"Mình về mình có nhớ ta/ Mười lăm năm ấy thiết tha măn nồng"
Đọc xong hai câu thơ, thầy tiến thẳng về phía học sinh hỏi: “Hai câu
thơ thầy vừa đọc nằm trong bài thơ nào?”. Đó là một trong những cách
thầy Mười bắt đầu tiết dạy lịch sử của mình. Khi học sinh đồng loạt trả
lời: “Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu”, như có thêm sinh khí thầy Mười hỏi
ngay: “Bài thơ nói về địa danh nào? Ai biết giơ tay lên”. Hàng chục cánh
tay đưa lên. Một học sinh trả lời: “Dạ, Việt Bắc”. Thầy Mười tươi cười
nói: “Chính xác, Việt Bắc. Hôm nay chúng ta sẽ ôn lại nội dung liên quan
đến địa danh Việt Bắc đó là...”. Cả lớp đồng thanh: “Chiến dịch Việt
Bắc thu - đông 1947”.
Thổi hồn cho môn lịch sử
Suốt 32 năm đứng trên bục giảng, thầy Mười đã chọn cách dùng văn thơ để
giảm áp lực cho học sinh khi tiếp nhận những con số khô cứng. Thầy
không ngừng tìm những câu thơ kết hợp vào bài giảng. Từ việc chỉ đọc một
vài câu thơ tạo không khí vui vẻ cho lớp học,
đến nay thầy đã có một kho kiến thức phong phú, giảng đến đâu cũng có
thể minh họa bằng thơ. “Tất cả đều là những câu thơ mà học sinh đã học
qua nên dễ ghi nhớ. Nhớ câu thơ là nhớ nội dung bài”, thầy Mười nói.
Thầy Nguyễn Văn Mười ôn tập nội dung chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947 cho học sinh
Kết hợp với văn thơ, thầy Mười còn dùng bản đồ và những câu hỏi ngắn
dạng hỏi đáp giúp học sinh khắc sâu nội dung bài học. Thầy không bao giờ
vẽ bản đồ ở nhà mà lên lớp mới vẽ. Chỉ cần 30 giây thầy đã hoàn thành.
Giảng đến địa danh nào, thầy định vị ngay lên bản đồ.
Vừa chỉ vào bản đồ thầy vừa nói: “Đây đường quốc lộ số 3, bộ đội và du
kích của ta đã bao vây quân địch nhảy dù xuống Việt Bắc như Bắc Cạn, Chợ
Đồn...Còn trên đường thủy ta đánh hàng chục trận lớn nhỏ như chiến
thắng Khoan Bộ - Đoan Hùng, trận Khe Lau. Ngoài ra, trên đường bộ dọc
theo quốc lộ số 4 ta đã phục kích đánh nhiều trận, điển hình là trận
phục kích trên đèo Bông Lau...”.
Kết thúc diễn biến trận đánh, thầy chỉ tay lên bản đồ hỏi: “Tại sao
Pháp chọn đánh Việt Bắc?”. Thấy học sinh chần chừ, thầy gợi ý bằng thơ:
“Ở đâu u ám quân thù/Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi/Ở đâu đau đớn
giống nòi/Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”. Một em khác giơ tay ngay:
“Việt Bắc là nơi các cơ quan trung ương của Đảng và Chính phủ ta đang
lấy làm căn cứ. Đánh vào Việt Bắc là đánh vào cơ quan đầu não của ta”.
Cả lớp lại rộn ràng với những tiếng vỗ tay khen ngợi. Thầy Mười kể đôi
lúc học sinh cũng mệt mỏi, không tập trung.
“Khi đó mình ứng phó ngay bằng vài câu thơ vui: Ăn ngủ làm chi hỡi học
trò/Có công đi học phải toan lo/Dẫu có ruộng vườn năm bảy mẫu/Sao bằng
kinh sử một đôi pho. Vậy là cả lớp tỉnh ngủ”.
Kết thúc buổi học, thầy Mười nghiêm nghị thách đố: “Ai diễn tả lại
những ngày tháng khó khăn nhưng đằm thắm nghĩa tình đồng chí, đồng bào ở
Việt Bắc”. Cả lớp như hiểu ý thầy liền đồng thanh đáp: “Thương nhau,
chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng/ Nhớ người mẹ nắng
cháy lưng/ Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô/ Nhớ sao lớp học i tờ/ Ðồng
khuya đuốc sáng những giờ liên hoan...”. Thầy hỏi tiếp: “Lớp học i tờ là
gì?”, học sinh đáp lời: “Phong trào bình dân học vụ ạ”. Thầy Mười mỉm
cười bước ra cửa lớp trong tiếng vỗ tay giòn giã của học trò.
“Môn lịch sử cho tôi rất nhiều”
Cũng từ những câu thơ, câu vè, thầy Mười giúp học sinh liên hệ với thực
tế, rèn luyện khả năng liên tưởng bằng những câu hỏi ngắn gọn, xoáy vào
trọng tâm. Ví dụ khi đọc xong câu thơ mô tả chiến dịch Điện Biên Phủ,
thầy đặt ngay câu hỏi: chiến dịch diễn ra năm nào, những địa danh trong
trận đánh... Hình thức hỏi đáp liên tục không chỉ giúp ôn nhiều kiến
thức mà còn rèn luyện khả năng ứng phó tình huống cho học sinh.
Thầy cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh,
bao gồm việc tham quan các di tích lịch sử, nói chuyện chuyên đề... “Học
sinh chúng ta tầm nhìn còn hạn chế lắm. Ngay cả Bảo tàng Vĩnh Long mà
các em còn chưa biết thì làm gì biết đến những chỗ xa xôi. Chính những
buổi ngoại khóa hay những buổi nói chuyện chuyên đề các em mới được tự
do tìm hiểu những kiến thức bên ngoài. Chứ học theo lối chậm dần đều,
không thiếu gì trong sách giáo khoa nhưng cũng không mở rộng ra bên
ngoài thì không biết khi nào các em mới lớn được”, thầy Mười nói.
Thầy Mười cho biết trong 32 năm gắn bó với môn lịch sử, có lúc khó khăn
phải làm nhiều công việc mới đủ nuôi sống gia đình. “Nhiều người bảo
dạy sử là gắn với chữ “nghèo”. Nhưng môn lịch sử đã cho tôi rất nhiều.
Đó là sự trân trọng của bao thế hệ học sinh, phụ huynh. Dạy môn lịch sử
cho tôi lòng kiên nhẫn. Nhờ kiên nhẫn tôi mới có cuộc sống tốt đẹp, mới
hoàn thành nhiệm vụ của một người làm sống lại không khí hào hùng của
lịch sử mỗi khi đứng trên bục giảng”, thầy Mười chia sẻ.
Nói về những đóng góp của thầy Mười, thầy Nguyễn Bá Tưởng, hiệu trưởng
Trường THPT Lưu Văn Liệt, cho biết: “Thầy Mười đã đóng góp rất nhiều cho
phong trào thi học sinh giỏi của tỉnh suốt những năm qua. Phương pháp
giảng dạy của thầy rất đặc biệt. Nội dung thường không bó hẹp ở một phạm
vi, một giai đoạn mà luôn liên hệ đến nhiều khía cạnh, giúp các em ôn
lại kiến thức đã qua cũng như có thêm nhiều kiến thức mới. Đặc biệt,
thầy biết cách hệ thống lại sự kiện, giúp học sinh dễ dàng nắm bắt kiến
thức”.
Năm 1980, sau khi tốt nghiệp khoa sư phạm Trường đại học Cần Thơ, thầy
Nguyễn Văn Mười giảng dạy môn lịch sử tại Trường THPT Lưu Văn Liệt và
gắn bó đến nay. Chỉ còn bốn năm nữa thầy Mười rời bục giảng, nhưng nhiệt
huyết với môn lịch sử chưa bao giờ tắt.
Nguồn: Tiin.vn