Gửi chuyên gia giáo dục: Xin đừng bắt các em phải lớn quá nhanh 26/04/2013 09:36:54

"Có dân tộc nào như dân tộc này không? Ông Gióng lên ba đã phải cầm đao đánh giặc, hòa bình lập lại tại sao vẫn muốn bắt những đứa trẻ con tuổi 14, 15 phải lo nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thế có bất công quá không"?

Ngay sau khi bài viết Bất ngờ: Quan niệm của 'kẻ lười biếng' giống hàng loạt chuyên gia được đăng tải, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được thư của độc giả Lê Đình Tĩnh, là một giáo viên chia sẻ về quan niệm cá nhân của mình. Xin đăng tải lại bài viết như sau:

Dư luận đang rất quan tâm về clip "Sự trăn trở của kẻ lười biếng", là một thày giáo tôi có vài suy nghĩ như thế này: 

Xin hỏi các chuyên gia, 

Các chuyên gia như GS Phạm Toàn, GS Văn Như Cương, nhà văn Nguyên Ngọc... các bác ấy đã từng được đào tạo, trưởng thành và đã đạt được những thành công nhất định trong hệ thống giáo dục vốn còn rất non trẻ của chúng ta. 

Các bác ấy được xếp vào hàng những trí thức có tên tuổi, nên nhận thức xếp vào hàng trên. Tôi nghĩ giáo dục là vấn đề rất khó để có thể nói suông, giáo dục phải nhìn xuống. Giáo dục phải làm sao đạt được cân bằng cho tất cả các em. Phải làm sao đó để kiến thức cơ bản của tất cả các em khi rời mái trường Phổ thông đều đạt ít nhất ở ngưỡng trung bình, càng nhiều khá giỏi càng tốt. 
 

Học để làm gì? (Ảnh minh họa của Lê Tâm)

Nếu cứ nghĩ như các bác ấy, thì những cô giáo, thày giáo vùng cao đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em họ đến trường để làm gì? Có những em học hết lớp 9 bố mẹ bảo nghỉ ở nhà để phụ giúp gia đình, các thầy cô lại phải động viên, khuyên bảo để các em được đi học tiếp để làm gì? 

Nếu chỉ học hết lớp 9 rồi sau đó các em đi học nghề. Học 1 năm, 2 năm thành nghề, các em lại vất vả vào đời. Ở tuổi đó các em vẫn còn được sự bảo hộ của gia đình. Ở tuổi 18, các em vẫn còn trẻ con lắm, vẫn ôm nhau khóc tu tu ngày chia tay bạn bè, xa trường, xa lớp. Xin đừng bắt các em phải lớn quá nhanh. 

Có dân tộc nào như dân tộc này không? Ông Gióng lên ba đã phải cầm đao đánh giặc, hòa bình lập lại tại sao vẫn muốn bắt những đứa trẻ con 14, 15 phải lo nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thế có bất công quá không? 

Nói về đạo đức, học Văn để làm gì? Không biết rung động trước cái đẹp, không biết tức giận với cái xấu, cái ác, thế có phải là người có đạo đức? Không phải là học văn để mang đến những cảm xúc đó ư? 

Học Sử để làm gì? Nếu không phải để ngọn ngành nguồn cội, tự hào với truyền thống cha ông? 

Học Địa để làm gì? Nếu không phải để biết nước mình hình dáng thế nào, nằm ở đâu trên cái quả địa cầu này. Học để biết Việt Nam có ba mặt giáp biển, biết Trung Quốc nằm cạnh nước mình, và Mỹ thì ở bên kia Thái Bình Dương, biết nước Nhật nằm trên đảo. Học để biết Miền Bắc vì sao có 4 mùa và vì sao Miền Nam chủ yếu có hai mùa nắng và mùa mưa? 

Học Hóa để làm gì nếu không phải để biết rằng tại sao cái chậu nhôm nhà mình nếu không dùng liên tục thì nó bị đen? Tại sao thả vôi vào nước thì nước lại sôi? 

Học Vật lý làm gì nếu không phải là để biết tại sao mình không bị chìm trong nước? Tại sao hai bánh xe quay mà mình không bị ngã? Tại sao bóng đèn lại sáng? Đơn giản nữa là tại sao trứng lại không chín khi luộc trên đỉnh núi cao? Còn bao nhiêu nữa cái tại sao, vì sao mà chúng ta phải học? 

Học để những ông bố bà mẹ có thể trả lời mọi câu hỏi của con thơ. Đi học chỉ để làm được việc đó thôi, nếu thế thì có là thừa quá không? Xin hỏi các chuyên gia?


Theo Giaoduc.net.vn