Vì sao Mỹ Linh nói "người mẹ tốt hơn là người thầy tốt"? 19/02/2013 09:33:10
 
"Ban đầu, Anna gọi tôi là cô Mỹ Linh cơ sau đó là Mama và rồi một ngày đẹp trời, khi tôi đón nó tan học về thì nó gọi ngay là mẹ"...

Cây cuốc và khối ngọc

Trong dịp nghỉ Tết, trên Facebook của ca sĩ Mỹ Linh bất ngờ xuất hiện dòng status khiến nhiều người chú ý bởi nó không liên quan gì đến âm nhạc. Chị viết: "Đã từ lâu tôi luôn suy nghĩ về việc chia sẻ những kinh nghiệm nhỏ nhỏ của mình về vấn đề giáo dục trẻ nhỏ trong gia đình. Có nhiều điều muốn nói nhưng lại băn khoăn liệu có hơi sớm không? Rồi lại băn khoăn nếu mình không chia sẻ ngay thì liệu có muộn với một số người cùng quan tâm vấn đề này hay không? Yêu con đúng cách cũng cần lý trí! Hôm nay đọc cuốn sách "Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt" thấy hay nên muốn khuyên các bà mẹ và các nhà giáo hãy đọc để tham khảo. Chúc các quý vị thành công trong công cuộc chế tác những viên ngọc cho tương lai". 

Lời chia sẻ của Mỹ Linh đã nhận được hàng trăm like, nhiều comment về cuốn sách, về cách nuôi dạy con. Trước câu hỏi của nhiều người: "Tại sao người mẹ lại tốt hơn người thầy tốt?", Mỹ Linh giải thích: "Linh nghĩ tiêu đề của cuốn sách chỉ để nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục gia đình chứ không có ý so sánh giáo dục gia đình và nhà trường. Đặc biệt, ở Việt Nam mình giáo dục nhà trường đang có nhiều vấn đề, thậm chí phản giáo dục, nên việc cha mẹ bù đắp phần thiếu và sai ấy là vô cùng quan trọng". 

"Linh cũng đồng ý với quan điểm hãy để trẻ phát triển tự nhiên. Nhưng tự nhiên trong bối cảnh nào là điều đáng bàn. Thế nên lời tựa của cuốn sách có nói: Cảnh giới tuyệt diệu của giáo dục, tận tâm nhưng không để lại dấu vết. Linh thấy câu này đúng là rất hay". Bên cạnh đó, Mỹ Linh cũng cho rằng, dạy con cũng là quá trình hoàn thiện bản thân... 
 

Thông điệp chính được in đậm nét ngay trên bìa cuốn sách.

Cuốn sách "Người mẹ tốt hơn người thầy tốt" của tác giả người Trung Quốc Doãn Kiến Lợi kể câu chuyện ngụ ngôn về một người nông dân có một khối ngọc, muốn điêu khắc nó thành một tác phẩm tuyệt đẹp, nhưng trong tay ông ta chỉ có một dụng cụ là cây cuốc. Chẳng mấy chốc, khối ngọc này đã biến thành khối ngọc nhỏ hơn, nhưng hình dạng của nó vẫn giống như hòn đá, đồng thời ngày càng mất đi giá trị. Các bậc phụ huynh trẻ cũng đã có một khối ngọc, đó chính là đứa con đáng yêu, kết quả sau nhiều năm là, một số người đã có được tác phẩm rất hài lòng, một số người càng nhìn nhận sự thay đổi của khối ngọc càng thất vọng. Sự khác biệt giữa hai kết quả này chính là do những người bố, người mẹ ngày càng thất vọng kia thường sử dụng cây cuốc để chế tác ngọc. Từ đó tác giả chỉ ra rằng, phương pháp giáo dục đúng đắn phải là một con dao khắc xinh xắn để chế tác ngọc, phương pháp giáo dục sai lầm là một cây cuốc. 

Cuốn sách "Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt" nhấn mạnh việc giáo dục con cái trong gia đình. Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ, cũng là môi trường giáo dục quan trọng nhất. Bố mẹ cũng chính là người thầy, người cô đầu tiên ảnh hưởng sâu sắc nhất đến trẻ. Cuốn sách như một cẩm nang nuôi dạy con, được trình bày dưới dạng những bài viết nhỏ, đề cập đến quá trình nuôi dạy con cái mà hầu hết phụ huynh nào cũng gặp phải: Làm thế nào để con trẻ không sợ tiêm? Em bé đến từ đâu? Làm gì khi trẻ nói dối? 

Bên cạnh đó, cuốn sách đề cập đến những vấn đề trong học tập như dạy con viết chữ, dạy con làm toán, dạy con viết văn... Đọc cuốn sách, độc giả nhận thấy, tác giả không viết về những thứ quá vĩ mô, trừu tượng, ngược lại tác giả nuôi dưỡng tâm hồn của trẻ em từ những điều đơn giản nhất. Bảy chương trong cuốn "Người mẹ tốt hơn là người thày tốt" chủ yếu tập chung vào ba vấn đề: Bồi dưỡng thói quen, giáo dục phẩm chất và phương pháp học tập. 

Tác giả Doãn Kiến Lợi quan niệm: Các bậc phụ huynh cần đứng trên góc độ của con trẻ để nhìn nhận vấn đề, đừng bắt ép con trẻ sống theo lối sống mà người lớn áp đặt cho chúng. Bởi vì "trẻ em là một thế giới tồn tại độc lập hoàn mỹ, trong cơ thể bé nhỏ của chúng ẩn chứa sức sống mạnh mẽ vô biên, trong quá trình trưởng thành chúng có một tiềm lực biểu đạt tự mình nhào nặn, tự mình thành hình, giống như bên trong một hạt giống có ẩn chứa rễ, lá, hoa, trong điều kiện thích hợp tự nhiên sẽ phát triển"... (Trích "Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt"). 

Người mẹ tốt

Không phải ngẫu nhiên Mỹ Linh chia sẻ suy nghĩ về cuốn sách "Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt" trên facebook của mình. Đọc sách thấy rằng, giữa tác giả Doãn Kế Lợi và ca sĩ Mỹ Linh có nhiều điểm tương đồng trong quan niệm về giáo dục, trong cách nuôi dạy con cái. Giáo dục con cái luôn là vấn đề rất quan trọng đối với Mỹ Linh. 

Anna Trương tuy là con riêng của Anh Quân và người vợ trước, nhưng mối quan hệ giữa Anna Trương và Mỹ Linh cực kỳ tốt đẹp, vượt qua định kiến cổ hủ "mẹ ghẻ con chồng". Mỹ Linh đã có lần tâm sự: "Tôi ít khi phân biệt, đó có phải là đứa trẻ do mình đẻ ra hay không. Một đứa trẻ như một bông hoa, tự nó tỏa hương. Làm sao có thể không yêu Anna khi nó đáng yêu như thế? Bất cứ ai nhìn thấy Anna đều khen con đáng yêu, đâu chỉ mình tôi". 

"Mọi người sẽ không bao giờ hiểu được hết tình cảm của tôi và Anna. Đánh giá một việc rất khó nhìn ở bề ngoài, phải là người trong cuộc mới hiểu hết được. Bạn phải biết, tôi và Anna sống với nhau đã 13 năm, hàng ngày đưa đón nhau, ăn cùng nhau 2 bữa cơm. Anna vui hay buồn - tôi buồn hay vui đều có sự hiện diện của nhau. Tình cảm của tôi với Anna không cần cố gắng. Có thể mọi người sẽ nghĩ, cô ấy đang PR cho bản thân mình, tự làm đẹp mình nhưng tôi không quan tâm, không thấy e dè khi bộc lộ tình cảm. Cháu cũng biết những điều đó. Tôi thường nghĩ mình may vì không mang nặng đẻ đau nhưng lại có một đứa con. Khi tôi đi diễn, người chăm gọi điện nhất cho tôi là Anna. Con luôn nhắn tin hỏi: Mẹ ơi, mẹ ăn gì chưa? Mẹ có mệt không?", Mỹ Linh từng tâm sự. 

 
Mỹ Linh và ba con. Anna Trương là con lớn trong gia đình cô.

Con gái Anna đã bước vào tuổi 18 nhưng Mỹ Linh vẫn luôn nhớ tới lần đầu tiên hai mẹ con gặp mặt: "Khi đó, Anna mới ba tuổi. Con bé không chào tôi như những đứa trẻ bình thường mà lại lảnh lót hát câu: "Cái bống là cái bống ngoan, cái bống là cái bống xinh"... khiến tôi vô cùng bất ngờ... Ban đầu, Anna gọi tôi là cô Mỹ Linh cơ, sau đó là Mama, và rồi một ngày đẹp trời, khi tôi đón nó tan học về thì nó gọi ngay là mẹ", Mỹ Linh chia sẻ. 

Mỹ Linh dành cho con tình yêu thương, sự bao bọc, những bài học thực tế để tránh những cạm bẫy trong cuộc sống. Chị cho biết: "Giống như việc mình không thể suốt ngày đi theo để cấm trẻ con bơi mà chỉ có thể bảo chúng, không được ra chỗ nước sâu, thấy bể bơi thì tránh ra, phải có người lớn mới được bơi. Phải chỉ cho các cháu cái gì nên, cái gì không. Tôi khuyên con tuyệt đối không được chụp ảnh suồng sã và đưa ra ví dụ cụ thể về việc một người mẫu sang Thái đi party với các bạn và chụp đùa, đưa lên mạng là thành người xấu ngay. Do vậy, con phải luôn cẩn thận". 

 
Mẹ con Mỹ Linh - Anna Trương.

Về phía Anna Trương, cô từng tâm sự: Ngay từ khi còn nhỏ Anna đã được chứng kiến cách bố mẹ làm việc, bố mẹ luôn làm việc rất nghiêm túc và luôn luôn hết mình với công việc của mình, và bố mẹ là tấm gương rất lớn của Anna. Dù có bị áp lực vì sự nổi tiếng của bố mẹ nhưng Anna nói cảm giác tự hào nhiều hơn và lấy đó làm động lực để cố gắng trên con đường ca hát. 

Anna Trương cũng chia sẻ thành thật về tình cảm với mẹ Mỹ Linh: "Trong đầu tôi không có khái niệm "mẹ ghẻ con chồng". Có thể lúc tôi còn nhỏ thì chưa quen nhưng bây giờ tôi coi mẹ Mỹ Linh như mẹ đẻ vì hai mẹ con yêu thương nhau thật lòng. Tôi chắc rằng đã là mẹ con thì cũng sẽ có những lúc giận nhau. Thông thường, tôi sẽ làm lành bằng cách nói xin lỗi nếu biết mình sai hoặc tranh luận một ít nữa nếu nghĩ mình đúng. Nhưng cuối cùng, tôi và mẹ Mỹ Linh thường rất nhanh trở lại vui vẻ, cười nói quên luôn là đã giận nhau".

Theo Giaoduc.net.vn