Niềm vui Tết đến đang tới thì nỗi lo về vấn đề trộm cắp cuối năm lại trở thành vấn đề trăn trở của không ít sinh viên sống ở trọ.
Những thứ dễ mất cắp nhất chính là laptop, điện thoại, tiền, áo quần... những thứ tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại rất có giá trị đối với sinh viên
Trộm do quá chủ quan
Mấy ngày nay khi lên lớp, Q.Trang ( SV ĐH Ngoại ngữ, Đà Nẵng ) xúm lại buôn chuyện với nhau chuyện xóm trọ của mình. Q.Trang kể rằng: "Xóm trọ của mình xưa nay có tiếng là an toàn, thế mà đùng một cái con bạn phòng mất cái laptop lúc nào không hay. Rõ ràng là nhỏ ấy vừa để máy ở đó chạy xuống dưới tầng 1 mua đồ, chưa đầy 5p chạy lên đã "không cánh mà bay".
Không thể có chuyện người ngoài đột nhập vào nên mình nghĩ chỉ có người trong dãy trọ lấy. Thế là nhỏ đó làm ầm lên, đi báo lại cho chủ nhà, sau một hồi khám xét nhưng vẫn không tìm thấy cái lap đâu cả. Vừa tức vừa tiếc tiền, cuối năm mà hạn xui vẫn đeo bám."
Hay trường hợp của bạn H.Anh (SV Cao đẳng kế hoạch) cho hay: "Mình cũng biết gần Tết thì tình trạng trộm cắp sẽ xảy ra liên tục, thế nên mình luôn đóng chốt cửa cẩn thận. Thế rồi bữa trước mình đang tắm và bạn cùng phòng của mình nói rằng chạy ra đầu ngõ mua tí đồ rồi vô liền, nên cũng không khóa cửa làm gì. Mình nghe cái tiếng mở cửa thì hỏi rằng: "về rồi đó hả", rồi có tiếng đáp lại là "ừ". Nên mình yên tâm không hỏi gì nữa. Thế mà tắm xong ra thấy chiếc laptop, điện thoại biến đâu mất tiêu, ví thì bị lục tung may nó còn để lại giấy tờ. Giờ mình không biết đào đâu ra tiền để về quê ăn tết đây, có khi không sống sót cho tới cuối tháng nữa."
Do tâm lý chủ quan của SV, cộng với tình hình an ninh khu trọ không tốt. Có những dãy nhà trọ xập xệ, rêu mốc loang lỗ, cửa nẻo không có ổ khóa chắc chắn, nhưng vì giá thành rẻ mà nhiều SV chặc lưỡi thuê để rồi bị trộm "viếng thăm", lúc đó kêu khóc thì có lẽ đã muộn.
Những vụ trộm "kinh hãi"
Có những vụ trộm giữa ban ngày ban mặt, chủ nhân giáp mặt với tên trộm nhưng vẫn không làm gì được nó vì chúng thậm chí đem cả vũ khí theo, chỉ cần hó hé là chúng chém không thương tiếc.
Những dãy nhà trọ như thế này thường rất hay bị trộm "viếng thăm".
M.Ánh (SV ĐH Kinh tế) bàng hoàng kể lại: "Tối hôm đó đang ngủ thì bị giật mình dậy vì có tiếng cậy cửa. Mình và nhỏ bạn vội vàng chạy tìm đèn pin thì thấy có hai người đàn ông đang rọi đèn vào mặt. Mình định hô to là có trộm thì một trong hai thằng hét vào mặt mình "Im ngay, không là tao cho mỗi đứa một nhát bây giờ. Muốn sống thì khôn hồn đưa tiền đây". Lúc này mặt mình tái mét không còn giọt máu, mình nghĩ ngay tới cái cảnh giết người của Lê Văn Luyện. Bạn mình thì nó nằm bất động không dám hó hé, mình im re chỉ tay vào phía hộc tủ. Xong xui, chúng bỏ đi và không quên để lại một câu "Khôn hồn thì im mồm lại không là lần sau tao đến xử đẹp tụi bây". Sau khi tụi nó đi mình và nhỏ bạn mới hoàng hồn trở lại, còn giữ được cái mạng là may lắm rồi."
Những con đường vắng vào buổi trưa, tối khuya cũng là nơi bọn trộm cướp mai phục. Thậm chí ngay trên đường quốc lộ chúng ngang nhiên cướp giật túi xách. Cướp được túi xách rồi chúng còn đạp cho té xe làm không ít SV tiền mất tật mang.
Những vụ trộm không dừng lại ở laptop, điện thoại, tiền... mà áo quần chúng cũng chẳng buông tha. Túng tiền là chúng có thể trộm bất kỳ cái gì có thể bán được tiền. Những chiếc quần jean vài trăm, áo ấm cũng tầm 300 - 400k khi đem bán cũng được khá là nhiều tiền.
Trường hợp của bạn A.Tuấn (SV Cao đẳng công nghệ) thật khiến không ít người bàn hoàng vì mức độ quá táo tợn của bọn trộm ngày nay. Vừa mới đi học về, A.T dựng vội xe ngoài ngõ, vì buổi trưa nên xóm trọ có ít người, đa số ngủ hoặc đã đi học. T vừa chạy vô cất đồ rồi ra dắt xe thì thấy có một người lạ mặt đang loay hoay mở khóa xe. Thấy vậy, T nhào tới định bắt sống thằng đó nhưng vừa chạy tới thì đã bị thằng đó đánh túi bụi, không thấy mặt mũi, đến mức nó thọc tay vào túi quần T lấy chìa khóa xe phóng đi bỏ mặc T nằm sỏng soài với thương tích đầy mình.
SV chỉ biết than trời
Hầu hết những SV bị trộm chỉ biết than trời vì không thể làm gì được, báo công an thì chẳng biết bao giờ mới giải quyết được, nói với chủ trọ thì càng chẳng làm được gì cả. SV chỉ biết tự trách bản thân không cẩn thận, phải rút kinh nghiệm lần sau mà thôi.
Hành vi trộm cắp ngày càng táo tợn, trong những lúc như thế này thì cơ hội tìm đồ lại được rất mong manh. Chính vì chủ quan không khóa cửa nẻo cẩn thận, trong những trường hợp khác thì SV bị lợi dụng lòng tốt vô tình tiếp tay cho kẻ xấu.
T.Yến (SV ĐH Sư phạm) tức tưởi vì chiếc lap top thân yêu chứa nhiều dữ liệu quan trọng đã biến mất. Tình thế này chỉ biết kêu trời, thế là T.Yến nghĩ ra kế sách dán thông báo "Bác nào lấy chiếc VAIO màu hồng của em thì mong bác từ bi cho em biết cái chỗ bác cầm đồ cái lap của em, trong đó có nhiều tài liệu quý giá em rất cần. Liên hệ số điện thoại...". Những mẫu thông báo này được T.Yến dán ở cổng trường ĐH, chỗ ATM, những nơi dễ chú ý nhất. Hy hữu thay sau hơn 1 tuần thì T.Yến đã nhận được một tin nhắn từ số máy lạ thông báo nơi cầm đồ cái lap
Tạm kết
Trước khi đổ lỗi cho bọn trộm, thì SV nên coi lại chính mình, nên cẩn trọng ngay từ bây giờ để tránh rơi vào tình cảnh bị trộm "viếng thăm". Mặc dù biết "cẩn tắc vô áy náy" thế nhưng nhiều SV vẫn chủ quan, không cẩn thận.
Theo Kenh14.vn