Với mức lương từ 180 - 200 nghìn cho 1 ca làm 2 giờ là chiêu lừa ngon lành cho các "nhà tuyển dụng" để thu hút các bạn sinh viên có nhu cầu tìm việc làm chính đáng.
Xung quanh khu vực các trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội, đặc biệt là các khu chợ nhà Xanh, chợ Phùng Khoang... đều xuất hiện những thông báo của các nhà tuyển dụng với nội dung như: " Tuyển sinh viên làm thêm với mức lương 180 - 200 nghìn cho 1 ca làm việc 2 giờ, hình thức làm việc đơn giản như : "Phát mỳ tôm dùng thử trước cửa siêu thị, phát thông báo tuyển người, phát sản phẩm khuyến mãi..." , ca làm linh hoạt, tự chọn (sán:g 8h-10h; 9h-11h), (chiều: 13h-15h, 14h-16h, 15h-17h...). Điều đáng nói ở đây là những công việc này gắn mác với những thương hiệu nổi tiếng, uy tín nên tạo sự tin cậy rất cao trong tâm lý sinh viên (vd: Pone; Acnes; Pentin....)
Các thông báo tuyển dụng với lời giới thiệu hấp dẫn
Lý giải về mức lương hấp dẫn này các nhà tuyển dụng giải thích: "Đây là chương trình cộng tác ngắn hạn, lại được các công ty mẹ tài trợ nên mức lương mới cao như thế". Chương trình đặc biệt ưu đãi với các bạn sinh viên muốn tìm việc làm trang trải cuộc sống. Đặc biệt trong tờ rơi có dòng chữ đánh thẳng vào tâm lý của giới trẻ : "Không đặt cọc, thế chấp", ưu tiên công việc này cho các bạn sinh năm 1994, 1993 - những bạn sinh viên năm nhất, năm hai.
Vào vai một sinh viên đi tìm việc làm thêm chúng tôi tìm đến địa chỉ được ghi trên tờ thông báo tuyển nhân sự. Trước khi đến chúng tôi liên hệ theo số điện thoại được giới thiệu là phụ trách nhân sự của công ty và anh D tự xưng là người quản lý nhân sự , sau khi hỏi qua năm sinh và địa chỉ.. anh nhắc lại yêu cầu và cách thức làm việc ... Anh cũng không quên khẳng định chắc chắn sẽ được nhận 200 nghìn sau khi kết thúc ca làm.
Khi tìm đến địa chỉ được hẹn, chúng tôi gặp một người đàn ông và một người phụ nữ tầm 25 - 30 tuổi, mỗi người ngồi một bàn nhưng trụ sở làm việc lại không ghi rõ tên cơ quan, tổ chức... Sau một hổi giới thiệu về công việc sắp, địa điểm làm việc, mức lương về chế độ nhân viên... tới của chúng tôi, anh D đưa ra hai tờ giấy, một tờ là "sơ yếu lý lịch" , còn tờ kia là "hồ sơ xin việc". Sau đó khi nói đến điều khoản trong tờ kê khai lý lịch chúng tôi mới vẽ lẽ mọi chuyện.
Những lời mời chào hấp dẫn...
"Sau khi điền đầy đủ thông tin vào bản sơ yếu lý lịch xong, bên anh sẽ đóng dấu ủy quyền của hãng cũng như bảo lãnh về mặt nhân sự cho em. Hồ sơ của em sẽ được xác nhận và các em chính thức trở thành thành viên của nhóm ... Với mỗi hồ sơ như thế này bên anh thu 100 nghìn, đây là phí hồ sơ và đóng dấu, khoản tiền này sẽ được nộp lên công ty chứ không phải để đút túi các anh chị"- anh này nói.
Sau khi nộp 100 nghìn tưởng mọi chuyện sẽ xong và nghĩ "mỗi ca làm được 200, mất 100 nghìn và một chút thời gian mình sẽ kiếm được nhiều tiền nếu mình chịu khó". Nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc khi anh quản lý "giới thiệu" về tờ giấy thứ hai- bản hồ sơ thu nhỏ với 3 điều khoản quy định rõ ràng.
Anh D giải thích: "Với bản hồ sơ này bên anh sẽ đảm bảo 100% các em sẽ đi làm luôn mà không cần trải qua vòng phỏng vấn nào của bên đối tác, ngoài ra bên anh sẽ có người đưa các em đến tận chỗ làm, mọi thông tin về địa điểm, ca làm... bên anh sẽ đảm bảo và cập nhập thường xuyên cho các em. Nếu các em đồng ý ký thì bên anh sẽ thu của các em 200 nghìn là phí tiền hồ sơ, con dấu và tiền bảo lãnh công việc... Và rồi anh lại nói lại "200 nghìn này sẽ được chuyển lên công ty, các anh chị đã được nhận lương cứng rồi nên các khoản như này không được phép bỏ túi mình được".
Nộp quá nhiều tiền một lúc, trong khi công việc thì chưa thấy đâu chúng tôi không đồng ý ký vào bản hồ sơnày. Chúng tôi thắc mắc với anh quản lý và đưa tờ giấy thông báo ra có ghi rõ ràng là "Không phải đóng phí và tiền đặt cọc", vậy mà bây giờ lại yêu cầu đóng 300 nghìn mà công việc thì chưa biết thế nào. Anh quản lý giải thích số tiền này không được liệt kê vào danh sách các khoản phí kèm theo như đã ghi trên tờ thông báo. "Tiền này là hoàn toàn chính đáng và đúng quy định".
Bạn Nguyễn Thanh Trà (SV năm 2 Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: "Mình nhận được thông báo tuyển dụng ở chợ Nhà xanh, tìm đến địa chỉ và cũng được các anh chị quản lý ở đó giới thiệu như vậy. Vì đang cần tìm việc làm gấp nên mình đóng phí và được giới thiệu đến địa chỉ hẹn gặp để nhận việc làm".
Khi tìm đến đia chỉ mà anh D giới thiệu, ngoài hai ba câu hỏi thông thường như: tên, tuổi, đang học tại trường nào.. chốt lại một câu là "Các em đã đi làm những công việc như thế này bao giờ chưa?" và cũng không quên khẳng định "Bên anh đang thiếu người làm nhưng cần tuyển người có kinh nghiệm làm việc...", Hẹn các em 5h kém 15 nếu nhận được điện thoại của bên anh thì các em chính thức được nhận, sau 5h mà không thấy gì thì coi như quản lý bên anh không đồng ý tuyển các em nhé". Và chỉ cần nghe xong câu đó thôi mình cũng đủ hiểu: "phát tờ rơi, phát sản phẩm dung thử thôi thì cần gì kinh nghiệm chứ, với lại phải đi làm thì mới có kinh nghiệm chứ".
Chuyện có việc làm hay không chính thức trở thành trò may rủi với mức độ và phần trăm thất bại là rất cao, việc làm phía trước mập mờ. Thanh Trà cho biết sau đó cô đã mất 300 nghìn đồng vì tìm việc làm thông qua tờ rơi.
Điều đó có thể khẳng định, việc quảng cáo trên các poster, tờ rơi.. luôn có sự can thiệp về ngôn từ để đánh lừa tâm lý người đọc, chen vào đó là những mánh khóe, gian xảo của các nhà môi giới ... Không biết rằng có bao nhiêu bạn sinh viên nhe dạ cả tin vào những lời giới thiệu mùi mẫn này mà tiền mất công việc thì chẳng thấy đâu.
Theo Anninhthudo.vn