Chuyện dạy con ở nhà có hai bộ trưởng 20/02/2013 09:05:01
Những gia đình hiếm hoi mà cả cha và con đều có thời làm bộ trưởng, như gia đình ông Đoàn Mạnh Giao. Nhưng những người con cũng phải chịu nhiều áp lực trước cái bóng của người tiền nhiệm đồng thời là cha đẻ của mình.
 
Ở Việt Nam, chỉ có hai gia đình mà cả cha và con đều cùng giữ cương vị bộ trưởng ở cùng một bộ: gia đình cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (con trai là Phạm Bình Minh - Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm) và cố bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng chính phủ) Đoàn Trọng Truyến.

Dưới đây là những câu chuyện rất riêng tư mà nguyên Bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Đoàn Mạnh Giao chia sẻ về người cha Đoàn Trọng Truyến của mình.

Những điều học được và không học được

Cha tôi vừa là một chính trị gia, vừa là một nhà khoa học. Con đường cách mạng mà ông chọn khiến ông trở thành một chính trị gia, nhưng chúng tôi, 7 người con của ông, đều biết rằng sâu thẳm trong ông luôn là trái tim của một nhà khoa học. Cha tôi có thói quen ham đọc sách và biết nhiều ngoại ngữ. Tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Trung… ông đều rất giỏi. Khi ông cần học tiếng Nga, ông dán đủ các hình vẽ kèm theo ghi chú bằng tiếng Nga trong nhà vệ sinh.

Đến năm 50 tuổi, khi làm việc với các chuyên gia Đức, ông lại đi học tiếng Đức. Không bao giờ ông rời tay khỏi cuốn sách. Kể cả khi ăn cơm, ông cũng kè kè cuốn sách bên cạnh, vừa ăn vừa đọc. Dù biết thói quen đó không tốt cho sức khỏe của ông, nhưng không ai có thể khuyên được ông. Thói quen này của ông sau này ảnh hưởng đến chúng tôi. Học tập cha, dù công việc có bận rộn đến mấy, tôi vẫn cố gắng duy trì thói quen đọc sách khi có thời gian rảnh.
Ông Đoàn Mạnh Giao.

Khi còn sống, cha tôi rất say mê nghiên cứu lý luận. Ông đọc không ngừng những tác phẩm của Mác - Lênin. Khi về công tác tại HV Hành chính Quốc gia, sau một thời gian sang thăm HV Hành chính Quốc gia Pháp (ENA) - trường hành chính nổi tiếng ở Pháp. Tại đó, cha tôi đã tiếp thu nhiều cái mới và là một trong những người đầu tiên ủng hộ những khái niệm về “Xã hội dân sự”, “Nhà nước pháp quyền”, “Tam quyền phân lập”.

Thời kỳ đó, chúng ta chưa dễ chấp nhận những khái niệm này, nên cha tôi đã phải hứng chịu không ít khó khăn, sự lên án và cả sự thiệt thòi do những người có quan điểm trái ngược ông gây ra. Nhưng ông luôn im lặng, không kêu ca, không bất mãn. Với ông, đại cục đất nước quan trọng hơn chuyện danh vọng cá nhân.

Gia đình tôi có 7 anh em. Sau khi sinh được 5 người con trai, cha mẹ tôi mới đẻ tiếp được hai cô con gái. Vì rất mong mỏi có con gái, nên hai cô em gái của tôi sau này rất được ông bà yêu thương, thậm chí có phần cưng chiều hơn các con trai. Nhờ sự giáo dục của ông bà, anh em chúng tôi không bao giờ có tư tưởng phân biệt con trai con gái, trưởng nam hay thứ nữ. Chúng tôi bình đẳng trong gia đình.

Tôi học được ở cha mẹ tôi sự nhân hậu, chia sẻ với những người xung quanh mình. Ngày cha tôi còn sống, ông rất quý mến hàng xóm láng giềng. Những năm sau hòa bình, những dịp Tết đến, ông thường đi chúc Tết những người láng giềng của mình, kể cả những công chức lưu dung mà khi đó nhiều người vẫn có tâm lý tránh né vì sợ liên lụy.

Mẹ tôi không giữ vị trí này nọ như cha, nhưng cách sống của bà cũng khiến rất nhiều người nể phục. Khi cha tôi làm bộ trưởng, tôi mới là một anh sĩ quan cấp trung úy. Tiêu chuẩn bộ trưởng được 3 tút thuốc lá, còn tiêu chuẩn sĩ quan như tôi được 3 bao. Thương chúng tôi, mỗi lần tôi về thăm nhà, mẹ tôi thường dành cho tôi một tút thuốc lá của cha để mang lên đơn vị chia cho anh em. Nhưng có một lần về, mẹ tôi thông báo đã đem hết phần tiêu chuẩn tháng đó của cha tôi gồm vài tút thuốc, ít kẹo bánh cho anh gác cổng ở bộ vì anh ta chuẩn bị làm đám cưới.

Lúc đó, trong lòng tôi có chút hậm hực vì thiếu thuốc hút. Nhưng càng sau này, tôi càng hiểu và cảm phục tấm lòng của mẹ. Không có tút thuốc lá đó, tôi chỉ thiếu thốn đi một chút trong 1 tháng. Nhưng có lẽ anh gác cổng sẽ có một đám cưới hạnh phúc hơn và một kỷ niệm đẹp hơn về ngày cưới của mình. Sau này tôi cũng học cách chia sẻ từ mẹ, và mỗi lần như vậy, tôi thấy lòng mình trở nên ấm áp.

Tôi vẫn hay bảo với bạn bè mình rằng có những điều từ cha mẹ, mình rất phục, rất ngưỡng mộ, nhưng không thể học được. Cha mẹ tôi đến lúc ngoài 80 tuổi, mẹ tôi đã ngồi xe lăn, vẫn dành cho nhau tình yêu rất ngọt ngào. Cha vẫn gọi mẹ bằng tên đầy âu yếm và tự tay đưa cho bà từng viên thuốc uống khi ốm đau, bệnh tật. Trước khi mẹ tôi mất, cha tôi rất khỏe mạnh, minh mẫn. Ông vẫn đọc sách, vẫn tham gia làm từ điển, vẫn nghiên cứu khoa học. Nhưng kể từ sau cái chết của mẹ tôi, cha tôi suy sụp nhanh chóng. Chỉ sau đó vài năm, cha tôi qua đời. Trước khi mất, nằm mê man trên giường bệnh, được nghe lại bản nhạc Serenade, bản nhạc kỷ niệm của cha mẹ tôi thời trẻ, ông vẫn rơi nước mắt.

Noi vào cha để tự dặn mình

Thời cha tôi làm Chủ nhiệm văn phòng rất khác với thời của tôi. Vì thời của ông, Văn phòng chính phủ rất gần thủ tướng, chủ yếu giúp việc cho thủ tướng. Nhưng sau này, khi hoàn cảnh xã hội thay đổi, yêu cầu đối với vị trí mà tôi đảm nhiệm cũng thay đổi: Nhiều việc lặt vặt hơn, áp lực về tài chính cũng nặng hơn...

Cha tôi vẫn luôn dặn tôi một điều: người làm văn phòng phải luôn tâm niệm mình là người “bưng, bê, kê, đặt”, nghĩa là giúp việc cho thủ tướng để công việc thuận lợi nhất có thể. Mỗi văn bản được trình lên thủ tướng đều được chủ nhiệm Văn phòng chính phủ xem xét kỹ trước và tham gia ý kiến đóng góp với thủ tướng, đòi hỏi chủ nhiệm Văn phòng chính phủ có thể không nhất thiết phải am hiểu sâu, nhưng phải am hiểu rộng nhiều vấn đề để phát hiện ngay ra “mùi” vấn đề và kịp thời đóng góp ý kiến.
 
Ông Đoàn Trọng Truyến (đứng thứ 2 từ phải sang). Nguồn ảnh: Tiền Phong.

Tôi học được ở cha tôi tinh thần dân chủ. Với cấp dưới, tôi không ép họ buộc phải theo ý mình nếu như họ không phục. Anh chuyên viên của tôi có thể lên gặp tôi, trình văn bản và đưa ra ý kiến của anh ta. Đôi khi ý kiến của anh ta trùng với ý kiến của tôi, đôi khi chúng tôi suy nghĩ trái ngược nhau. Tôi sẽ nói với anh ta suy nghĩ của tôi. Nếu anh ta không đồng ý với ý kiến đó, tôi không bắt anh ta sửa ý kiến của mình, mà chỉ ghi thêm một dòng ý kiến riêng của tôi, để Thủ tướng có thể tham khảo hai ý kiến khác nhau. Tôi luôn tin sự dân chủ, cởi mở trong một cơ quan sẽ giúp cho công việc phát triển.

Thời bây giờ, một anh cán bộ dưới quyền có thể tuân lệnh bộ trưởng của anh ta, nhưng bảo anh ta yêu quý đến mức tôn thờ thì chưa chắc. Nhưng thời của những người như cha tôi chính là như thế. Cha tôi và nhiều trí thức khác đi theo cách mạng vì lòng ngưỡng mộ, tôn thờ với Bác Hồ và nhiều nhà lãnh đạo khác như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng.

Còn nhớ những ngày cuối đời, cha tôi nằm liệt hôn mê trong bệnh viện Việt Xô, con cái vào thăm, ánh mắt ông hầu như chẳng có phản ứng gì. Nhưng khi bác Đỗ Mười - thủ trưởng cũ của ông - đến thăm, tôi thấy nước mắt chảy ra từ khóe mắt ông. Dù sức lực đã suy kiệt đến tận cùng, sự trung thành của cha tôi với lý tưởng, sự kính trọng của ông với các nhà lãnh đạo cấp trên của mình vẫn không có gì thay đổi.

Văn hóa phong bì đã trở thành phổ biến trong xã hội ta hiện nay. Người ta đưa phong bì cho nhau mỗi dịp hội thảo, mỗi khi đến thăm nhau, mỗi khi nhờ vả nhau điều gì đó, nhưng có lẽ cả người đưa và người nhận đều không thực sự chân thành, trân trọng nhau. Nhưng thời của cha tôi, mỗi món quà người ta dành tặng nhau đều là tấm lòng. Cha tôi quý từng quả táo mà bác Phạm Văn Đồng mang cho mỗi dịp đi công tác nước ngoài về. Hằng năm, ao cá trong Phủ Chủ tịch đều được đánh bắt những con lớn để thả thêm những con mới. Mỗi dịp như thế, mỗi gia đình lãnh đạo trung ương lại được mang biếu một, hai con cá. Gia đình tôi thường nhận món quà từ ao cá Bác Hồ với sự trân trọng và biết ơn thực sự. Đến bữa cơm, chúng tôi ăn con cá đó với sự biết ơn từ đáy lòng.

Ngày ấy, tôi đã từng chứng kiến có người từ dưới địa phương lên mang biếu cha tôi 10 cân gạo, nhưng cha tôi tìm mọi cách để trả lại món quà biếu đó. Với thế hệ của ông - thế hệ đã sống trong sáng, sống hết mình và giàu lòng tự trọng - nhận một cân gạo biếu với họ cũng là tội lỗi. Nó khác xa so với văn hóa phong bì bây giờ.

Cha tôi không chỉ tay cặn kẽ từng việc, dặn con thế này, dạy con thế kia. Khi tôi lên làm bộ trưởng, ông cũng chưa bao giờ bảo tôi phải làm việc này hay không được làm việc kia. Nhưng ông dạy con từ chính nhân cách của ông. Mỗi khi nhớ đến cha, tôi biết dặn mình phải tránh những việc xấu.

Theo Khám Phá