Khẳng định lại quan điểm về việc hiệu phó
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Trần Văn Tớp bị nghi đạo văn, chuyên gia cho
biết đó là kế thừa kiến thức.
Trước thông tin trong
nội dung tố cáo PGS. Trần Văn Tớp – Hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội,
ngày 1/10 Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc riêng với tổ Bộ môn
Điện và Viện điện (thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) về những nội dung mà
ông Nguyễn Ngọc Thành đã tố cáo. Buổi làm việc gồm GS. Lã Văn Út, nguyên Trưởng
bộ môn Hệ thống điện, PGS. Nguyễn Đình Thắng, cùng nhóm chuyên môn với PGS.
Trần Văn Tớp, TS. Nguyễn Huy Phương, Viện trưởng Viện điện.
"Chép
giống nhau là đặc trưng của sách giáo khoa"
GS. Lã Văn Út, nguyên
Trưởng bộ môn Hệ thống điện (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, cuốn sách của
PGS. Võ Viết Đạn chỉ là một trong 4 tập bài giảng của một lớp kỹ sư đường dây
500Kv sau khi bộ môn đã tham gia thiết kế xây dựng. Bản thân GS. Út là một trong
4 người thầy dạy lớp đó, và ông hiểu rõ về bản chất vấn đề.
Buổi làm việc giữa phóng viên và GS. Lã Văn Út (bìa trái) và PGS. Nguyễn Đình Thắng. Ảnh Xuân Trung
Trao đổi với Giáo dục
Việt Nam, GS. Lã Văn Út cho biết đây không phải là cuốn giáo trình, do đó việc
có tố cáo, đánh giá là vô nghĩa, đây cũng không có nhà xuất bản nào đứng ra in
mà đây chỉ là tài liệu cho sinh viên chuyên ngành hệ thống điện. Nếu đúng về lý
để nói thì không còn gì là tố cáo nữa. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định thế nào
là sao chép giáo trình, khác hẳn với sao chép một luận án hay một đề tài nghiên
cứu.
Theo GS. Út, luận án, đề
tài nghiên cứu là công trình của cá nhân, thậm chí chỉ sao chép một định lý rồi
bảo đó là của mình thì không thể chấp nhận được. Nhưng đối với sách giáo khoa,
đó là tài liệu tập hợp những kiến thức của nhân loại và thường xuyên phải được
cập nhật mới, càng mới càng tốt để cho sinh viên học. Vậy theo GS. Út, việc
đánh giá thế nào là sao chép đã là khó.
“Những trường mới được
thành lập, sinh viên của chúng tôi về đó làm thầy, bắt sinh viên phải làm giáo
trình cho trường, vậy sinh viên phải làm thế nào ngoài việc chỉ còn cách chạy
đến lấy giáo trình các thầy. Do đó, nội dung cũng không khác tí gì vì sinh viên
chưa thể có kiến thức để cập nhật, hoặc cập nhật chưa kịp, đó là chuyện thường.
Chưa kể việc tính phần trăm về sự trùng lặp, cũng ít ý nghĩa vì đã là sách giáo
khoa là phải chuẩn, không ai dám thay đổi định lý đã tồn tại lâu, hay những
hình vẽ đã đẹp và chọn lọc, mình muốn vẽ khác đi cũng khó làm được” GS. Út cho
hay.
Đây là biên bản thẩm định giáo trình của PGS. Trần Văn Tớp từ năm 2007.
GS. Lã Văn Út cũng nói
thêm, ở sách giáo khoa chưa kể các câu của những giáo sư nước ngoài họ viết
ngắn gọn, xúc tích, cô đọng, vậy bảo cấm không được viết giống của các thầy có
nghĩa là chúng ta làm tồi đi. Do đó, việc kế cận tài liệu cũ là chuyện bình thường.
Theo GS. Út, những cái
hay, cái tốt từ tài liệu cũ thì phải lấy để viết. Giáo trình không thể có
chuyện cứ viết ra là dạy và trở thành giáo trình, do đó phải có sự thông qua
hội đồng giáo dục.
Qua câu chuyện này, GS.
Lã Văn Út cũng cho biết cuốn giáo trình của PGS. Võ Viết Đạn viết năm 1972 cũng
là lấy nội dung của các thầy người Nga. Nếu tính là sao chép thì cuốn giáo
trình này cũng khó nói là bản quyền của PGS. Đạn.
Theo GS. Lã Văn Út, cuốn
giáo trình của PGS. Tớp đã cập nhật được khá nhiều nội dung của cuốn tài liệu
năm 1993 và 1972, do đó việc cập nhật là bình thường và giống nhiều hay ít đối
với sách giáo khoa là bình thường.
“Do đó, muốn thay được
lời PGS. Đạn đâu có dễ. Việc cập nhật tài liệu đó là cần thiết. Ngoài ra, có
những phần giống là đặc trưng của chuyên môn, đặc trưng sách giáo khoa. Đôi khi
phải vận dụng những câu, những hình ảnh xúc tích vào quyển giáo trình mới. Có
thể khẳng định, cuốn giáo trình của PGS. Trần Văn Tớp là viết theo yêu cầu của
bộ môn, việc cập nhật là hiển nhiên, cập nhật theo tập tài liệu của PGS. Đạn là
hợp lý, đây không những là sản phẩm mới cần được đưa vào mà còn như một sản
phẩm chung của nhóm chuyên môn là đường dây siêu cao áp” GS. Út khẳng định.
Cũng trao đổi với chúng
tôi, PGS. Nguyễn Đình Thắng, cùng tổ chuyên môn với PGS. Trần Văn Tớp cho biết,
trước khi cuốn giáo trình của PGS. Tớp được thông qua thì nhóm chuyên môn phải
họp nhiều lần, thông qua các chuyên đề và góp ý để được ra sách.
Người
chết chắc cũng đồng tình?
Trở lại câu chuyện giống
và khác nhau ở điểm nào giữa cuốn giáo trình của PGS. Trần Văn Tớp và tập tài
liệu của PGS. Võ Viết Đạn, GS. Lã Văn Út cho rằng hai quyển này khá khác nhau.
Nhưng các chi tiết khác như như thế nào thì GS. Út cho biết không thể nhớ được.
Tuy nhiên, khẳng định
lại GS. Lã Văn Út cho rằng, kể cả giữa hai cuốn có sự trùng lặp nhau thì đối
với sách giáo khoa cũng không bị làm sao. Do đó, từ cuốn giáo trình của PGS.
Đạn viết năm 1972 chưa có nội dung cập nhập của cuốn năm 1993, như vậy PGS.
Trần Văn Tớp đã cập nhật trong cuốn giáo trình của mình hiện nay.
Theo GS. Lã Văn Út, ngay trong cuốn giáo trình của PGS. Võ Viết Đạn xuất bản năm 1972 nội dung thừa kế rất nhiều từ các giáo sư người Nga
“Công cập nhật này là
của ai, rõ ràng thầy Tớp đã có công cập nhật chuẩn, chính xác. Cái mà thầy Tớp
đã cập nhật được so với cuốn năm 1972 là Mô hình điện hình học dùng để tính
toán vùng bảo vệ chống sét và Chương về hiệu quả của việc phân pha giữa đường dân
cao áp và siêu cao áp để tăng hiệu quả truyền tải. Nếu thầy Tớp không cập nhật
thì sẽ không có ai cập nhật” GS. Út cho hay.
Đặt câu hỏi rằng, liệu
khi viết PGS. Trần Văn Tớp có nên để cùng tên với PGS. Võ Viết Đạn trên cuốn
giáo trình của mình? GS. Út cho biết, vì sao PGS. Đạn không tái bản sách vì từ
năm 1993 -2003 và không cập nhật. Trong thời gian viết chung PGS. Đạn cũng
không mời ai.
“Vậy PGS. Tớp viết thì
có nên để tên cùng không? Vấn đề này cũng suy nghĩ có nên và hợp ý PGS. Đạn hay
không? Do đó PGS. Tớp đã chú thích ở đầu rồi. Tôi có suy nghĩ bỗng dưng có PGS.
Đạn ở đây chắc ông ấy cũng hài lòng, vì những tài liệu của ông mà không có ai
cập nhật cũng sẽ biến mất. Nhưng thầy Tớp có cập nhật và có nhắc tên PGS.
Đạn rất trân trọng” GS. Út cho hay.
Trong khi đó, TS. Nguyễn
Huy Phương –Viện trưởng Viện điện (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết,
sau khi Viện nhận được đơn tố cáo cũng thấy có trách nhiệm và đã thông báo cho
các bộ trong Viện. Sau đó PGS. Trần Văn Tớp cũng đã có biên bản giải trình về
những gì mới, bổ sung trong quyển giáo trình 2007, và hiện tại Bộ GD&ĐT
đang trong quá trình thẩm tra hai cuốn này.
Về cuốn tập bài giảng
năm 1993 của PGS. Võ Viết Đạn, TS. Phương cho hay, cuốn này không xuất bản, do
đó không phải là tài liệu tham khảo, như vậy cuốn giáo trình của PGS. Trần Văn
Tớp không vi phạm bản quyền, việc được thực hiện đã có cả quy trình.
Được biết, ngày 16/9 vừa
qua sau khi nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Ngọc Thành, Viện điện đã có
cuộc họp với Bộ môn Hệ thống điện liên quan liên quan tới nội dung trên.
Hiện tại, theo đúng
trình tự Luật khiếu nại tố cáo, thanh tra Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận và đang
trong quá trình xác minh làm rõ vấn đề.
Chúng tôi tiếp tục thông tin về sự việc này.
Giáo trình của PGS. Trần Văn
Tớp ra đời như thế nào?
Nói về những nội dung mà
cuốn giáo trình của PGS. Trần Văn Tớp đã phát triển được những gì từ cuốn tài
liệu tập bài giảng của PGS. Võ Viết Đạn, GS. Lã Văn Út cho biết khởi nguồn ra
đời cuốn giáo trình của PGS. Trần Văn Tớp. Từ những năm 1990 đã có sự giao lưu
tài liệu trong và ngoài nước, trong khi đó bộ môn điện tham gia thiết kế xây
dựng đường dây siêu cao áp 500Kv, do đó bộ môn rất cần cập nhật những kiến thức
về cao áp và siêu cao áp.
Lúc đó thu thập, cập
nhật các tài liệu mới khá nhiều, do đó cuốn tài liệu 1993 của PGS. Võ Viết Đạn
giống như một thành quả của việc tiếp thu kiến thức mới cập nhật mà cuốn giáo
trình năm 1972 chưa có. Cũng năm 1993 ngành điện muốn Bộ môn điện đào tạo cho
một lớp kỹ sư vận hành lưới điện quốc gia, các trạm 500Kv. Trong hợp đồng ký
với ngành điện lúc đó yêu cầu phải có tài liệu giảng cho học viên. Theo lời GS.
Út, lúc đó PGS. Võ Viết Đạn có tặng cuốn tài liệu (tập bài giảng năm 1993) cho
PGS. Trần Văn Tớp với ý: “Cứ cập nhật nội dung này vào bài giảng trên lớp dạy
kỹ sư đó”.
Lúc đó GS. Lã Văn Út đề
nghị tổ chuyên môn cho tái bản quyền giáo trình năm 1972 của PGS. Đạn để cập
nhật thông tin, cho tới sau năm 1993 PGS. Võ Viết Đạn cũng chưa có ý muốn tái
bản cuốn giáo trình của mình thì tới năm 2003 PGS. Đạn qua đời. Cho tới sau này
nhóm cao áp vẫn thiếu một cuốn giáo trình cập nhật. Do đó, khoảng năm 2006 GS.
Lã Văn Út có đề nghị PGS. Trần Văn Tớp, PGS. Nguyễn Đình Thắng và một số người
khác nên viết chung hoặc như thế nào đó để ra được cuốn giáo trình cập nhật
kiến thức mơi, và cuốn giáo trình của PGS. Trần Văn Tớp ra đời trong hoàn cảnh
đó vào năm 2007.
Theo báo Giáo dục Việt Nam