Bí quyết làm tốt bài luận 28/09/2012 15:50:42
Bài luận là cơ hội tốt giúp bạn nổi bật giữa tất cả những thí sinh khác và là lý do khiến các nhân viên tuyển sinh có cảm tình với bạn.

Ngày nay, khi việc được vào đại học đã trở nên vô cùng gay gắt và cạnh tranh, ngay cả những học sinh có điểm trung bình môn là 4.0 và điểm SAT là 1600 vẫn có thể bị từ chối. Bất kể bạn là học sinh giỏi nhất lớp hay chỉ là một cây hài trong lớp học, bài luận vẫn là cách để bạn nâng cao chất lượng hồ sơ của mình. Bởi vì qua đó bạn đã chứng tỏ được kỹ năng viết của mình, mà ở bậc đại học, khả năng truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng và hấp dẫn là kỹ năng quan trọng nhất bạn cần có.

Ai sẽ là người đọc và đánh giá bài luận của bạn?

Thông thường, các nhân viên tuyển sinh sẽ đọc và viết một vài đánh giá về bài luận của bạn. Đây được coi như lần đọc thứ nhất. Nếu bạn vượt qua được vòng này, bài luận của bạn sẽ được xem xét kỹ càng hơn bởi một nhân viên tuyển sinh khác. Ở một vài trường, bài luận của bạn còn được đưa ra cho một hội đồng xét duyệt, bao gồm các nhân viên tuyển sinh, các giáo sư và cả các sinh viên trong trường.
 
Độc giả
 
Trước khi bắt tay vào viết, bạn nên biết chút ít về người sẽ đọc bài luận của mình. Họ là những ai, ở độ tuổi nào? Họ có giống/khác bạn không? Họ sẽ đọc bài luận của bạn tỉ mỉ như một cô giáo tiếng Anh hay chỉ lướt qua bao nhiêu công sức của bạn một cách nhanh chóng? Tại sao họ lại đọc bài luận của bạn? Bởi vì đó là công việc của họ hay họ đang muốn hiểu thêm về bạn? Họ mong đợi sẽ khám phá thêm điều gì? Một khi đã trả lời được tất cả các câu hỏi trên, bạn sẽ biết phải làm thế nào để bài viết của bạn có thể đáp ứng hết những gì các nhân viên tuyển sinh đang tìm kiếm trong đó.

Thành phần hội đồng tuyến sinh:

- Một người phụ trách giàu kinh nghiệm đã làm công tác tuyển sinh đại học từ 10 đến 20 năm.

- Một hoặc hai trợ lý có khoảng 5 năm kinh nghiệm.

- Một số nhân viên tuyển sinh là những người vừa mới tốt nghiệp đại học

Các nhân viên sẽ đọc hết tất cả các bộ hồ sơ, còn người phụ trách và trợ lý chỉ đọc những bộ hồ sơ đã được nhân viên của họ thông qua. Nói ngắn gọn là phần lớn những người đọc bài của bạn chỉ hơn bạn từ 4 đến 5 tuổi.
 
Tại sao bạn lại phải viết cho họ? Không phải để cung cấp cho họ cái mà bạn hoặc cha mẹ bạn nghĩ rằng họ cần. Nếu cứ suy nghĩ như vậy bạn sẽ chỉ cho ra được một bài viết sáo rỗng và rập khuôn. Ngoài ra, bạn nên nhớ rằng học bạ, điểm SAT, những hoạt động ngoại khóa và thư giới thiệu đã nói lên rất nhiều về con người bạn và những thành công của bạn. Vì thế, trong bài luận của mình bạn nên mở ra những khía cạnh mới về bản thân một cách tự nhiên và hấp dẫn.

Những điểm chính cần chú ý

Các nhân viên tuyển sinh phải đọc rất nhiều hồ sơ, khoảng 50 bộ một ngày. Mặc dù chúng ta không thể nói chính xác được điều mà mỗi trường đại học chờ mong ở các thí sinh, nhưng nói chung các trường đều muốn nhận những học sinh không những có thể hoàn thành tốt công việc học tập mà còn biết đóng góp cho bản thân họ và những người xung quanh.

Để nhận được phản ứng tốt từ các nhân viên tuyển sinh, hồ sơ của bạn cần thể hiện được:

- Ý định nghiêm túc muốn vào đại học.

- Ước ao chân thành được học ở trường đại học của họ.
 
- Sự phù hợp giữa khả năng và sở thích cá nhân với những yêu cầu và điều kiện của nhà trường.

- Khả năng tư duy rành mạch, logic và sáng tạo.

- Khả năng viết hấp dẫn, lôi cuốn, sâu sắc để phân biệt bạn với những thí sinh khác.

Các nhân viên tuyển sinh tìm kiếm điều gì trong bộ hồ sơ của bạn?

- Con người thật của bạn đằng sau những điểm số, những hoạt động ngoại khóa và ngay cả địa chỉ bưu điện.

- Điều bất ngờ: một quan điểm mới lạ nào đó của bạn, ngay cả khi đề tài của bạn vô cùng đời thường.

- Sự chân thành: cách viết trung thực đúng với con người bạn, khiêm tốn và không giả bộ. Bạn nên sử dụng vốn từ thật của mình, hơn là dùng các từ phức tạp trong điển hay những từ của cha mẹ bạn đưa ra.

- Sự sâu sắc: thông qua những suy ngẫm của bạn về những việc đã trải qua, những bài học rút ra không chỉ cho bản thân mà cả những người xung quanh.

Làm sao để giúp họ tìm thấy những điều đó?

Hãy nghĩ xem độc giả của bạn là những ai, năm/sáu sinh viên vừa mới tốt nghiệp từ ngôi trường mà bạn đăng ký, thêm một người phụ trách rất giàu kinh nghiệm tuyển sinh, họ sẽ cùng đọc bài luận của bạn. Vì thế hãy làm cho bài luận của bạn thật sinh động và ấn tượng đối với họ.

“Tập trung”, thay vì nói về một kinh nghiệm chung chung (như Tôi thích thể thao), bạn nên viết sao cho càng cụ thể càng tốt. Có thể đó là cái cảm giác hồi hộp khi sắp phải bắt trái bóng đang bay về phía khung thành, hay cảm giác phải đối mặt với thủ môn của đối phương.

“Hãy dùng những từ ngữ chính xác và tiết kiệm”. Hãy tưởng tượng rằng mỗi từ bạn dùng phải trả 1 đôla, và ngân quỹ của bạn thì hạn hẹp.

Ví dụ: Trước: "On a yearly basis, we would spend five hours driving to the lake, where I never gave up the hope of meeting the boy that would be my Prince Charming".
Sau: "Every August, we trekked to Lake Apponaug, where I always hoped to meet my Prince Charming".

“Hãy cho bài viết của bạn phát triển”. Các phần trong bài phải liên kết với nhau để cùng đi đến một kết luận sâu sắc. Nếu như bài luận của bạn viết về mùa hè mà bạn đã làm việc trong phòng nghiên cứu hải dương học thì đoạn văn về tuyến xe buýt luôn chạy sai giờ, vẫn đưa bạn tới đó mỗi ngày nên được lược bỏ đi.

Những trường hợp đặc biệt:  Nếu bạn muốn giải thích cho hội đồng tuyển sinh về những sự cố đã làm ảnh hưởng tới bạn trong quá trình đăng ký thì đừng nên tỏ ra quá lo lắng hay sợ sệt. Bạn chỉ cần đánh dấu vào chỗ bạn muốn giải thích rồi sau đó trình bày ở cuối trang giấy hoặc một khoảng trống thích hợp. Trong những trường hợp nghiêm trọng, ví dụ như một người thân của bạn mất hay bạn bị ốm làm cho điểm số của bạn giảm một cách đáng kể, bạn có thể trình bày qua hẳn một bức thư riêng. Thông thường, các trường đại học vẫn dành ra một số chỗ trống trong hồ sơ để bạn thông báo cho họ về những trường hợp tương tự thế này. Nhưng hãy nhớ rằng đừng nói với họ nhiều hơn mức họ cần biết, nếu không bạn đã gây ra một ấn tượng không cần thiết rồi đấy.

Ba điểm chính bạn cần nhớ

1. Hãy tập trung vào bản thân bạn

Hãy tạo ra sự liên hệ giữa kinh nghiệm bạn đã trải qua với tính cách của bạn

Bài luận là một trong những phần quan trọng nhất trong hồ sơ, là nơi bạn có thể bộc lộ những suy nghĩ thầm kín nhất của mình. Người khác sẽ hiểu bạn rõ nhất qua bài luận của bạn bởi trong đó là những điều mà chỉ có bạn mới có thể viết được.

Thông thường, chúng ta thường viết hay nhất khi viết về sở thích cá nhân hay những sự kiện có ý nghĩa với bản thân. Nếu được tự lựa chọn đề tài, bạn hãy viết về những kỷ niệm đặc biệt của bạn hay những gì bạn thấy thú vị. Đừng để bố mẹ hay bất cứ ai quyết định nội dung bài luận cho bạn. Hãy tận dụng mọi cơ hội để được viết những gì bạn muốn. Phần lớn các trường đại học đều rất thoải mái với sinh viên trong vấn đề lựa chọn nội dung bài luận.

Những tính cách mà nhân viên tuyển sinh muốn thấy ở bạn:

1. Biết quan tâm đến người khác: tham gia vào các hoạt động xã hội như dạy thêm; cảm thông, sẻ chia với nỗi niềm của người khác.

2. Tự tin: khả năng bạn giải quyết mọi vấn đề.

3. Sáng tạo: trong cách bạn xử lý các vấn đề, hoặc những tài lẻ của bạn trong các lĩnh vực điện ảnh, ca nhạc, hội họa, nhảy múa…

4. Kiên trì, chăm chỉ: như khi bạn thực hiện một nhiệm vụ từ đầu cho đến lúc hoàn thành.

5. Nhiệt tình: chính là sự phấn khởi, mong muốn của bạn khi được tham gia vào các hoạt động.

6. Chủ động: chính là cách bạn tự bắt đầu một đề tài hoặc tự nhận trách nhiệm của mình từ đầu.

7. Sáng suốt: được thể hiện trong khả năng bạn hiểu về bản thân mình, sở thích hay những động lực của bản thân.

8. Tài giỏi: khả năng hoàn thành tốt khối lượng công việc ở đại học của bạn.

9. Ham hiểu biết: về những ý tưởng mới, các môn học, con người, xu hướng…

10. Khả năng lãnh đạo: được thể hiện qua cách bạn tập hợp mọi người cùng làm việc để đạt được một mục đích chung.

11. Chín chắn: nghĩa là bạn cần có trách nhiệm và đáng tin tưởng.

12. Phóng khoáng: dễ chấp nhận những tư tưởng, con người và hoàn cảnh khác với của bạn.

13. Lạc quan: là khả năng luôn thấy được những mặt tích cực ngay cả trong những tình huống tiêu cực.

14. Có tổ chức: khả năng sắp xếp và hoàn thành nhiều công việc một lúc.

15. Ý chí vượt qua khó khăn: được thể hiện trong những tình huống bạn phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như ốm đau, chết chóc, ly dị…

16. Liều lĩnh: dám chấp nhận những điều không chắc chắn để đạt được mục đích của mình.

17. Hài hước: là khi bạn những thấy những điều hài hước ngay cả lúc khó khăn, hay khả năng pha trò cho người khác cười.

18. Nghiêm túc: như trong quyết tâm được vào đại học.

2. Đưa ra nhiều chi tiết

Làm thế nào để bài luận của bạn trở nên nổi bật, đặc biệt khi vấn đề bạn viết cũng giống với nhiều thí sinh khác? Câu trả lời là các chi tiết, bởi vì chỉ có các chi tiết cụ thể mới làm cho câu chuyện của bạn trở thành duy nhất trong mắt người đọc. Để có thể trở nên khác biệt với những thí sinh khác và được hội đồng tuyển sinh chú ý đến, bạn nên đưa vào bài của mình cả tên của các nhân vật và địa điểm, các mốc thời gian, màu sắc-chất liệu của các đồ vật và mức độ cảm xúc của bạn.

Phần lớn các bài luận đều bắt đầu bằng những câu chuyện tưởng chừng rất thú vị, rồi lại sa vào kể lể, thay vì chứng tỏ cho người đọc thấy được cá tính của người viết. Những bài viết kiểu này thường sử dụng những cụm từ sáo rỗng như “giá trị của sự chăm chỉ và kiên trì” và “học từ những sai lầm”. Ví dụ dưới đây sẽ cho bạn thấy sự khác biệt giữa hai cách viết:

Trước: I developed a new compassion for the disabled

Sau: The next time that Mrs. Cooper asked me to help her across the street, I smiled and immediately took her arm.

Câu thứ nhất rất mờ nhạt và bất cứ ai cũng có thể viết được. Trái lại, câu thứ hai đã tái hiện lại cho người đọc một sự việc đã xảy ra bằng hình ảnh sinh động và cụ thể.

Những nhân viên tuyển sinh rất coi trọng việc bạn đưa ra nhiều chi tiết một cách linh hoạt trong bài luận của bạn. Họ sẽ đánh giá bạn là một thí sinh xứng đáng bởi vì bạn có thể làm cho người khác (hay cụ thể là chính họ) hiểu được ý nghĩa và giá trị của những kỷ niệm bạn đã trải qua.

3. Kể một câu chuyện

Những bài luận tốt nhất thường kể một câu chuyện về bản thân thí sinh. Bạn không cần phải kể một câu chuyện dài về cả cuộc đời mình, mà tốt hơn hãy chỉ kể một phần nào đó. Hãy kể một chuyện giàu ý nghĩa, sinh động và có mục đích rõ ràng. Làm như vậy, người đọc sẽ dễ dàng nhận thấy kỷ niệm đó đã tác động đến bạn như thế nào. Cách tốt nhất là chọn một kỷ niệm mà bạn có thể kể một cách cặn kẽ bằng nhiều chi tiết sinh động kèm theo những suy nghĩ sâu sắc bạn rút ra được.

Bạn nên có phần mở đầu thật hấp dẫn để thu hút người đọc vào câu chuyện của mình. Ví dụ cứ để người đọc lạc vào giữa câu chuyện, rồi dần dần bạn sẽ lấp đầy cho họ những chi tiết còn lại. Hãy lấy bộ phim “Pulp Fiction” của đạo diễn Quentin Tarantino làm ví dụ, bộ phim đã gây ấn tượng cho người xem bằng một câu chuyện không hề theo trình tự kiểu này. Trong khi kể nốt phần còn lại của câu chuyện, bạn hãy đưa ra những phân tích sắc sảo như tại sao kỷ niệm đó lại quan trọng với bạn, qua đó bạn đã học được gì và điều đó sẽ giúp bạn như thế nào trong tương lai? Hãy tránh xa cách viết truyện mở đầu bằng những câu sáo rỗng, mờ nhạt rồi mới dẫn vào chuyện; nếu không những nhân viên tuyển sinh sẽ chẳng buồn đọc đến phần kể chuyện của bạn vì họ đã đọc đến chán ngấy những mở bài kiểu đó rồi.

(Theo Sinh Viên Du Học)