Tôi cho đây là màn hùng biện hay nhất từ trước đến nay mà kể cả những người lớn cũng chưa đạt được. Rõ ràng là vì em được thể hiện chính là mình, được nói lên thoải mái, tự do những suy nghĩ thực của mình, được bày tỏ thực sự những lập luận, đề nghị của riêng mình.
Clip "kẻ lười biếng" luận về giáo dục đã gây chấn động dư luận ngay từ khi xuất hiện. Một học sinh lớp 12 nói lên trăn trở với nền giáo dục của đất nước trong hơn 60 phút nhận được nhiều lời khen hơn là chê từ phía dư luận. Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên về clip này.
- Thưa Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, sau khi xem clip "Sự trăn trở của kẻ lười biếng" ông có nhận định như thế nào về khả năng hùng biện, về những vấn đề cậu học trò này đề cập đến trong clip?
NPB Phạm Xuân Nguyên: Với clip "Sự trăn trở của kẻ lười biếng", ban đầu tôi chỉ định xem qua nhưng thái độ, dáng điệu, khả năng hùng biện của học sinh khiến tôi chăm chú nghe. Đặc biệt là khả năng lập luận, phân tích, lật đi lật lại những vấn đề của em đã bắt đầu thu hút, vì vậy tôi đã nghe hết toàn bộ clip này.
Xem clip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng" tôi thật sự bất ngờ vui mừng vì khả năng hùng biện hấp dẫn của một học sinh lớp 12 đã vạch ra đích đáng những lỗi hệ thống của cả nền giáo dục nước nhà bao nhiêu năm nay. Tôi tin em phải thương đau cho mình và bạn bè cùng thế hệ lắm mới nghĩ được và nói được như vậy.
NPB Phạm Xuân Nguyên: "Tôi tin em phải thương đau cho mình và bạn bè cùng thế hệ lắm mới nghĩ được và nói được như vậy".
Thứ nhất, em đã dám nói một cách hùng hồn, thuyết phục, những điều em nói đều có trăn trở, suy nghĩ. Để nói được như thế, cứ cho rằng chỉ là học thuộc và trình diễn đi thì khả năng của em cũng đã rất giỏi rồi. Phần hùng biện của em không hề vấp váp, khúc chiết, đặt ra từng vấn đề, vấn đề nào cũng lập luận, liên kết lô-gíc với nhau, phản biện với nhau để nêu ra được vấn đề.
Nói tóm lại, với clip ấy, cá nhân tôi rất vui mừng, phấn khởi và ủng hộ em. Clip đã đặt ra được nhiều câu hỏi lớn trước các vấn đề như: Thi cử, đạo đức, điểm số, học đối phó và cả đề xuất rất táo bạo của em: Chỉ cần học đến lớp 9.
Tôi luôn nghe với tâm thế tích cực và ủng hộ những ý kiến mới mẻ, khác lạ của các thày cô giáo, bậc phụ huynh và học sinh.
- Trong clip, vấn đề giáo dục nào học sinh này đặt ra khiến ông tâm đắc nhất?
NPB Phạm Xuân Nguyên: Ngoài chuyện cụ thể học hành đối phó, những điều cậu học sinh phân tích ở tầm vĩ mô hơn như biện luận về sự lười biếng rất hay. Không phải lười biếng là dở, khi anh lười biếng vào cái này vì anh đam mê vào một cái khác. Một nhà tiểu thuyết, nhà văn không cần chú ý vào tích phân và toán học.
Những vấn đề mang tính khái quát, trừu tượng như cách dạy đạo đức, cách quan niệm về đạo đức khiến tôi thích và tôi phục. Tôi là người làm việc về lý trí, những logic, những biện luận của mình không phải là kém cỏi nhưng khi xem clip thích thú trước khả năng tư duy khái quát, tư duy trìu tượng của em.
Điều đặc biệt là trong clip này, vấn đề em nêu lên không dừng lại ở sự kiện đơn lẻ mà nâng lên tầm vấn đề, từ kinh nghiệm bản thân em đồng vọng với nhiều người. Điều này buộc những người làm giáo dục cần suy nghĩ.
Em còn biết khái quát, nâng thành vấn đề lớn và đặt ra những câu hỏi "tại sao" cho cả nền giáo dục nước nhà. Tại sao phải học các kiến thức không cần thiết? Tại sao phải gây nên tình trạng dạy và học đối phó? Tại sao phải áp đặt môn học và cách học cho học sinh? Tại sao và tại sao, để em không thể không nói lên nỗi bức xúc của mình mà tôi chắc cũng là chung cho nhiều học sinh và các bậc cha mẹ, cho cả dư luận lâu nay đã rất lo âu và hoảng sợ về nền giáo dục hiện hành.
- Có ý kiến cho rằng, cậu học trò đã học đến lớp 12, như vậy cũng là sản phẩm của nhà trường, tức là sản phẩm của nơi nhiều bất cập mà cậu ta đề cập trong clip. Ông nghĩ sao về điều này?
NPB Phạm Xuân Nguyên: Đúng, em đã qua 12 năm ăn học nhưng tại sao nhà trường không tạo điều kiện cho em nói?
Tại sao những màn ứng xử của các cuộc thi hoa hậu thường làm người ta ngượng chín cả người lên? Vì họ toàn nói giả, họ không được nói thật, không được nói đúng theo ý của mình. Hầu hết những bài văn viết trong nhà trường đều là giả hết.
Nếu nói đây là học trò của nền giáo dục này thì khả năng hùng biện của em không phải là sản phẩm của nền giáo dục này.
- Từ clip "Sự trăn trở của kẻ lười biếng" ông có thể gợi ý: Làm thế nào để phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong nhà trường hiện nay?
NPB Phạm Xuân Nguyên: Đây là vấn đề tôi đã đề cập nhiều lần: Tại sao học trò ghét văn? Cũng con người ấy, nhưng khi về được viết tự do thoải mái, viết đúng mình trên facebook thì các em đã viết tốt, đọc rất thích. Nhưng đến khi làm văn thì các em lại không thích nên đọc gượng gạo và khô như cơm sống. Lâu nay ở trường các em là giả, bài vở cũng đều là giả. Có nhiều học sinh có thể làm được như cậu bạn trong clip nhưng môi trường không cho các em được nói.
- Trong clip "Sự trăn trở của kẻ lười biếng", tư tưởng nào của học sinh khiến ông đồng tình và ủng hộ nhất?
NPB Phạm Xuân Nguyên: Vì một nền giáo dục khai phóng! Tôi đồng tình và ủng hộ tư tưởng này của em học sinh khi kết thúc bài hùng biện rất hay của mình kéo dài hơn một tiếng đồng hồ.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Giaoduc.net.vn