Xây dựng trường chuẩn: Cái khó của vùng khó! 18/05/2013 09:59:04

Chưa đến mức khó khăn như Thanh Sơn hay nhất là đối với huyện thuộc diện 30A Tân Sơn, nhưng từ hạ tầng cơ sở cho đến đời sống bề ngoài của người dân huyện miền núi thấp Cẩm Khê (Phú Thọ) đã cho thấy “bộ mặt” của một huyện nghèo. Tuy vậy, trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, Cẩm Khê lại là một trong những địa phương đạt kết quả cao của Phú Thọ. Đến cuối năm học 2012 – 2013 này, huyện đã có 14/32 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (đạt 43,5%), 25/34 trường tiểu học đạt chuẩn (đạt 73%). Riêng THCS thì kết quả lại không cao đến vậy khi chỉ mới có 2/26 trường đạt chuẩn (đạt 7,7%).


Trọng tâm vẫn là chất lượng

Ông Ngô Hữu Trí – Trưởng phòng GD&ĐT Cẩm Khê cho biết, đến thời điểm này 2 trường đang được đầu tư xây dựng (Trường THCS Tình Cương và THCS Phương Xá), dự kiến sẽ đề nghị công nhận đạt chuẩn trước thềm năm học 2013 – 2014. Huyện cũng đã có kế hoạch trong giai đoạn 2013 – 2015 sẽ xây dựng thêm 4 trường THCS đạt chuẩn nữa. Thực tế, đến nay hầu như chưa triển khai được gì bởi khó khăn về kinh phí.

Cẩm Khê là một huyện miền núi thấp, không thuộc diện thụ hưởng các chương trình đầu tư của Chính phủ đối với xã đặc biệt khó khăn, trong đó có đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; thu ngân sách địa phương chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng chi, đồng nghĩa với phần lớn nguồn ngân sách là trông chờ từ bao cấp T.Ư. Chưa kể do cơ cấu dân số, hầu hết các trường học trên địa bàn huyện đều có quy mô nhỏ, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí đội ngũ giáo viên cũng như cơ cấu các bộ môn để đáp ứng tiêu chuẩn về trường chuẩn quốc gia.

                                                          Giờ giáo dục thể chất của HS Trường THCS Thị trấn Sông Thao.   Ảnh: N. Khánh


Để “tìm ra” một ngôi trường thực sự quy mô của Cẩm Khê với đầy đủ diện tích cần thiết, sơ sở vật chất trường lớp học đầy đủ, trang bị đồng bộ thiết bị dạy học... quả là khó khăn, chỉ có 1 – 2 trường, trong đó có Trường THCS Thị trấn Sông Thao (cũng là một trong những ngôi trường có “thâm niên” nhất huyện, được thành lập từ năm 1956). Đây cũng là trường học hiếm hoi của Cẩm Khê được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn tiếp theo (tức chuẩn quốc gia mức 2) năm 2012.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, để đạt được kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền là hiệu quả của công tác xã hội hoá mà nhà trường đã triển khai rất thành công, xuất phát từ chất lượng giáo dục, từ đó tạo được sự quan tâm của phụ huynh học sinh, các tổ chức, cá nhân và các đoàn thể tham gia ủng hộ nhà trường xây dựng cơ sở vật chất và nhất là ủng hộ về công tác giáo dục. Trường THCS Thị trấn Sông Thao cũng là “cái nôi” của về chất lượng của ngành GD huyện, với chất lượng GD giỏi luôn ở mức cao (từ năm học 2006 – 2007 trở lại đây, trường có 736 HS giỏi cấp huyện, 184 HS giỏi cấp tỉnh). Đó là lý do hầu hết HS có thành tích xuất sắc ở các trường tiểu học học trong huyện đều chọn Trường THCS Thị trấn Sông Thao để tiếp tục theo học, dù phải xa nhà cả chục km, nhiều em phải ở lại trọ học...

“Rào cản” phải xóa

Tuy vậy, cũng cần nhắc lại rằng có đầy đủ các điều kiện để phát triển và xây dựng chất lượng giáo dục tốt như Trường THCS Thị trấn Sông Thao chỉ là “tốt lỏi” ở Cẩm Khê. Cách thị trấn gần 20 km, Văn Bán là một xã thuộc diện vùng sâu của huyện. Được thành lập từ năm 1992 (tách ra từ trường THCS), Trường Tiểu học Văn Bán được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đầu năm 2009; cùng với đó, ngôi trường này cũng được đánh giá là một trong những đơn vị giáo dục có nhiều thành tích của ngành Giáo dục Cẩm Khê nói riêng và cả tỉnh Phú Thọ nói riêng.

Tọa lạc trên diện tích rộng hơn 6000 m2, có đủ sân chơi, bãi tập, nhà thư viện cùng 12 phòng học, nhưng công trình nào cũng bé bé, co cụm và manh mún. Tiếng là 12 phòng học, nhưng trường thực sự chỉ có 10 phòng học theo đúng nghĩa phòng học đạt chuẩn của một ngôi trường chuẩn quốc gia, còn lại 2 phòng học cấp 4 nép sau khuôn viên trường đã xuống cấp trầm trọng. Trong giai đoạn này, Trường Tiểu học Văn Bán vẫn chưa thể triển khai dạy học 2 ca theo chương trình của Bộ GD&ĐT, thậm chí để đủ phòng học, HS còn phải học sang cả thứ 7 (dù theo chương trình đó là ngày nghỉ của HS tiểu học).

Điều đáng ngạc nhiên là dù phòng học còn thiếu thốn, nhưng trang bị trong các lớp lại khá đầy đủ. Khi chúng tôi đến, các thầy cô đang tập trung tại khối lớp 3 để dự giờ sinh hoạt chuyên môn. Cô hiệu trưởng cho biết đấy là chương trình thử nghiệm dạy theo hướng tích cực do Tổ chức Plan tài trợ. Các trang thiết bị đi kèm trong các lớp học cũng như thư viện thân thiện của nhà trường cũng do Tổ chức này tài trợ trọn gói. Nghĩa là, trong lớp đã khá đồng bộ phục vụ việc dạy và học cho thầy trò. Nhưng bên ngoài, sự chắp vá trong tổng thể cảnh quan hiện lên rõ nét, cho thấy sự quy hoạch thiếu đồng bộ, chắp vá theo kiểu có đến đâu trang bị đến đó.

Cũng dễ hiểu vì sao cô Hiệu trưởng cho biết mục tiêu phấn đấu của nhà trường là đạt chuẩn quốc gia mức 2, nhưng sẽ rất khó khăn, không biết lúc nào mới thực được, tất cả chỉ vì thiếu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ. Tháo gỡ “rào cản” này, chắc chắn các đơn vị giáo dục như Trường Tiểu học Văn Bán chỉ có trông chờ vào chính quyền và sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp. Ngân sách chỉ có hạn, đầu tư từ xã hội hoá qua việc huy động nguồn lực xã hội luôn rất cần thiết để phát triển GD&ĐT ở bất kỳ vùng đất nào...


Theo: Giáo dục và thời đại