Cô giáo 82 tuổi: Không cần che giấu nước mắt khi nghe giảng 17/01/2013 10:10:34

 

- Bởi theo cô Đàm Lê Đức, những giọt nước mắt rơi khi nghe cô giảng bài là những giọt nước mắt nhận thức và thấu hiểu nên nó vô cùng quý giá.

Dù đã 82 tuổi, cô Đàm Lê Đức vẫn bận rộn với công tác giảng dạy của mình. Đặc biệt hơn hết, đó là những bài học về đạo đức khiến nhiều teen cảm động. Cùng Tiin trò chuyện với cô Đức để hiểu rõ hơn về những tiết học này nhé!

Em chào cô ạ! Ở tuổi 82 khi nhiều người an hưởng tuổi già bên con cháu thì cô lại đi dạy. Lý do gì khiến cô vẫn tiếp tục công việc của mình?

Đối với cô, dạy học là một niềm say mê. Cô rất yêu trẻ con, mỗi lần nhìn thấy trẻ là chỉ muốn xoa đầu thôi! Dạy để khám phá, trải nghiệm, học hỏi và khẳng định mình sống tốt, yêu đời, yêu nghề. Đó là một niềm vui.

Vậy cô dự định đến khi nào sẽ "gác phấn"?

Đến năm 90 tuổi, cô sẽ chia sẻ bớt công việc điều hành và quản lý với các thành viên khác. Cô chỉ dừng lại ở mức cố vấn thôi. Riêng việc dạy học, cô vẫn sẽ tiếp tục dạy, dạy đến khi nào mình không thể đứng lớp nữa mới thôi.

 

Cô Đàm Lê Đức

Tại sô cô lại lựa chọn dạy môn Đức dục mà không phải là dạy Toán đúng với chuyên môn của mình?

Mặc dù chuyên môn của cô là Toán, nhưng nếu dạy Toán thì cô có thể nhờ những thầy cô khác dạy thay, và mình dùng thời gian đó để suy nghĩ về những đường lối, hướng phát triển cho trung tâm, cho trường như vậy sẽ tốt hơn. Dạy đạo đức vì cô nghĩ đó là một môn học rất cần thiết với tất cả mọi người, nhất là đối với các bạn trẻ.

Cảm nhận của cô về quá trình tiếp thu môn học này của các bạn trẻ như thế nào thưa cô?

Trước khi tham gia lớp học, nhiều bạn thường có những suy nghĩ không đúng về những giá trị tình cảm gia đình. Ví dụ, có một số bạn nghĩ rằng, cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, cung phụng cho mình. Các bạn cũng không tưởng tượng được về công lao dưỡng dục của cha mẹ lớn như thế nào. Nhưng chính từ những bài giảng, những ví dụ và chứng minh thực tế thì các bạn dần hiểu ra. Trong những bài thu hoạch sau giờ giảng có nhiều bạn chia sẻ rằng: Tại sao con không được học cô sớm hơn, như vậy con đã thay đổi từ sớm.

 

Cô Đức trong buổi sinh hoạt với học sinh của trường

Em thấy có nhiều bạn nói rằng đã khóc khi nghe những bài giảng của cô...

Chuyện các bạn khóc khi nghe giảng là chuyện thường xảy ra. Cả con trai cũng khóc, nhưng các bạn ấy khéo léo lấy tay quệt nước mắt không cho mình thấy. Lúc đó, cô mới chia sẻ với các bạn rằng, không cần phải che giấu những giọt nước mắt ấy, khi mình đã hiểu những giá trị về đạo đức đâu con ạ!

Không ít các bạn trẻ hiện nay lơ là với các giá trị đạo đức. Thậm chí có bạn còn lên mạng dùng những lời lẽ không hay nói về ba mẹ, thầy cô và người thân. Ở góc độ, của một nhà giáo lão thành, gắn bó nhiều năm với công tác giảng dạy, ý kiến của cô thế nào vấn đề này?

Cô nghĩ vấn đề giáo dục tại gia đình rất quan trọng. Có không ít bạn chia sẻ rằng, ba mẹ lo đi làm suốt, kiếm thật nhiều tiền mà không dành thời gian cho các bạn. Các bạn muốn có được một bữa ăn chung với gia điình, muốn có được những cuộc nói chuyện thân mật cũng khó. Trẻ thì luôn nghĩ mình lớn hơn độ tuổi đó, còn ba mẹ thì nghĩ trẻ vẫn còn nhỏ so với độ tuổi thực tế. Ví dụ, trẻ 13 tuổi thì nghĩ mình đã 15 tuổi, còn ba mẹ thì nghĩ trẻ chỉ mới 10 tuổi. Chính vì vậy mà khoảng cách giữa hai thế hệ cứ dài ra.

Bố mẹ cần phải gương mẫu và làm tấm gương tốt trong quá trình giáo dục con cái. Cần kèm cập theo sát và định hướng cho các bạn.

 

Cô Đức và Giáo sư Trần Văn Khê trong buổi nói chuyện với học sinh

Như vậy, giáo dục ở nhà trường là không đủ...

Đúng vậy. Cần có sự giáo dục của gia đình và yếu tố này rất quan trọng. Có lần thấy bố mẹ đưa trẻ đến trung tâm. Sau khi xuống xe thì các bạn chạy một mạch vào lớp, hay từ lớp học ra thì nhảy tót lên xe ngồi, không có những hành động, lời nói cảm ơn bố mẹ, thì cô có trò chuyện với các bạn điều này. Có bạn thay đổi, khi bố đến đón thì ôm cổ nói cảm ơn bố, nhưng ngược lại ông bố càu nhàu và tỏ vẻ không hài lòng. Chính vì vậy, mà cô đã thành lập ra Câu lạc bộ cha mẹ và nhờ các thành viên của Hội quán các bà mẹ đến chia sẻ về cách giáo dục con cái. Không chỉ làm thay đổi nhận thức của trẻ mà cả phía gia đình cũng phải có những thay đổi về cách giáo dục con cái, như vậy mới đạt được hiệu quả.

Cô nghĩ cách dạy có tác động như thế nào đối với việc tiếp thu những bài giảng của những bạn trẻ?

Nó có tác động rất lớn. Tùy đối tượng mà mình có những cách giảng dạy khác nhau. Vì vậy mà có nhiều người ngạc nhiên khi thấy cô cùng nói về một vấn đề nhưng lớp này thì giảng bằng vấn đề thế này, lớp kia thì giảng bằng cách khác.

Cô có thể chia sẻ bí quyết giúp cho những bài giảng của mình vừa sinh động lại vừa sâu sắc được không?

Mình phải có sự say mê. Nói bằng tất cả tấm lòng yêu thương của mình, phải nhuyệt huyết trong bài giảng. Chưa bao giờ cô đến lớp mà ngồi giảng trừ những lúc điểm danh. Thầy cô cần coi giáo dục không phải là nghề mà là một sứ mạng. Phải dạy cho trẻ có một trái tim nhân hậu, tấm lòng trung thực, bộ óc bén nhạy và không ngừng khám phá và khả năng vận dụng lý luận vào thực hành.

 

Giao lưu cùng với học sinh

Nhiều bạn nói rằng, khi nghe cô giảng, các bạn ấy rất thích và thấy thú vị vì cô hay đọc thơ khi giảng bài. Cô thích thơ hay còn có lý do nào khác?

Cô thích thơ lắm. Ngày xưa dạy toán, cô thường biến những công thức toán thành những bài thơ, giúp cho học trò dễ hiểu và nhớ lâu. Không chỉ trong những bài giảng mà trong những buổi sinh hoạt với học trò, đồng nghiệp... cô cũng thường hay đọc thơ. Những buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt với các bạn học sinh cô đều làm một bài thơ tặng các bạn. Chính vì vậy, các bạn học trò đều mong đến thứ hai gặp cô Đức nghe cô đọc thơ.

Em cảm ơn cô. Chúc cô thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp trồng người của mình!


Theo tiin.vn