lưu ý là người được nhờ làm giúp việc này phải là người có quan hệ huyết thống trong dòng họ.
Nếu một số dân tộc như người Êđê, người Giarai, người Kinh... có tập tục đặt xác người chết vào quan tài trước khi đi chôn thì người Xơ Đăng để nguyên xác người chết như vậy và cõng đi chôn. Trong quan niệm tâm linh, người ta cho rằng điều đó sẽ giúp linh hồn người chết dễ siêu thoát hơn.
Táng tục và táng thức của người Xơ Đăng cũng có những khác biệt so với các tộc dân khác trong khu vực. Nếu người Kinh có tục lệ đặt huyệt mộ theo hướng Đông- Tây, để đầu người chết gối về phía núi, huyệt mộ được đào vuông thành sắc cạnh thì người Xơ Đăng có táng thức mang nhiều nét tương đồng với các tộc dân Tây Nguyên hơn.
Huyệt mộ được đào gồm hai phần: từ trên xuống có tiết diện hình vuông, mỗi cạnh khoảng 40cm. Phần huyệt này được đào sâu khoảng 1,5m. Sau đó, huyệt được khoét ngách vừa đủ để người chết nằm ngang, đầu quay về hướng Tây. Chiều cao của huyệt từ đáy đến trần ngách ngang khoảng 60 cm. Khi lấp đất người ta đặt một tấm gỗ vào nơi bắt đầu khoét ngang trước khi đổ đất xuống huyệt. Người ta tránh không để đất rơi xuống thi thể, đặc biệt là không để mặt và phần trên của thi thể người chết tiếp xúc với đất. Sự cẩn trọng khi lấp đất thể hiện thái độ trân trọng, thương tiếc của dân làng đối với người vừa mất.
Cũng giống như nhiều dân tộc khác, trong đó có người Kinh, người Xơ Đăng quan niệm có hai dạng chết: chết lành và chết dữ. Chết lành là những cái chết bình thường theo quy luật tuổi già, ốm đau hoặc chết do một số các nguyên nhân nằm ngoài ý muốn của người chết. Với cái chết này, người Xơ Đăng bày tỏ sự tiếc thương qua việc đào huyệt mộ thật sâu, thật bằng phẳng để người chết có được sự bình yên trong giấc ngủ cuối cùng của mình. Bên cạnh, theo cách nghĩ của tộc dân này, những người chết như vậy là những người hiền lành nên tang ma được thực hiện rất chu đáo.
Cánh rừng ma (hay rừng thiêng), nơi con trai phải cõng xác cha mẹ đến đây để chôn cất.
Những cái chết như bị cây đè, thú dữ vồ hoặc trôi sông, suối... trong quan niệm của hầu hết các tộc dân khác là chết dữ. Với những cái chết như vậy, người chết không được chôn trong nghĩa địa chung của làng mà phải chôn ở một nơi nào khác như tại chính nơi người đó đã chết hoặc ở bìa rừng một cách sơ sài, các nghi thức cúng tế cũng đơn giản hơn, đặc biệt, hầu hết các dân tộc đều có nghi thức mời thầy cúng “làm phép” để con ma dữ đó không về làm hại những người sống…Nhưng người Xơ Đăng cho rằng những cái chết do tai nạn, rủi ro vẫn là những cái chết lành. Theo quan niệm của họ, những người chết cũng không muốn như vậy. Đó chỉ là tai nạn ngoài ý muốn của người chết và dân làng vẫn chôn cất nạn nhân xấu số rất chu đáo. Điều này thể hiện tính nhân văn của cả cộng đồng tộc người đối với các thành viên trong xã hội người Xơ Đăng.
Đặc biệt, người Xơ Đăng rất quý trọng giá trị của cuộc sống mà theo họ là do thần linh sắp đặt cho con người. Chính vì vậy, cái chết do con người tự gây ra như tự tử bị lên án nặng nề và bị xem là những cái chết dữ. Với những người như vậy sẽ không được cõng mà chỉ được khiêng đến nơi chôn cất. Huyệt mộ là một hố đào sơ sài, không có ngách ngang, người chết không được đặt nằm mà chôn ở tư thế ngồi xổm (ngồi bó gối), vài sợi tóc của người chết được kéo ngược lên trên và để lộ ra trên mặt đất khi lấp đất (người Xơ-Đăng xưa để tóc dài).
Trong những trường hợp này, mặt người chết được đặt xoay về hướng Tây. Người ta cho rằng, làm vậy con ma dữ không thể thấy được người sống để làm hại dân làng (làng của người sống ở về hướng Đông của rừng ma hoặc nghĩa địa).
Đặc biệt với những người thắt cổ chết, người làng hết sức xa lánh. Trước đây người ta thả trôi sông, suối với thái độ ghê sợ. Ngày nay do ý thức giữ sạch nguồn nước và bảo vệ môi trường nên họ khiêng xác đi chôn như chôn một người chết dữ.
Người Xơ-Đăng không có tục chia của, cũng không cúng giỗ người chết. Khi chôn người thân xong, người ta trở về nhà với cuộc sống bình thường. Có thể nói, lễ bỏ mả được thực hiện ngay khi chôn xong người chết. Chỉ khi có dịp quay lại nghĩa địa (thường là để chôn người khác), người ta mới đến thăm mộ người chết mà thôi.
Người Xơ Đăng (hay còn gọi là Xê Đăng) là một tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Có số dân khoảng gần một ngàn người phân bổ chủ yếu ở các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam và xen kẽ cùng các tộc người khác trong khu vực.
Cùng với các tộc người khác như Bana, Brâu, Bru-Vân Kiều, Cơtu, Gié-triêng, H'rê, Khơ Mú, Mạ…, người Xơ Đăng thuộc ngữ hệ Môn-Khơmer. Sự cận cư với các tộc người khác dẫn đến việc giao thoa và đan xen văn hoá là điều tất yếu, nhưng vẫn không làm mất đi những giá trị truyền thống của người Xơ Đăng. Từ ngôn ngữ tộc người, cơ sở kinh tế tộc người đến các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể..., người Xơ đăng vẫn bảo lưu được những giá trị văn hoá truyền thống đã có từ ngàn xưa của mình, trong đó có những tập tục độc đáo trong tang ma.
Theo Ngôi sao