Cách nhớ nhanh các sự kiện và mốc thời gian trong môn Lịch sử 16/11/2012 15:19:49

Kỹ năng tái hiện và định hình các con số rất quan trọng nhé!

Lập bảng niên biểu gắn với các sự kiện

Để dễ dàng cho việc hệ thống hóa kiến thức nội dung bài học, chúng ta có thể lập bảng niên biểu ngắn gọn, trong đó chia thành các cột thời gian, cột sự kiện và cột nội dung hoặc diễn biến vắn tắt trong một bài học lịch sử. Việc lập bảng này vừa hệ thống hóa được khối lượng kiến thức bài học nhanh và ngắn gọn nhất, đồng thời sẽ nhìn nhận trực quan và dễ nhớ các mốc thời gian cùng với các sự kiện, nội dung xảy ra tương ứng với mốc thời gian đó. Từ đó, thí sinh nắm được nội dung bài học và thuộc bài lâu hơn.

Vẽ sơ đồ tia

Ví dụ 1: Để khái quát các biện pháp giải quyết khó khăn của nước ta sau cách mạng tháng Tám, các em có thể lập sơ đồ tia như sau:

Ví dụ 2: Khi cần nhớ mốc thời gian về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ 1919-1925 , các em có thể vẽ nhanh sơ đồ thời gian:

 Đây là thao tác cụ thể hóa nội dung kiến thức trong một bài học Lịch sử. Muốn vẽ sơ đồ tia trước hết, thí sinh phải nắm được nội dung kiến thức của bài học, sau đó cụ thể hóa nó bằng cách phân ra các ý theo hình tia. Chẳng hạn, với chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thí sinh có thể phân ra các nhánh tia chính là: Nguyên nhân, hoàn cảnh của ta và của địch, diễn biến, kết quả và ý nghĩa thắng lợi. Trên cơ sở các nhánh tia chính đó, chúng ta có thể phân ra các nhánh tia phụ để cụ thể hóa các ý của bài học. Từ đó, ta sẽ ghi nhớ kiến thức dựa vào kỹ năng phân chia bằng sơ đồ tia. Việc học thuộc các sự kiện và nội dung bài học môn Lịch sử bằng sơ đồ tia mang lại hiệu quả hơn hẳn so với cách học truyền thống trước đây rất nhiều.

Dùng các thao tác ghi nhớ linh hoạt

Việc ghi nhớ các mốc thời gian và các sự kiện ở môn Lịch sử lâu nay được coi là một trong những vấn đề khó khăn của nhiều thí sinh khi tham gia thi tốt nghiệp cũng như thi đại học. Hơn nữa, việc ghi nhớ các yếu tố này phải có trật tự, logic và phải chính xác nữa. Vì vậy, trong quá trình ôn và học thi, mỗi thí sinh cần tùy vào khả năng và hoàn cảnh để ghi nhớ sao cho hiệu quả. Chẳng hạn, để nhớ được lâu các sự kiện và các mốc thời gian trong một bài học, có thể ghi ra một tờ giấy hoặc sổ tay để khi cần thiết có thể tranh thủ học.

Khi học ôn, thí sinh cần sử dụng kỹ năng tái hiện và xác lập mối quan hệ giữa bài đang học với kiến thức của các bài đã học để không rơi vào việc quên kiến thức cũ, chẳng hạn khi học lịch sử giai đoạn từ 1961- 1975, ta nên so sánh ba chiến lược chiến tranh theo tiến trình học tập để khắc sâu kiến thức.

Trong học ôn môn Lịch sử, không phải ai cũng có khả năng nhớ chi tiết các ngày tháng, con số. Do đó, mỗi thí sinh nên tập cho mình cách ghi nhớ mang tính “tương đối”. Tức là trong sự kiện hoặc một chiến dịch nào đó, ta không nhất thiết phải nhớ cự thể ngày, giờ mà chỉ cần nhớ tháng, năm hoặc là khoảng thời gian trong năm xảy ra sự kiện đó. Ví dụ: đầu năm 1945, cuối năm 1945, thu - đông năm 1947... Tuy nhiên những sự kiện lớn, quan trọng của tiến trình lịch sử thì bắt buộc phải nhớ như: ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02-1930), ngày Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lâp (02-9-1945) hoặc ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/ 4/1975)…

Hệ thống hóa lại kiến thức

Sau khi học bài xong, thí sinh cần kiểm tra và hệ thống hóa lại kiến thức bài học một lần nữa, nếu cảm thấy chưa đạt thì phải có biện pháp khắp phục ngay. Đây là khâu quan trong đối với các môn khoa học xã hội, bởi nếu ta học xong mà không hệ thống hóa kến thức sẽ dẫn đến tình trạng “học trước quên sau”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.... Thao tác này cũng giúp cho thí sinh có cách nhìn tổng thể, khách quan về các chặng đường, giai đoạn lịch sử và rút ra những kỹ năng nắm bắt, so sánh, lý giải. Từ đó, sẽ giải quyết được những yêu cầu của nội dung bài học và làm bài thi hiệu quả hơn.

Văn Hà (Trường THPT Cao Nguyên, TP Buôn Ma Thuột)
Theo Giáo dục Việt Nam