Những điểm mới trong tuyển sinh 2013 16/01/2013 11:32:52

 

Tạm dừng tuyển sinh khối ngành kinh tế, SV liên thông phải đợi 36 tháng, trường năng khiếu được tuyển sinh riêng… là những điểm mới trong mùa tuyển sinh 2013.

Tạm dừng tuyển sinh khối ngành kinh tế

Trong một cuộc họp về công tác thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực và đào theo theo nhu cầu xã hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết từ năm 2013 sẽ tạm dừng mở các ngành đang thừa “đầu ra” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép mở các trường đại học đào tạo các ngành này.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2010, tỷ lệ đăng ký tuyển sinh nhóm ngành kinh tế - tài chính chiếm 36,57% tổng số 8 nhóm ngành. Năm 2011, trong số 416 trường ĐH, CĐ thì có đến 248 trường tuyển sinh một trong bốn ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng và kế toán.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng chia sẻ, chỉ có các trường vốn chuyên về đào tạo kinh tế mới được xem xét mở thêm các ngành này. Các trường đào tạo “trái tay” sẽ không được duyệt mở ngành. Động thái này của Bộ được cho là sẽ giúp giải quyết vấn đề sinh viên kinh tế ra trường khó xin việc, tỷ lệ thất nghiệp cao.

Từ năm 2013 sẽ tạm dừng mở các ngành đang thừa “đầu ra” (Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng)

Học phí các ngành kinh tế sẽ cao hơn

Cũng là một động thái nhằm hạn chế nguồn nhân lực khối ngành kinh tế, tài chính, theo đề án phân bổ ngân sách ngành giáo dục 2013, Bộ sẽ chia các trường thành 3 nhóm: tự đảm bảo chi phí hoạt động, tự đảm bảo một phần và do nhà nước chi toàn bộ.

Trong đó, có 7 trường ĐH khối kinh tế, tài chính thuộc nhóm 1 sẽ phải tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên. Nhóm 2 gồm 37 trường (có cả các trường sư phạm) sẽ được Nhà nước “rót” 60-70% chi phí hoạt động thường xuyên. Trường thuộc khối văn hóa, thể thao được nhận 50-70%. Thấp hơn là các trường khối nông – lâm – ngư từ 30-50% và khối công nghệ - kỹ thuật nhận 20-40% kinh phí. Có 7 trường thuộc khối hữu nghị, vùng cao và dự bị dân tộc sẽ được 100% ngân sách hỗ trợ.

Theo Phó vụ trưởng Vụ hành chính sự nghiệp - Bộ Tài Chính Nguyễn Trường Giang, do Bộ chủ trương không mở thêm nhóm ngành tài chính, ngân hàng nhưng các trường đào tạo cũ vẫn muốn tuyển, xu hướng xã hội vẫn đổ xô vào các ngành này nên cần “ép” tự giảm dần chỉ tiêu bằng cách tăng học phí. Ông Giang cho biết, những SV theo học khối ngành này sẽ “không được trợ giá nữa” mà sẽ phải đóng toàn bộ học phí. Ngân sách Nhà nước sẽ dành để hỗ trợ các ngành nông lâm, y dược, kỹ thuật và sư phạm.

SV Cao đẳng học liên thông phải thi đại học

Theo Thông tư quy định về đào tạo liên thông ĐH, CĐ, từ ngày 7/2/2013, những SV Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng nghề, Cao đẳng tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng muốn học liên thông ĐH phải thi chung kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức hằng năm. Những SV đã tốt nghiệp đủ 36 tháng sẽ được thi theo đề thi của trường ĐH đăng ký dự thi và điểm trúng tuyển do trường quyết định.

Được biết, quy định mới về liên thông ĐH, CĐ này nhằm mục đích nâng chất đào tạo liên thông vốn bị cho là “cưỡi ngựa xem hoa”, “học vì bằng cấp”. Tuy vậy, Thông tư này đã vấp phải những ý kiến trái chiều từ dư luận cũng như những người trong cuộc.

10 trường năng khiếu được tuyển sinh riêng

Từ năm 2013, 10 trường văn hóa, nghệ thuật được tuyển sinh riêng (Ảnh minh họa)

Từ năm 2013, Bộ GD-ĐT cho phép 10 trường văn hóa, nghệ thuật được tuyển sinh riêng, không phải theo “ba chung” của Bộ.

Theo đó, 10 trường được lựa chọn tuyển sinh riêng nếu có tuyển sinh các ngành khối C thì xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ chung của Bộ.

Các trường có tuyển sinh khối H, N, S, môn Ngữ văn sẽ được xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; môn năng khiếu sẽ do hiệu trưởng các trường quyết định. Để tổ chức thi các môn năng khiếu, các hiệu trưởng lập đề án trình Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phê duyệt, báo cáo Bộ GD-ĐT trước ngày 31/1/2013. Dự kiến thời gian các trường này tổ chức thi sẽ vào khoảng từ ngày 1/7 đến 31/7.

Xem xét hạ điểm sàn ngành nông, lâm, ngư…

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết quyết định hạ điểm sàn đối với thí sinh thi vào các trường thuộc khu vực Tây Nam bộ, Tây nguyên, Tây Bắc được áp dụng năm 2012 đã giúp các trường ở khu vực này tuyển thêm được 5% thí sinh. Vậy nên, Bộ dự định trong hội nghị tuyển sinh sắp tới sẽ đề xuất và bàn bạc với hiệu trưởng các trường ĐH xem có nên áp dụng hạ điểm sàn với những ngành khó tuyển như nông, lâm, ngư… hay không. 


Theo Nguyễn Thảo (Vietnamnet)