Một số trường ngoài công lập băn khoăn với phương án 2 điểm sàn 05/04/2013 09:51:14
Về dự kiến 2 mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT, ông Văn Đình Ưng - Trưởng ban Thông tin của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL - ghi nhận thiện chí của Bộ GD&ĐT trong việc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các trường NCL.
 
Thí sinh thi ĐH 2012. Ảnh: NN
 
Ông Ưng cũng cho rằng, vì có hai mức điểm sàn nên phải làm thế nào đó tuyên truyền để xã hội hiểu, mức điểm đó vẫn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển và những học sinh đạt được mức đó không phải là học sinh kém.

Tuy nhiên, thông tin về ý kiến nhiều trường ĐH NCL trong cuộc họp sáng nay (4/3) về vấn đề tuyển sinh, ông Ưng cho hay, các trường còn băn khoăn với dự kiến điểm sàn này:

”Chúng tôi đã đọc được ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, trong đó có ý, mức điểm sàn dưới sẽ dôi ra khoảng 200 nghìn thí sinh, trong khi nguồn tuyển thiếu là 50 nghìn. Rõ ràng, cách làm này sẽ làm tăng nguồn tuyển.

Tuy nhiên, nhiều trường băn khoăn nếu mình chọn mức điểm sàn thấp, vô hình dung họ thấy mình bị phân biệt, xã hội sẽ coi mình giống như những “công dân hạng 2”. Đó là điều mà không trường nào mong muốn”.

“Nếu cộng tất cả chỉ tiêu của các trường được công bố trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 Nhà xuất bản Giáo dục VN vừa xuất bản, tổng số chỉ tiêu năm nay vào khoảng 643 nghìn, trong đó chỉ tiêu các trường công lập vào khoảng 513 nghìn.

Số thí sinh chuẩn bị tốt nghiệp THPT năm nay ước chưa đến 1 triệu em. Số này vượt qua kỳ thi tốt nghiệp được khoảng 900 nghìn. Lọc qua kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ nữa, số đạt từ sàn trở lên chưa chắc đã đảm bảo đủ tổng chỉ tiêu Bộ cho các trường năm nay. Thêm đó, các trường công lập lại được phép tuyển dôi dư từ 5-6% chỉ tiêu, như vậy,  trường NCL sẽ không còn nguồn tuyển” – Ông Ưng phân tích.

Theo ông Ưng, các trường mong rằng làm sao điểm sàn không cần phải hai mức nhưng vẫn dôi dư nguồn tuyển. Để thực hiện điều này, cần có những thay đổi trong cách ra đề thi cũng như đáp án chấm cho phù hợp.

Ví dụ, các ý kiến cho rằng, đề thi ĐH tất nhiên phải khó hơn thi tốt nghiệp nhưng không nên cách nhau quá xa. Tỷ lệ độ tốt nghiệp vào khoảng 90% thì đề thi ĐH cũng nên chọn  được khoảng 80%. Hoặc trong đáp án chấm điểm, với các câu khó để chọn ra học sinh giỏi, thông thường cho 2 điểm thì nay chỉ nên cho 1 điểm, còn tăng điểm lên đối với những câu trung bình. Điểm sàn không đánh giá chất lượng thấp hay cao mà chủ yếu để tạo một ngưỡng cho các trường tuyển từ cao xuống thấp sao cho đủ chỉ tiêu.


Theo: Giáo dục và thời đại