Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, dự kiến từ sau 2015, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 2 môn, xóa bỏ kỳ thi ĐH… Dù hoan nghênh chủ trương cải cách giáo dục này nhưng một số chuyên gia lại tỏ ra lo lắng, nếu không có cách làm hợp lý sẽ xuất hiện cuộc đua mới của phụ huynh: “chạy” học bạ đẹp cho con.
Kỳ thi ĐH hiện nay được đánh giá là vất vả, tốn kém cho cả phụ huynh và học sinh. Ảnh: H.N
Đáng ra phải bỏ từ lâu
Theo Ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, mặc dù có nhiều cải tiến nhưng nhìn chung kỳ thi ĐH của chúng ta còn lạc hậu từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện đến quy trình, cách thức xử lý, sử dụng kết quả. Vì vậy, việc đổi mới được nhấn mạnh vào hai kỳ thi đang gây bức xúc nhất trong dư luận là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo đó, sau năm 2015, công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng giảm số môn thi tốt nghiệp và trao quyền tự chủ tuyển sinh cho trường đại học.
Cụ thể, với bậc phổ thông, học xong môn nào thì đánh giá luôn kết quả đạt chuẩn đầu ra môn đó. Kỳ thi cuối cùng (thi tốt nghiệp) đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực, môn học để giải quyết một vấn đề chung theo hai lĩnh vực lớn là khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên. Hoặc cũng có thể chỉ thi hai môn toán và ngữ văn.
Về tuyển sinh đại học, cao đẳng, các trường tự tổ chức tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, có thể kiểm tra thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành, mỗi trường.
PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh) nhận định, kỳ thi 3 chung hiện nay có quá nhiều bất hợp lý. Mỗi học sinh có mục tiêu khác nhau nên không nhất thiết phải thi chung một đề. Chẳng hạn, cũng là thi toán khối A nhưng thí sinh thi vào ĐH Sư phạm là để sau này đi dạy phổ thông. Thí sinh thi toán vào ĐH Bách khoa để làm kĩ sư và người thi vào ĐH Ngân hàng là để tính toán, thi vào ĐHQG để làm nhà nghiên cứu… Theo ông Cương, kỳ thi như thế rất buồn cười và ông đồng ý với việc bỏ thi ĐH hình thức 3 chung vì đáng ra nó đã phải bỏ từ lâu.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông hiện có nhiều kiến thức chồng chéo, lặp đi lặp lại ở các khối lớp. Chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 dự kiến sẽ được thiết kế với số lượng môn học và thời lượng học ít hơn. Mục tiêu của việc thiết kế chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 được điều chỉnh theo hướng chú trọng dạy cái gì, dạy như thế nào chứ không chú tâm dạy được bao nhiêu như hiện nay. Dự kiến, giáo dục phổ thông sau năm 2015 có cấu trúc hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (gồm Tiểu học và THCS), giai đoạn 2 là bậc THPT nhằm tiếp tục hoàn thiện nhân cách và giáo dục phân hóa để định hướng nghề nghiệp.
Cuộc đua chạy điểm?
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã từng chia sẻ, không thể phủ nhận phương thức 3 chung cũng có những ưu việt nhưng cái được ngày càng thu hẹp đi và ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Ngoài ra, nhược điểm của 3 chung cũng rất lớn: Mỗi trường có một đặc trưng, mỗi ngành nghề có một đặc thù nhưng khi đã “gom” họ lại để làm chung thì lúc đó các trường sẽ không thể phát huy được những yếu tố đặc biệt của từng trường.
Còn theo PGS Văn Như Cương, với phương án đổi mới trên đây, sẽ có một số vấn đề quan trọng được đặt ra: Làm thế nào để có kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc, đánh giá đúng năng lực học sinh để các trường ĐH, CĐ khi cầm học bạ có thể công nhận với trình độ này, các em có thể tiếp tục học đại học. “Nếu tôi nhớ không nhầm, thời GS Phạm Minh Hạc còn làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông đã quyết có một kỳ thi (tốt nghiệp THPT) nghiêm túc. Năm đó, hầu hết các địa phương chỉ đỗ khoảng 65% và ai cũng thấy bình thường. Tuy nhiên, có một địa phương đột nhiên đỗ hơn 90% và vị giám đốc sở ấy sau này xấu hổ đến mức phải trốn đi vì với lực học của học sinh ở địa phương lâu nay bình thường, không thể có kết quả cao vọt lên thế. Tôi nói điều này để thấy rằng, làm sao để giáo dục chống được bệnh thành tích ngay từ đầu mới có kết quả thi tốt nghiệp thật”, thầy Cương nói.
Thứ hai, theo một số giáo viên, nếu xét tuyển ĐH thì kết quả học phổ thông của học sinh vô cùng quan trọng. Như vậy, nếu làm không công tâm, nhiều khả năng sẽ đẩy các bậc phụ huynh vào cuộc đua “chạy” điểm, “chạy” học bạ sao cho đẹp hoặc học sinh lại cấp tập học thêm ở bậc phổ thông… Chưa kể đến việc nếu cho phép các trường xét tuyển, sẽ có nhiều trường- đặc biệt trường ngoài công lập sẽ chỉ xét tuyển đầu vào qua học bạ phổ thông dẫn đến chất lượng đầu ra kém.
(Theo: Hạnh Nguyên - Giadinh)