Bộ Giáo dục 'bật mí' đề thi tuyển sinh 2013 19/03/2013 09:27:26
Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 có gì khác biệt so với năm trước? Ông Ngô Kim Khôi – Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã có trao đổi với VietNamNet. 
 
 Ông Ngô Kim Khôi – Cục trưởng cục khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GDĐT

Ông Ngô Kim Khôi cho biết: Theo quy định của Bộ - đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ phải đạt được các yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. 

Nội dung đề thi phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, chặt chẽ. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng, không có sai sót. Đồng thời, đề thi phải đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của thí sinh và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi.

Không ra đề thi ngoài chương trình và vượt chương trình trung học. Không ra đề vào những phần giảm tải, cắt bỏ.

Đồng thời, không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. Không ra đề quá khó, quá phức tạp. 

Với những yêu cầu như trên, để làm tốt bài thi và có kết quả thi cao, các em thí sinh tập trung ôn tập dải đều toàn bộ kiến thức của chương trình THPT, tuyệt đối không được học tủ, học lệch. Không cần đi các lò luyện thi cấp tốc, vừa không thiết thực, vừa không tốn kém thêm chi phí của gia đình.

Khi làm bài thi, các em cần đọc kỹ đề thi, câu dễ làm trước, câu khó làm sau, phân phối thời gian hợp lý cho từng câu hỏi của đề thi. Sau khi làm xong, dành thời gian xem lại bài đã là, để tránh sai sót, bị mất điểm.

- Đã có thời gian dư luận cho rằng đề thi nhiều khi chưa sát chương trình do người ra đề chủ yếu là các giáo sư, tiến sĩ giảng dạy tại các trường ĐH. Sự tham gia của giáo viên phổ thông vào việc ra đề thi có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục điều chỉnh cơ cấu Ban đề thi theo hướng có giảng viên ĐH, có giáo viên THPT, có giáo viên đại diện các khu vực, vùng miền…trên cả nước. Mục đích hướng đến ra đề thi bám sát chương trình, phù hợp với thời gian làm bài quy định cho từng môn thi và nhất là phù hợp với chất lượng thực tế của giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước.

- Có ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên bỏ điểm sàn chung để các trường tự chủ trong xét tuyển cho phù hợp với năng lực của từng trường, Ông nghĩ gì về đề xuất này?

Điểm sàn được áp dụng từ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2005 theo phương thức “3 chung”.

Điểm sàn là điểm tối thiểu để thí sinh được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi theo phương thức này.

Điểm sàn được xác định cho từng khối thi A, A1, B, C, D đối với học sinh phổ thông - KV3. Điểm sàn tương ứng với các nhóm đối tượng ưu tiên kế tiếp giảm 1,0 điểm và các khu vực ưu tiên kế tiếp giảm 0,5 điểm.

Trong điều kiện nước ta hiện nay khi hệ thống kiểm định chất lượng chưa phát triển, kinh nghiệm và các điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học chưa đồng đều, thì việc quy định điểm sàn xét tuyển là rất cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường ĐH, CĐ, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. 

- Xin ông cho biết định hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm nay như thế nào?

Đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu lớp 12, đảm bảo kiểm tra bao quát kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của người học. Vì vậy, giáo viên cần căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng Bộ GDĐT đã ban hành để định hướng ôn tập cho học sinh...

Cũng cần nhớ rõ là trừ các môn Ngoại ngữ, đề thi của các môn vẫn tiếp tục có hai phần: Phần bắt buộc (phần chung) là nội dung kiến thức giao thoa giữa chương trình chuẩn và nâng cao; phần tự chọn (phần riêng) ra theo nội dung kiến thức của chương trình chuẩn hoặc nâng cao. 

Đối với đề thi có phần tự chọn, thí sinh chỉ được làm bài một trong hai phần tự chọn; nếu thí sinh làm bài cả hai phần tự chọn thì không được chấm điểm cả hai phần tự chọn.

Đặc biệt là đề thi năm nay sẽ không ra vào phần kiến thức mà Bộ GDĐT đã “giảm tải”.

Đề thi sẽ có khoảng 50% điểm số dành cho các câu hỏi thông hiểu, vận dụng kiến thức. Theo đó, thí sinh đủ điều kiện dự thi nếu cố gắng, chăm chỉ, học tập và ôn luyện thì có thể làm bài thi đạt điểm trung bình để đỗ tốt nghiệp.

Còn để đỗ tốt nghiệp loại khá giỏi thì phải là học sinh có trình độ cao hơn và nhất là có năng lực vận dụng sáng tạo kiến thức khi làm bài. Điều đó cũng có nghĩa là trong đề thi hoàn toàn không có những câu hỏi vượt ra ngoài phạm vi kiến thức cơ bản, quá khó hoặc đánh đố thí sinh...

- Cảm ơn ông!
 
 Theo: Vietnamnet