Ôn thi tốt nghiệp: Quan trọng nhất vẫn là kiến thức cơ bản và tâm lý 30/03/2013 09:10:52
Theo kinh nghiệm của các thầy cô giáo, để có kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp không khó, chỉ cần học sinh (HS) có kiến thức cơ bản cộng với tâm lý vững vàng sẽ dễ dàng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp.

Phân loại  HS để ôn tập có hiệu quả

Hiệu trưởng Trường THPT A Túc (Hướng Hóa, Quảng Trị) Phạm Xuân Thảo cho biết: Năm học 2012 - 2013, trường có 80 HS lớp 12. Do HS chủ yếu là người Vân Kiều, Pa Cô nên kiến thức cơ bản lẫn tâm lý thi cử không thể bằng HS vùng có điều kiện thuận lợi. Với đặc điểm trên, cứ vào đầu năm học, nhà trường tiến hành phân loại HS và giao cho giáo viên (GV) bộ môn phụ trách và chịu trách nhiệm phụ đạo cho các em. Năm nay, mặc dù Bộ chưa công bố các môn thi tốt nghiệp nhưng ngay từ tháng 1, Ban giám hiệu (BGH) đã giao cho GV 8 môn (Toán, Văn, Lý, Hóa, Sử, Sinh, Địa và ngoại ngữ) chủ động lên lịch dạy thêm cho HS vào các buổi HS được nghỉ học với thời lượng 1-2 tiết/tuần. Việc dạy phụ đạo cho HS được tiến hành từ tháng 1 cho đến  khi có thông báo về các môn thi chính thức. Lúc này, toàn bộ lực lượng sẽ tập trung vào việc ôn tập cho các em, với thời lượng 3-4 tiết/tuần.

Cũng theo thầy Thảo, HS dân tộc ở vùng 135 nên nhà trường luôn xác định “sức yếu không ra biển lớn”. Vì vậy, trong quá trình ôn tập, các thầy cô chủ yếu rèn kỹ năng làm bài, tiếp cận và xử lý kiến thức cơ bản trong chương trình phổ thông bằng việc ra đề bài tương đương như đề thi mọi năm.
 
 
Bên cạnh việc dạy kiến thức, nhà trường cũng chú trọng đến việc chuẩn bị tâm lý cho HS. “HS vùng khó thấy người lạ cũng bỡ ngỡ, có em vào phòng thi run không viết được. Để khắc phục tình trạng trên, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã lên kế hoạch rèn luyện cho HS, đặc biệt là HS lớp 12 thông qua các hoạt động Đoàn, sinh hoạt tập thể, yêu cầu các em xử lý tình huống…”, thầy Thảo chia sẻ. Với những kinh nghiệm trên, tỷ lệ HS tốt nghiệp của nhà trường năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2011-2012, gần 97% HS của trường đỗ tốt nghiệp. Năm nay, nhà trường cũng đặt ra mục tiêu trên 97%  HS lớp 12 tốt nghiệp THPT.

Là GV dạy môn tiếng Anh đồng thời kiêm công tác chủ nhiệm lớp nhiều năm, kinh nghiệm của cô giáo Nguyễn Thị Hằng (Trường THPT Hoài Đức A, Hoài Đức, Hà Nội) trong việc ôn thi tốt nghiệp cho HS là rèn tâm lý, ôn lại kiến thức cho HS. Theo cô Hằng, môn tiếng Anh khác với môn xã hội, không thể học trong “một sớm một chiều” mà là cả quá trình tích lũy. Do vậy, ngay từ năm lớp 10, cô đã truyền kinh nghiệm này cho HS. Bên  cạnh đó, từ tháng 2, cô bắt đầu tổng hợp kiến thức đã học, ra đề khó hơn cho HS… thử sức. “Cách rèn tâm lý cho HS tốt nhất là ra đề thi tương đương đề mọi năm, trông thật chặt vừa để biết lực học của mỗi em, vừa cho các em làm quen với áp lực thi cử”, cô Hằng chia sẻ.

Hướng nghiệp cho HS: Phải biết liệu cơm gắp mắm 

Tại Trường THPT A Túc với đặc thù vùng 135, bản thân GV giảng dạy tại trường đều từ vùng khác đến nên việc hướng nghiệp cho HS được BGH gắn với tình hình thực tế tại địa phương. Hiệu trưởng Phạm Xuân Thảo cho biết: Định hướng phát triển của địa phương là trồng cây nông nghiệp lẫn công nghiệp (sắn và cao su) nên tùy vào sức học của mỗi em, nhà trường có định hướng riêng. Những em có học lực khá, nhà trường tổ chức bồi dưỡng để các em có thể lựa chọn ngành y tế công cộng, GV mầm non hoặc GV tiểu học. Những em có học lực trung bình, yếu thì được giới thiệu đi học nghề hoặc làm công nhân trong nhà máy chế biến sắn…

Quan điểm của cô Hằng trong việc tư vấn cho HS lựa chọn ngành nghề là dựa và lực học, tính cách và sở thích của mỗi HS. “Ngay từ đầu năm lớp 12, tôi đã lên danh sách HS thi khối gì, sau đó đề nghị GV bộ môn tổ chức kiểm tra để đánh giá chất lượng mỗi em. Sau 2 tháng nếu thấy kết quả học tập không cải thiện thì cô và trò sẽ lên kế hoạch học và ôn tập tiếp cho các em. Đến tháng 3, từ điểm thi các em đạt được qua kỳ thi thử ở các trung tâm, cô trò lại cùng nhau lên lịch học cho 3 tháng còn lại để bổ sung phần kiến thức còn yếu”, cô Hằng chia sẻ.

Là GV luôn nhận được sự tin tưởng của phụ huynh trong việc tư vấn ngành nghề, trường học cho HS, kinh nghiệm của cô Hằng là dựa vào điểm đầu vào của những kỳ thi trước để HS lượng sức mình. “Tôi luôn nhắc nhở các em ĐH không phải là con đường duy nhất để trưởng thành, để có nghề nghiệp. Vì thế, có những HS tôi khuyên nên thi vào trường CĐ, trung cấp nhưng cũng có HS nên mạnh dạn đăng ký vào các trường danh tiếng. Rất may, HS trong lớp tôi chủ nhiệm đều chọn đúng trường, đúng nghề mình yêu thích”, cô Hằng cho biết.

Cũng theo cô Hằng, HS lớp 12 vốn đã phải chịu nhiều áp lực, từ khi tốt nghiệp rồi thi vào trường CĐ, ĐH nên với phụ huynh, tôi luôn nhắc một câu “Đừng tạo thêm áp lực cho con trẻ nữa”. Cha mẹ là người định hướng nghề nghiệp nhưng hãy để trẻ quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trong thời điểm được coi là “nhạy cảm” này, phụ huynh hãy quan tâm hơn đến sức khỏe của con em thông qua bữa ăn, nhắc nhở các em học tập - nghỉ ngơi hợp lý…

Theo: Giáo dục và thời đại