Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH 30/01/2013 09:25:17

Hàng loạt các biện pháp được Bộ GD&ĐT đưa ra nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH năm 2013.

Tâm cử nhân Trường ĐH Nguyễn Trãi. Ảnh: gdtd.vn
Tâm cử nhân Trường ĐH Nguyễn Trãi. Ảnh: gdtd.vn

Trước hết là đổi mới cách tiếp cận quản lý chất lượng đào tạo, thay thế cho chương trình khung bằng khối lượng kiến thức tích lũy được và yêu cầu về năng lực người học đạt được qua mỗi chương trình, trình độ đào tạo; khuyến khích các trường xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng chương trình đào tạo theo hai hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng; xây dựng và ban hành các quy định cụ thể về chương trình đào tạo „chất lượng cao“; tổng kết, đánh giá triển khai thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đối với chương trình đào tạo chất lượng cao; triển khai thành lập tổ chức kiểm định chất lượng, quy trình đảm bảo chất lượng theo các văn bản đã được ban hành, từng bước thực hiện kiểm định chương trình, cơ sở GD ĐH.

Tổng kết công tác triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ; hoàn thiện hệ thống các quy định tổ chức đào tạo theo tín chỉ như hình thành hệ thống cố vấn học tập và đội ngũ trợ giảng, đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; tăng cường cơ sở hạ tầng, hệ thống phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm; cải cách phương pháp đánh giá, thi và kiểm tra nhằm chấm dứt tình trạng tiêu cực khác trong thi cử; phát triển các phần mềm phục vụ công tác tổ chức quản lý đào tạo hiệu quả, thống nhất. Các cơ sở GD ĐH tổng kết, đánh giá thực hiện đào tạo theo tín chỉ, xây dựng lộ trình và cam kết thực hiện đào tạo theo tín chỉ.

Tiếp tục giảm chỉ tiêu vừa làm vừa học, giảm chỉ tiêu đào tạo liên thông chính quy. Chỉ tiêu đào tạo vừa học còn 50% tổng chỉ tiêu đào tạo; chỉ tiêu đào tạo liên thông chính quy nằm trong tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy và không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy do nhà trường xác định theo quy định. Ưu tiên dành chỉ tiêu vừa làm vừa học cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và những nơi có nhu cầu nguồn nhân lực lớn. Sửa đổi, ban hành các quy chế mới nhằm chấn chỉnh hệ đào tạo VLVH, liên thông nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đổi mới đào tạo từ xa gắn chặt với công nghệ kiểm tra, đánh giá, đặc biệt để kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu ra, sử dụng đội ngũ các chuyên gia giỏi, có kiến thức sư phạm vững vàng tham gia xây dựng và phát triển các chương trình, học liệu cho đào tạo từ xa.

Sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo sau đại học theo quy định của Luật GD ĐH; xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ theo hai hướng nghiên cứu và ứng dụng; giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ cho các cơ sở GD ĐH trong khuôn khổ đề án 911; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế với đào tạo SĐH; rà soát lại chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; nâng cao chất lượng luận văn, luận án thông qua quy trình đăng ký công khai, minh bạch; khuyến khích các nhà khoa học nước ngoài tham gia hướng dẫn, phản biện công trình công bố hoặc phản biện luận án tiến sĩ. Tiếp tục rà soát, kiểm tra các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, dừng tuyển sinh và đào tạo đối với những ngành, chuyên ngành không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng; tiếp tục triển khai thẩm định luận án tiến sĩ, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của quy chế đào tạo tiến sĩ. Giảm mạnh chỉ tiêu SĐH các ngành đã vượt nhu cầu xã hội như quản lý giáo dục... Triển khai hoạt động các trung tâm đào tạo tiền tiến sĩ.

Hoàn thiện cơ chế tuyển sinh đào tạo theo nhu cầu xã hội dựa trên nhu cầu trực tiếp của các địa phương, doanh nghiệp. Nghiêm cấm việc lợi dụng chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội để trục lợi, đào tạo không đúng mục đích sử dụng. Tổ chức đánh giá thực hiện chính sách đặc thù đào tạo nhân lực cho Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, khu kinh tế Vũng Áng; rút kinh nghiệm mô hình đào tạo nhân lực cho khu công nghiệp tập trung để nhân rộng, triển khai cho các khu công nghiệp khác.

Quy hoạch nhân lực cho ngành sư phạm; sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm trong cả nước; điều chỉnh chỉ tiêu các trường sư phạm phù hợp với quy hoạch, tiến tới tình trạng đào tạo vượt quá nhu cầu gây lãng phí như hiện nay; nâng cao năng lực của các trường sư phạm, nhất là các trường sư phạm trọng điểm quốc gia, làm đầu tàu cho việc đào tạo giáo viên giỏi, phục vụ cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông. Đẩy mạnh tốc độ triển khai đề án 911 đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường ĐH, CĐ, nâng cao ý thức và vai trò, trách nhiệm của các cơ sở GD ĐH trong thực hiện đề án; đề xuất Chính phủ về xây dựng khung lương mới tương ứng với 5 bậc giảng viên ĐH; khuyến khích các cơ sở GD ĐH có cơ chế đãi ngộ đối với giảng viên trình độ cao; tạo điều kiện để những cán bộ là tiến sĩ, PGS, GS kéo dài thời gian công tác chuyên môn để đào tạo lực lượng cán bộ thay thế theo quy định của Luật GD ĐH. Triển khai đề án đào tạo giáo viên quốc phòng an ninh cho các trường ĐH, CĐ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thay thế dần giáo viên bán chuyên trách để nâng cao chất lượng giảng dạy quốc phòng an ninh trong tình hình mới.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH, quan tâm đến khoa học phát triển giáo dục, đổi mới quản lý của ngành. Hình thành các nhóm nghiên cứu, giảng dạy mạnh ở các trường ĐH trọng điểm làm đầu tầu hoạt động NCKH của cơ sở; đảm bảo sự bình đẳng giữa các trường công lập và ngoài công lập. Đẩy mạnh công tác phối hợp quản lý hoạt động khoa học và công nghệ giữa Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp, ưu tiên trong phê duyệt và giao những đề tài, nhiệm vụ có sự tham gia, đóng góp, phối hợp thực hiện của địa phương, doanh nghiệp, đề tài có tính ứng dụng. Công khai minh bạch trong quản lý, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp Bộ được thực hiện rộng rãi, công khai; việc phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ đã được đổi mới triệt để theo các tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ KHCN, khắc phục cơ bản tình trạng tồn đọng, lập lại kỷ cương trong nghiên cứu.

Tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế để xây dựng những dự án lớn có tầm cỡ nhằm phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt, tạo ra những chính sách có tác động lan tỏa tới toàn hệ thống hướng đến sự phát triển bền vững đảm bảo sự công bằng, chất lương và hiệu quả. Khuyến khích các cơ sở GD ĐH đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức đào tạo và nghiên cứu ở nước ngoài, hướng vào thực hiện tiếp nhận chương trình  đào tạo, phương pháp và công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về giáo dục đặc biệt đối với công nhận văn bằng. Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật triển khai một số chương trình, đề án hợp tác với nước ngoài của Bộ về GD ĐH. Tổ chức tập huấn công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế; triển khai nghị định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục cho các trường ĐH, CĐ và các địa phương trong cả nước nhằm cung cấp cập nhật thông tin, hướng dẫn cho cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cán bộ cả về chuyên môn và ngoại ngữ.

Đổi mới cơ chế tài chính GD ĐH, xây dựng mức chi phí đào tạo của các ngành khác nhau trên cơ sở đó xác định mức học phí và đầu tư của nhà nước; thí điểm cơ chế học phí và hỗ trợ tài chính mới để xã hội hóa những ngành có quy mô đào tạo lớn hơn nhu cầu nhân lực và khuyến khích những ngành nhà nước cần phát triển. Xây dựng cơ chế tài chính đối với các trường ngoài công lập để khuyến khích các trường hoạt động không vì lợi nhuận. Tiếp tục triển khai chương trình tín dụng sinh viên, hỗ trợ cho sinh viên nghèo được vay vốn ưu đãi chi trả học phí và các chi phí khác. Phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội và các ban ngành liên quan tổ chức kiểm tra liên ngành về tín dụng đào tạo, đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng đối tượng. Sửa đổi, bổ sung quy định về miễn giảm học phí đối với đối tượng sinh viên học sinh được hưởng chính sách để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phối hợp với các bộ ngành điều chỉnh các quy định về tài chính cho đào tạo SĐH. Tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo SĐH, nhất là các chuyên ngành liên quan đến thí nghiệm, thực nghiệm. Lập quy hoạch phát triển tổng thể của các trường ĐH, CĐ và các đơn vị; gắn việc quy hoạch xây dựng với đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo; đầu tư tập trung có trọng điểm cho sự phát triển chung của toàn hệ thống; đầu tư dứt điểm hoàn thiện các công trình trọng điểm của ngành, giảm thiểu lãng phí xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư. Thực hiện xã hội hóa đối với GD ĐH, huy động mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo và nghiên cứu khoa học; sử dụng có hiệu quả hệ thống các phòng thí nghiệm, mở rộng mạng lưới thư viện điện tử tại các cơ sở GD ĐH, khai thác có hiệu quả các nguồn học liệu. Rà soát để tham mưu cho Chính phủ quyết định các chương trình, đề án, dự án đầu tư TBĐT, thư viện cho các trường theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa theo lộ trình thích hợp, đảm bảo tính trọng điểm, hiệu quả và khả thi.

Phát huy tác động lan tỏa tích cực của Chương trình tiên tiến (CTTT) sang các khoa, ngành, các trường khác; triển khai kiểm định chất lượng đối với các chương trình này; xây dựng đề án mở rộng CTTT theo yêu cầu của Chính phủ. Triển khai đề án Ngoại ngữ quốc gia trong các trường ĐH, CĐ. Trước mắt tập trung rà soát, đánh giá năng lực ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên trong các trường ĐH chuyên ngữ và đại học trọng điểm quốc gia, từ đó có cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên. Đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo để sinh viên đạt chuẩn đầu ra theo yêu cầu của đề án. Triển khai chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2011-2020, trọng tâm là quy hoạch, củng cố mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng cường rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và đổi mới phương pháp đào tạo, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, rèn luyện năng lực tự học của sinh viên. Thay đổi cách tiếp cận, mô hình quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của dự án đại học theo định hướng nghề nghiệp; đổi mới cách thức tiếp cận, xây dựng dự án GD ĐH giai đoạn 3, hoàn thành báo cáo xây dựng dự án và tài liệu dự án theo tiến độ.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh trong các hoạt động học tập và rèn luyện của HSSV gắn với các cuộc vận động khác của ngành. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý HSSV, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động đoàn hội, đánh giá kết quả rèn luyện đối với HSSV trong điều kiện đào tạo theo tín chỉ. Giáo dục đạo đức, lối sống, hoài bão thanh niên, nắm bắt và định hướng tư tưởng chính trị của sinh viên; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức của sinh viên; ngăn chặn bạo lực học đường; phát huy vai trò của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trong các hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh để giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống cho HSSV. Rà soát hệ thống các trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh hiện có; nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng an ninh cho HSSV, nghiên cứu thành lập bổ sung các trung tâm mới ở những địa bàn tập trung HSSV, thỏa mãn nhu cầu đào tạo.

theo: gdtd.vn