Mở rộng tự chủ đại học 27/08/2014 11:00:02

Cuộc họp giao quyền tự chủ đối với các trường ĐH sáng 26-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo đẩy nhanh việc giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho trường ĐH. 

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ đối với các trường ĐH công lập và dự thảo nghị quyết của Chính phủ về thực hiện thí điểm rộng hơn, mạnh hơn nữa trong giao quyền tự chủ cho các trường ĐH.

Cuộc họp cũng thảo luận về dự thảo đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với bốn trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT là ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngoại thương và ĐH Hà Nội.

Nhiều khi chúng ta cứ rụt rè

Các ý kiến của lãnh đạo các trường ĐH Bách khoa, Ngoại thương, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM tại cuộc họp đều thể hiện sự ủng hộ cao với việc giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các trường.

Đồng thời ngay trong quá trình thí điểm, cần nghiên cứu để có các đề án về tự chủ ĐH và đề án tài chính ĐH để ĐH VN thật sự tự chủ chứ không còn phải thí điểm.

Lãnh đạo trường ĐH Tôn Đức Thắng, một ĐH đã thực hiện tự chủ hoàn toàn từ năm 2008, bày tỏ cơ chế tự chủ đã giúp trường có được trên 1.000 cán bộ giảng dạy có chất lượng, tạo ra một tổng tài sản hơn 1.000 tỉ đồng trong sáu năm và sinh viên ra trường được thị trường lao động chào đón.

Trao đổi về hướng giao quyền tự chủ mạnh hơn cho các trường ĐH, các ý kiến xoay quanh việc tự chủ quyết định mức học phí, mở rộng các nguồn thu, tự chủ về bộ máy nhân sự, chế độ lương cho cán bộ giáo viên.

Trong đó, “quyền tự chủ về mặt chuyên môn như mở ngành, chuyên ngành đào tạo còn hạn chế” là thực tế được nhiều ý kiến trao đổi khi đề cập việc thí điểm giao quyền tự chủ cho các trường ĐH thời gian qua.

Ông Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế, cho rằng việc ban hành nghị quyết của Chính phủ về tự chủ ĐH sẽ thật sự là một bước đột phá cho giáo dục ĐH và đào tạo nguồn nhân lực vì tự chủ chính là đã làm đúng và tuân theo nguyên lý thị trường, thực hiện nguyên tắc cạnh tranh để nâng cao chất lượng.

“Không nên suy diễn việc vận hành nguyên lý thị trường là thương mại hóa giáo dục. Nhiều khi chúng ta vì thiên kiến nên cứ rụt rè dù đúng” - ông Thiên phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung thông tin bộ đang chủ trì sửa đổi nghị định 43 về quy chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó sẽ thay đổi cơ bản, tạo điều kiện cho các cơ sở công lập chuyển hẳn sang mô hình quản trị doanh nghiệp.

 Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết nghị quyết của trung ương và kết luận của Bộ Chính trị đã cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường ĐH được phép tham gia góp vốn, thực hiện cổ phần hóa và hoạt động như mô hình doanh nghiệp, do đó không có vướng mắc gì về mặt chủ trương, quan điểm.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thông tin ngoài nghị định 43 đang sửa đổi, Chính phủ sẽ ban hành các nghị định, quyết định để giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, không chỉ đối với giáo dục ĐH, mà cả trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu khoa học...

Theo đó, giai đoạn thí điểm cũng sẽ nhanh chóng được đánh giá tổng kết để thực hiện tự chủ cho toàn bộ các đơn vị, vấn đề là các cơ sở, đơn vị sẽ đón nhận và chuẩn bị như thế nào.

Đại học Kinh tế quốc dân - một trong bốn trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT - sẽ thí điểm cơ chế tự chủ - Ảnh: Nguyễn Khánh

Thí điểm rộng hơn, mạnh hơn

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, trường ĐH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: Đối với giáo dục ĐH, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho trường ĐH là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.

Thủ tướng khẳng định phải đẩy nhanh hơn, mạnh hơn việc giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho trường ĐH, từ tự chủ về tài chính, tự chủ lương và chi thường xuyên, chi đầu tư đến xây dựng bộ máy, nhiệm vụ đào tạo, chương trình, cấp bằng...

Theo đó, tùy theo mức độ tự chủ và cam kết thực hiện tự chủ, các trường sẽ thực hiện tự chủ về chương trình đào tạo, và tùy theo mức độ tự chủ về tài chính sẽ thực hiện tự chủ về bộ máy, nhân sự, tiền lương, thu nhập. Về đầu tư xây dựng cơ bản, sẽ phân cấp mạnh hơn cho các trường.

Về học phí, việc thực hiện thu học phí sẽ thực hiện theo chi phí trung bình tính đủ cho việc đào tạo một sinh viên ĐH công lập, đồng thời Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp học phí cho đối tượng là sinh viên nghèo, người có công, người dân tộc thiểu số và chính sách tín dụng cho vay ưu đãi đối với sinh viên thuộc đối tượng cận nghèo, khó khăn.

Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, trường ĐH tại cuộc họp để hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về thực hiện thí điểm rộng hơn, mạnh hơn trong giao quyền tự chủ cho các trường ĐH để đưa ra thảo luận và thông qua tại phiên họp Chính phủ tháng 8-2014.

Thủ tướng cũng lưu ý bên cạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cần hết sức quan tâm đến công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các trường ĐH nhằm đảm bảo các trường ĐH hoạt động theo đúng luật pháp.

V.HÀ - VV.THÀNH (THEO TUỔI TRẺ ONLINE)