ĐHQG Hà Nội về huyện Thạch Thất 24/10/2013 10:02:39
Địa điểm quy hoạch và xây dựng mới của ĐHQG Hà Nội sẽ nằm trên đất huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km về phía Tây.

Quyết định số 1907/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng ĐHQG Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2013 đến năm 2025.
 
 
Theo Đề án mới được phê duyệt, quy mô sử dụng đất khoảng 1.113,7 ha, trong đó khu dự án ĐHQG Hà Nội là 887,9 ha; khu các cơ sở nghiên cứu cao cấp là 112,1 ha; khu tái định cư là 113,7 ha.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng sau khi Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng ĐHQG Hà Nội được phê duyệt.

Mục tiêu của Đề án là đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội thành trung tâm đào tạo ĐH, sau ĐH và nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội phù hợp với định hướng chiến lược phát triển ĐHQG Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc nhằm di dời các cơ sở cũ tại nội thành, thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc di dời các trường ĐH ra khỏi khu vực trung tâm thành phố Hà Nội đế giảm tải về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho khu vực nội thành, tạo điều kiện để phát triển Thủ đô Hà Nội theo đúng quy hoạch.

Quy mô của ĐHQG Hà Nội sắp tới sẽ có khoảng 60.000 sinh viên, 3.500 học sinh chuyên và khoảng 6.550 cán bộ, nhân viên. Quy mô xây dựng đến năm 2025 cho 8 trường ĐH, 5 Khoa trực thuộc, 5 Viện nghiên cứu trực thuộc, 10 Trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học và Các trung tâm Nghiên cứu liên hợp, 10 đơn vị phục vụ và các trung tâm phục vụ khác; với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1.922.750 m2 sàn xây dựng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hoàn chỉnh.

Tổng nhu cầu vốn ước tính khoảng 25.872.179.335.352 đồng (tính tại thời điểm quý 1 năm 2012, chưa gồm trượt giá và lãi vay, làm tròn, giá trị sau thuế). Vốn nhà nước khoảng 82,63%, bao gồm: Ngân sách tập trung (khoảng 37,96%); Trái phiếu Chính phủ (khoảng 14,48%); vốn dự kiến thu từ việc chuyển đổi tài sản và quyền sử dụng đất tại các cơ sở cũ của ĐHQG Hà Nội khi chuyển lên Hòa Lạc (khoảng 7,44%); vốn ODA và tín dụng ưu đãi (22,75%).

Vốn liên doanh, liên kết đầu tư trong và ngoài nước; vốn thu hút xã hội hóa và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng: 17,37%. Vốn và nguồn vốn đầu tư của các cơ sở nghiên cứu cao cấp Quốc gia. Được tính toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.



(Theo: Vietnamnet)