Nền giáo dục Việt Nam sẽ đi về đâu khi thầy giáo dạy toán tương lai mà thi đại học môn toán chỉ được có 2 điểm, cô giáo dạy hóa chưa được nổi 3 điểm?
Dù công nghệ giáo dục có phát triển đến đâu, dù cở sở vật chất có đầu tư nhiều bao nhiêu thì yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục vẫn là những người thầy giỏi.
Tôi xin mở đầu bài viết của mình bằng một câu chuyện hài hước nhưng xót xa:
Một thầy giáo khi đến nhà học sinh, trong lúc ngồi nói chuyện với phụ huynh, thầy giáo hỏi: "Gia đình dự định cho em thi vào trường đại học nào?". Phụ huynh trả lời: "Nói thật với thầy, thằng anh học giỏi chúng tôi nghe thầy đã cho thi vào trường Bách khoa, còn thằng em học dốt chắc cho nó đi sư phạm thầy à”.
Thế đó, xu thế người tài không đi vào sư phạm, những người thầy tương lai, đi dạy học sinh trong tương lai mà chỉ là những người “dốt” (như lời phụ huynh kia nói), nghe có vẻ vô lý và chua xót nhưng thực tế là như vậy.
Chúng ta thử nhìn lại xem, chỉ mới cách đây khoảng 7, 8 năm, điểm vào các trường sư phạm như ĐH Vinh, ĐH sư phạm Hà Nội... luôn nằm trong top đầu, vậy mà bây giờ chỉ bằng điểm sàn. Những học sinh được 20 điểm trở lên đã không thi vào sư phạm.
Đoàn sinh viên thực tập về trường tôi mới đây là ví dụ. Một thầy giáo dạy toán tương lai mà thi đại học môn toán được 2 điểm, một cô giáo dạy hóa tương lai mà viết phương trình phản ứng trong khi phản ứng không xảy ra, vì khi thi đại học môn hóa chưa được nổi 3 điểm.
Tôi tự hỏi không biết những sinh viên này nếu được đi dạy họ sẽ lấy gì để truyền cho học sinh? Tôi lại tự đặt câu hỏi không biết sau 10, 20 năm nữa khi thế hệ giáo viên hiện nay về hưu, thế hệ con cháu sau này biết học với ai? Nền giáo dục sẽ đi về đâu? Đó là nguy cơ nhãn tiền, hậu quả khôn lường mà xã hội sẽ phải gánh chịu.
Vậy nguyên nhân vì sao? Vì sao nhiều người sợ làm giáo viên, sợ thi vào sư phạm? Có lẽ chỉ những người giáo viên mới trả lời chính xác câu hỏi này.
Những thí sinh thi được 20 điểm trở lên thường không thi vào sư phạm.
Nghề dạy học là nghề kiếm ăn từng bữa. Tôi có thể khẳng định những người giáo viên đang hàng ngày đứng trên bục giảng là yêu nghề. Họ tâm huyết, vì nếu không tâm huyết, không yêu nghề thì họ sẽ không bao giờ bám trụ với nghề.
Người ta nói nghề giáo viên là cao quý. Đúng thế, cao quý lắm, mỗi lần gặp lại học sinh cũ, được các em chào, hỏi thăm, lòng thấy vui lắm. Thành công và tình cảm của học trò cũ chính là niềm tự hào lớn nhất của cuộc đời nhà giáo.
Nhưng liệu họ sẽ còn yêu nghề, bám trụ với nghề được bao lâu nữa khi những giáo viên còn lo ăn từng bữa, đồng lương ít ỏi? Một giáo viên công tác gần 10 năm mà mức lương hơn 4 triệu đồng, không có thu nhập thêm (những giáo viên có thu nhập từ dạy thêm chiếm tỉ lệ rất nhỏ).
Nghề dạy học là nghề của những áp lực. Áp lực công việc luôn đè nặng trên vai mỗi người giáo viên. Áp lực từ thành tích, từ học sinh, từ phụ huynh, từ quản lý, áp lực bị thuyên chuyển… Phần lớn giáo viên luôn làm việc với tâm trạng áp lực, lo sợ.
Nghề dạy học còn được xem là nghề nguy hiểm. Nói không sai khi thực tế khẳng định điều này. Ở nhiều nơi mỗi lần họp hội đồng kỷ luật học sinh, mỗi lần mắng học sinh, cho học sinh điểm kém, ra về giáo viên lại phải nhìn quanh vì sợ bị đánh. Mỗi lần đi coi thi về, có những nơi giáo viên còn phải nhờ công an bảo vệ, "áp tải".
Nhưng có lẽ nguy hiểm nhất với giáo viên đó chính là dư luận. Người thầy có thương học sinh, có tâm huyết, trách nhiệm mới la mắng nhưng nếu lỡ may không kiềm chế mà xúc phạm học sinh dù là nhỏ nhất, nếu bị đưa lên báo chí thì bị xã hội mắng chửi, lên án. Có lẽ đó là điều đau đớn nhất với cuộc đời giáo viên, là hình phạt nặng nhất đối với người giáo viên.
Tôi viết bài này không phải vì bản thân, không phải để kể khổ, mà muốn chúng ta cùng nhìn lại một thực tế, một thực tế hiển nhiên, đó là việc chảy máu chất xám đã, đang diễn ra trong ngành giáo dục, một ngành cần nhiều người tài nhất.
Theo VnExpress