Để “chữa bệnh” cho teen lười học, nhiều thầy cô đã
nghĩ ra kế sách cực kì khéo léo và phù hợp nhưng cũng không kém phần
nặng tay.
Phát biểu ít hơn 2 lần/buổi học: Nộp phạt
Dấu hiệu nhận biết những teen “ghét học” là bộ dạng ỉu
xìu khi vào tiết, đặc biệt là gương mặt biểu cảm kiểu “dị ứng” với các
câu hỏi giáo viên đặt ra. Hầu hết các bạn đều “nói không với phát biểu
trong giờ học”. Để khắc phục tình trạng này, một số thầy cô đã đưa ra kế
sách: “Trong buổi học, nếu phát biểu ít hơn 2 lần, teen bị phạt”. Hình
thức “nộp phạt” là xung vào quỹ lớp với mức vừa phải, thường là từ
5.000-10.000 đồng, không quá nhiều nhưng đủ để những teen lười học mất đi bữa ăn sáng được nhiều thầy cô sử dụng.
|
Ai phát biểu ít sẽ bị nộp phạt xung quỹ lớp. |
Minh Cường (teen trường THPT Sào Nam, Quảng Nam) mếu
máo: “Tóc có sợi dài, sợi ngắn. Lớp có bạn học tệ, bạn học tốt. Thầy
giáo cứ bắt bọn mình phải phát biểu đều đặn nếu không sẽ phải… nuôi em
lợn 5.000 đồng”.
Ngược lại, bạn cùng lớp với Cường, Tuyết Nhung hớn hở nói: “Hầu như những bạn nào trước đây chưa từng phát biểu mới sợ hình phạt
này thôi, riêng thủ quỹ lớp thì có vẻ rất hào hứng. Bọn mình cũng hơi
bị thích sáng kiến này của thầy giáo để lớp chăm phát biểu hơn”.
Nói chuyện trong giờ: Tập cuốc cỏ dại
Mỗi trường THPT đều có một sân bóng khá rộng rãi để
phục vụ cho giờ thể dục hoặc các bồn hoa xung quanh văn phòng trường.
Với những teen chẳng may mắc bệnh “buôn dưa lê, bán dưa chuột” trong giờ
học thì việc làm bạn với các bãi cỏ trống này là chuyện bình thường ở
huyện. Đặc biệt, một số trường còn thiết kế hẳn một sân cỏ dại dành
riêng cho các học sinh cá biệt “tập cuốc cỏ” – hình phạt sau khi các bạn bị phát hiện đang “buôn bán các loại dưa” trong lớp.
|
Sân cỏ trở thành “điểm đến” cho những teen mắc bệnh “buôn dưa” trong giờ học. |
Thu Hằng (cựu học sinh THPT Nguyễn Khuyến, Hà Nội) chia
sẻ: “Nhớ ngày đấy mình thường xuyên có mặt ở khu cỏ dại sau trường để
lao động công ích vì trong giờ nói chuyện quá nhiều. Có tuần, phải đi
lao động 3-4 hôm. Mình để ý thấy các trường khác cũng phạt như thế này”.
Trung Quân (THPT Phan Chu Trinh, Đà Nẵng) hồn nhiên cho rằng: “Hình phạt
này chỉ hợp với mấy bạn gái thôi, tụi con trai ít nói hiếm có khi bị
phạt. Mà nếu có bị phạt thì cũng nhẹ nhàng mà”. Tuy vậy, Quân cho biết
cậu bạn rất “sợ” bị phạt “tập cuốc cỏ” vì từ nhỏ đến lớn chưa biết cái
cuốc là gì?
Không làm bài tập, có tên trong sổ đầu bài: Một thân một bàn
Hạn chế tối đa teen ỉ lại bạn bè và chểnh mảng việc làm
bài tập về nhà, các thầy cô cũng đã có cách “chuyên trị” đặc hiệu: dành
cho các bạn một bàn riêng, được đặt ở vị trí nổi bật nhất lớp (thường
là trên cùng). Ngoài ra, chép phạt cũng là nỗi ám ảnh quen thuộc của
những teen lười nhác, tuy nhiên hình thức này đang dần được hạn chế vì
“tính sát thương” không cao.
|
Không ai muốn phải ngồi một bàn như lúc đi thi. |
Một thân một bàn, teen không thể copy bài, không có ai
để nhao nhao làm mất trật tự trong giờ học. Nhưng hiệu quả có lẽ nằm ở
việc thầy cô đã biết cách đánh vào tâm lí của trò lười, từ việc xấu hổ
với các bạn trong lớp, teen sẽ tự giác học hành chăm chỉ hơn. Thu Hằng
(THPT Chu Văn An, Hà Nội) thừa nhận: “Các bạn lớn cả rồi, ai bị thầy cô
phạt như vậy không thay đổi mới lạ. Hình phạt này tưởng nhỏ như con thỏ nhưng lại hiệu nghiệm phết”.
Những hình phạt không chỉ giúp teen trưởng
thành, tự giác học tập hơn mà còn là “thước đo” ý thức của mỗi teen.
Thời học sinh sẽ rất đáng nhớ nếu chúng ta biết cách để lại dấu ấn và kỉ
niệm đẹp với thầy, cô. Và tất nhiên, con đường ấy sẽ không có chỗ cho
những hình phạt, đúng không nào?
(Nguồn: news.zing.vn)