Từ sau Tết, tình trạng học sinh một số địa phương tự ý bỏ học khiến cho ngành GD&ĐT phải gồng mình duy trì sĩ số. Trong cái khó đã ló cái hay, đã xuất hiện những giải pháp hạn chế học sinh bỏ học. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này còn cần sự chung tay của toàn xã hội.
Có thể nói, tình trạng học sinh bỏ học qua điều tra cho thấy chủ yếu rơi vào học sinh THCS và THPT, số học sinh tiểu học bỏ học không đáng kể. Phần đông các em do hoàn cảnh nhà nghèo, phải bỏ học tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, cũng có em do học lực yếu kém, chán nản dẫn đến bỏ học. Cũng có trường hợp do thấy anh chị học xong ĐH, CĐ vẫn thất nghiệp ở nhà làm ruộng nên bỏ học đi làm thuê kiếm sống...
Trong những chuyến công tác tại các tỉnh miền núi, nhiều thầy cô cắm bản tại các điểm trường lẻ vùng sâu, vùng xa tâm sự rất thật lòng mình: Chúng em được nhà trường “khoán” sĩ số ngay từ đầu năm. Do vậy, nếu để học sinh bỏ học sẽ bị trừ thi đua. Song thực tế, việc ngăn chặn học sinh bỏ học vẫn như muối bỏ bể. Giáo viên lại lặn lội đến từng nhà vận động phụ huynh, học sinh đi học chuyên cần. Nếu em nào do hoàn cảnh phải trông em nhỏ, không được đi học thì giáo viên “đặc cách” cho phép học trò địu em đi học cùng. Đó là kinh nghiệm hơn gần 15 năm đứng lớp của cô giáo Bùi Thị Si người Mường Hòa Bình dạy chữ cho học sinh bản Mông (xã Nà Khoa, Mường Nhé, Điện Biên).
Cơ sở vật chất trường học vùng cao còn nhiều khó khăn thiếu thốn
Trong năm học 2012-2013, để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, Phòng GD& ĐT huyện Bác Ái (Ninh Thuận) đã phát động phong trào thực hiện mô hình "Hũ gạo tiết kiệm" đến các đơn vị, trường học trên địa bàn. Nhờ đó, nhiều học trò nghèo Raglai đi học chuyên cần hơn. Điển hình ở Thanh Hóa, đây là địa phương vận động công tác khuyến học khuyến tài rất tốt để ngăn chặn học sinh bỏ học.
Cụ thể, thầy cô giáo nhận đỡ đầu học sinh yếu kém, các thôn có kẻng báo giờ học buổi tối cho học sinh... Hoặc tỉnh Nghệ An năm nay không có tình trạng học sinh bỏ học sau Tết là do ngành Giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường nắm bắt chính xác đối tượng học sinh thuộc con nhà nghèo, khó khăn có nguy cơ bỏ học để đưa vào diện cần giúp đỡ. Bên cạnh đó, nhà trường chủ động làm việc với các cấp ủy, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm trên địa bàn giúp đỡ, hỗ trợ tiền, đồ dùng để các em được tới trường.
Một số thầy cô tại điểm trường lẻ của Bắc Kạn thì tự bỏ tiền mua bánh, kẹo, vở phát cho các em để khuyến khích học sinh đến trường. Song, những giải pháp này chưa giải quyết triệt để tận gốc vấn đề. Muốn ngăn chặn tình trạng học sinh vùng khó bỏ học phải có biện pháp mạnh hơn, các ngành, các cấp cùng vào cuộc, phải dập từ nguyên nhân học sinh bỏ học.
Muốn ngăn chặn được tình trạng học sinh bỏ học ngành GD&ĐT cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Theo: Giáo dục và thời đại