Hà Nội đang thí điểm 18 trường công lập chất lượng cao và mức học phí tối đa trong năm học 2013-2014 là 2,9 triệu đồng (bậc mầm non) và 3 triệu đồng (bậc THCS, THPT).
Ngày 6/7, HĐND Hà Nội thông qua nghị quyết ban hành quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao (mầm non, phổ thông). Mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao áp dụng tối đa trong năm học 2013-2014 đối với trường mầm non và tiểu học là 2,9 triệu đồng một tháng, trường THCS và THPT là 3 triệu đồng; năm học 2014-2015, các mức tương ứng là 3,2 và 3,4 triệu đồng.
Trần mức thu học phí này sẽ được áp dụng từ năm học 2013-2014 đến hết năm 2014-2015 và được điều chỉnh từ năm học 2015-2016 cùng với việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách và thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định.
Một số đại biểu băn khăn vì trong quá trình chuyển tiếp lên trường chất lượng cao, những học sinh đã học ở đây nhưng không có đủ điều kiện theo học thì phải chuyển đi đâu; hay tiêu chí của trường chất lượng cao được đánh giá như thế nào… Cùng với đó, việc học tại trường chất lượng cao ngoài việc được học tập chất lượng cao phải được hưởng các dịch vụ tốt hơn so với các trường khác do phải đóng học phí cao; mức trần học phí này không phù hợp với các cơ sở liên doanh, liên kết nước ngoài, vì vậy chỉ nên áp dụng với các cơ sở trong nước.
Theo các đại biểu, đây là Nghị quyết xây dựng lần đầu và thực hiện trong 2 năm, nên cần tổng kết và đánh giá cụ thể, để có đề xuất cơ chế chính sách hợp lý áp dụng cho những năm tiếp theo.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, trong quá trình xây dựng Nghị quyết, trường chất lượng cao chưa có trong khái niệm nào của Luật, nay có trong Luật Thủ đô. Vì vậy Hà Nội là đơn vị đi đầu nên cơ chế tài chính phải thực hiện theo mô hình công lập. Hiện, thành phố đang áp dụng thí điểm 18 trường chất lượng cao, trong đó 13 trường đã đạt chất toàn phần, còn 5 trường mới đạt chuẩn ở từng phần.
Theo Nghị quyết, đến năm 2015, thành phố sẽ có 30-35 trường chất lượng cao chứ không đầu tư đại trà. Đối với các trường mới khi các quận, huyện đăng ký lên, thành phố sẽ thẩm định, đủ điều kiện mới cho phép, cơ quan kiểm định sẽ hoàn toàn độc lập và mời các cơ quan của bộ tham gia, đồng thời công khai để người dân được biết.
Bà Ngọc cho biết thêm, việc học ở các trường chất lượng cao theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện. Các em học sinh đóng tiền cao sẽ được hưởng thụ nhiều dịch vụ cao tùy theo nhu cầu. Đây là các cơ công lập, nên sẽ được đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất, có ưu tiên bố trí tu sửa, nâng cấp, và sẽ phải khống chế trần học phí, không thu bằng bên ngoài nhằm tạo điều kiện cho nhiều em được học ở trường chất lượng cao. Vì hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, nên quá trình chuyển tiếp nếu em nào có nhu cầu thì sẽ tiếp tục theo học, nếu không đủ điều kiện thì thành phố cũng sẽ bố trí cho theo học tại các trường công lập khác.
Cùng ngày, HĐND thành phố thông qua nghị quyết về điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho sơ sở y tế công lập trên địa bàn. Theo đó, mức điều chỉnh bằng 75% mức trần quy định trong thông tư liên tịch số 04, áp dụng từ 1/8 tới và bằng 100% mức trần quy định trong thông tư liên tịch số 04 áp dụng từ năm 2016.
Cụ thể, từ ngày 1/8, khung giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện loại 1 được điều chỉnh từ 25.000 đồng lên 100.000 đồng đối với danh mục khám, cấp giấy chứng thương, giám định y khoa; từ 37.000 đồng lên 100.000 đồng đối với khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ.
Tăng viện phí được các đại biểu HĐND Hà Nội đòi hỏi đi cùng với tăng chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: Hoàng Hà.
Đối với khung giá một ngày giường bệnh, mức giá giường bệnh hồi sức cấp cứu (chưa bao gồm chi phí sử dụng máy thở) tại bệnh viện hạng 1 điều chỉnh từ 15.000 đồng một ngày lên 113.000 đồng một ngày; các khoa truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học, nội tiết điều chỉnh từ 9.000 đồng lên 60.000 đồng; các khoa cơ-xương-khớp, da liễu, dị ứng, tai - mũi - họng, mắt, răng hàm mặt, ngoại, phụ sản không mổ, điều chỉnh từ 7.000 đồng lên 53.000 đồng; các khoa y học dân tộc, phục hồi chức năng điều chỉnh từ 5.000 đồng lên 38.000 đồng (tính theo ngày).
Đối với các giá giường bệnh ngoại khoa bỏng, trường hợp sau phẫu thuật đặc biệt như bỏng độ 3-4 trên 70% diện tích cơ thể sẽ điều chỉnh từ 17.000 đồng một ngày lên 108.000 đồng một ngày; sau phẫu thuật loại 1 bỏng độ 3-4 từ 25-70% diện tích cơ thể, điều chỉnh từ 12.000 đồng lên 90.000 đồng; sau phẫu thuật loại 2, bỏng độ 2, điều chỉnh từ 8.000 đồng lên 72.000 đồng; sau phẫu thuật loại 3, bỏng độ 1, điều chỉnh từ 7.000 đồng lên 56.000 đồng.
Theo tính toán của UBND thành phố, mức tăng giá các dịch vụ bình quân khoảng 2 lần so với mức giá đang áp dụng tại các bệnh viện công của Hà Nội.Sau quá trình điều chỉnh tăng giá viện phí sẽ thực hiện các giải pháp phát triển y tế chuyên sâu, giảm quá tải, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng chất lượng khám chữa bệnh.
Với nguyên tắc tính giá mới, cơ quan thẩm tra lưu ý, kinh phí thu được từ chênh lệch giá chủ yếu để chi trả cho các đơn vị cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, điện, nước... mà chưa thể giảm bớt đầu tư của ngân sách cho công tác khám, chữa bệnh đồng thời cũng chưa có điều kiện để tăng thu nhập cho cán bộ y tế.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, đây là áp lực không nhỏ đối với ngành y, vì một mặt phải sớm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tương xứng với chi phí người bệnh bỏ ra, mặt khác phải tăng cường công tác quản lý chuyên môn, quản lý tài chính, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, chống lạm dụng các kỹ thuật chụp, chiếu, xét nghiệm… Về căn bản và lâu dài, từng cơ sở phải khẳng định được chất lượng, thương hiệu của mình, đồng thời phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân tham gia Bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm toàn dân.
Theo: Nguyễn Hưng/Vnexpress.net