Không phải ngành học “thời thượng” nào cũng “long lanh” như bạn vẫn nghĩ đâu nhé!
Thất nghiệp... "như chơi"
Do số lượng thí sinh đăng ký ồ ạt, nên điểm chuẩn những ngành như Tài chính ngân hàng, Kế toán kiểm toán, Quan hệ công chúng… lúc nào cũng cao chót vót. Lý do cực đơn giản: ra trường dễ xin việc. Tuy nhiên, thực tế không hề “ngon ăn” như bạn vẫn tưởng đâu nhé. Không ít sinh viên đã vượt qua ải ngành "hot" với số điểm “long lanh” nhưng lại rất chật vật để có được một công việc như ý Trong khi đó, với điểm đầu vào “dễ thở” hơn, nhiều bạn đến từ các chuyên ngành “lạ hoắc”, đã sớm lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng.
Mặc dù học ngành "hot" nhưng nhiều bạn vẫn khá chật vật vì không xin được việc làm (Ảnh minh họa)
Trường hợp của Cẩm Giang (23 tuổi) là một ví dụ. Tốt nghiệp khoa Nhân học – một trong những ngành có điểm chuẩn thấp nhất ĐH Khoa học Xã hội Nhân Văn TP.HCM, nhưng cô bạn lại kiếm được một công việc rất thú vị: Trợ lý dự án cho một chức phi chính phủ. Giang chia sẻ: “Ban đầu, mình cũng nghĩ nguy cơ thất nghiệp sau khi ra trường rất cao vì ngành học này khá đặc thù. Nhưng chính nét đặc thù của nó lại giúp mình sớm có một công việc như ý muốn khi không phải đối đầu với những ngành học có quá nhiều bạn đăng ký dự thi”.
Chọn ngành "hot" đồng nghĩa với việc bạn phải cạnh tranh với một “rừng” ứng viên khác. Vị trí tuyển dụng thường có giới hạn, không nhiều hoặc chỉ có một, nên phải là một cử nhân xuất sắc, bạn mới “đánh bật” các đối thủ khác. Với những ngành học ít người lựa chọn, điều này đỡ khắc nghiệt hơn, vì thế hãy cân nhắc mình có chịu được "nhiệt" không trước khi quyết định ngành học.
Lương ngành "hot" không đủ sống
Một trong những lý do nữa khiến ngành "hot" được ưa chuộng vì thu nhập hấp dẫn. Nhưng sự thực là không nhiều công ty sẵn sàng trả mức lương cao, cho dù bạn sở hữu một bảng điểm cực đẹp hay tích lũy được kha khá kinh nghiệm. Đơn giản là vì chính sách lương cho vị trí đó tại nhiều công ty chỉ ở mức như thế. Nếu muốn hưởng lương cao hơn, bạn bắt buộc phải tìm kiếm một môi trường khác.
Lương thấp khiến nhiều bạn không đủ chi phí trang trải cuộc sống (Ảnh minh họa)
Tốt nghiệp loại giỏi khoa Kế toán – ĐH Kinh tế quốc dân và dù đã có 2 năm kinh nghiệm nhưng hiện tại lương của Kim Hạnh (24 tuổi) vẫn chi ở mức 4 triệu đồng. Với khoản thu nhập này, cô bạn phải tằn tiện lắm mới đủ trang trải các chi phí sinh hoạt. Thậm chí, có tháng còn bị “âm”, Hạnh phải cấp tốc xin viện trợ từ bố mẹ hay anh trai. Cô nàng tâm sự: “Lương phải tùy thuộc vào sự phân bổ ngân sách của công ty, chứ không phải ngành học đó "hot" thì ra trường sẽ được trả lương cao. Đặc biệt, kinh tế đang trong giai đoạn khủng hoảng, nên lương ngành "hot" không đủ nuôi sống bạn cũng là điều dễ hiểu”. Vì thế, nếu cứ mơ mộng ngành có sức hút đồng nghĩa với thu nhập cao thì bạn đã nhầm rồi đấy".
Ngành "hot" sẽ đến lúc thoái trào
Chỉ muốn đỗ cho bằng được, nên nhiều bạn quên tính toán rằng: sau 4 - 5 năm học, cái ngành rất "hot" vào thời điểm đó, sẽ dần “hạ nhiệt”. Khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu bão hòa, thậm chí đi xuống, những ngành tưởng chừng như rất hấp dẫn lại mất dần sự quan tâm và những ngành không "hot" lại có cơ hội lên ngôi.
Như trường hợp của Đức Toàn (ĐH Nông Lâm TP.HCM). Anh chàng chọn bất động sản vì bạn bè bảo ngành này mau giàu. Mỗi tháng cần chỉ thực hiện thành công 2 – 3 giao dịch thì có thể đủ nuôi sống cả năm. Nhưng đó là chuyện của 4 năm về trước khi Toàn mới chân ướt, chân ráo bước vào giảng đường ĐH. Hiện tại thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, nên dù rải rất nhiều hồ sơ, song Toàn chỉ nhận được những cái lắc đầu. Cậu đành chấp nhận làm nhân viên giao hàng với mức lương “sống qua ngày” và âm thầm chờ thị trường bất động sản sớm hồi phục.
Chọn lựa ngành theo đam mê sẽ giúp bạn dễ thành công (Ảnh minh họa)
“Chọn nghề là chọn số phận”. Công việc bạn lựa chọn sẽ gắn bó với cuộc đời bạn, nên nếu chạy theo "mác "hot"" mà không cân nhắc, rất có thể bạn sẽ phải trả giá. Tốt nhất là hãy chọn những ngành học bạn thật sự đam mê và yêu thích, vì đó mới thực sự là bệ phóng để bạn chạm tay đến thành công.
Theo tiin