Có bao giờ bạn cảm thấy chán nản khi học trong một lớp học mà chia 5 xẻ 7 chơi nhóm với nhau không? Vậy đâu là những nguyên nhân khiến cho nội bộ trong lớp bị chia rẽ, gây mất đoàn kết như vậy.
Ganh ghét, đố kỵ nhau
Cùng sống trong một tập thể, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau. Tuy nhiên tùy theo từng mức độ và biểu hiện mà ta đánh giá vào mỗi trường hợp là tốt hay xấu.
Chẳng hạn như khi ta ganh ghét nhau trong học tập, chỉ muốn học thật giỏi bằng chính sức lực của mình để “hạ bệ” người kia, thì trường hợp này sự ganh ghét trở thành một động lực to lớn khiến chúng ta chăm chỉ học hành hơn.
Ảnh minh họa
Trường hợp khác sự ganh ghét theo chiều hướng xấu, bất chấp mọi thủ đoạn để trả thù. Vì mình học không bằng người ta nên họ không được phép hơn mình. Với những nhân vật thế này thì suốt ngày chỉ chăm chăm vào những lỗi nhỏ để bắt bẻ, nói xấu sau lưng người khác, khiến lớp mất đi hòa khí, lúc nào cũng lục đục nội bộ.
Khoảng cách, phân chia giai cấp
Trong một lớp học chắc chắn sẽ có những bạn có gia đình khá giả, được bố mẹ mua sắm nhiều thiết bị hiện đại như iphone, ipad, giày dép, túi xách xịn. Nhưng cũng có một số bạn gia đình khó khăn, vất vả lắm mới được đến trường. Nhiều bạn ỷ mình giàu có tỏ ý khinh thường, không muốn tiếp xúc với những người không cùng “giai cấp”.
Bên cạnh sự phân hóa giàu – nghèo thì việc chơi theo kiểu "giỏi chỉ chơi với giỏi". Những bạn này quan niệm rằng “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, những đứa học dốt thì chơi cũng chả có lợi gì, có khi tụi nó chỉ muốn lợi dụng mình kèm cặp. Quả thật đây là những suy nghĩ rất ích kỷ, sống trong một lớp thì mọi người phải biết giúp đỡ lẫn nhau, đôi khi chỉ vì không hiểu được hoàn cảnh của họ mà vô tình đánh giá sai con người của họ.
Thành phần cá biệt trong lớp
Nhân vật này khiến ai cũng phải khiếp sợ mỗi khi tiếp xúc, hầu hết mọi người đều né tránh không muốn dính dáng gì tới. Đây là những bạn thường xuyên gây gỗ đánh nhau, trốn học, trộm cắp,… coi việc đến trường giống như đi chơi, khái niệm học dường như quá xa vời.
Ghen tuông, yêu đương trong lớp
Đã qua rồi cái thời lén lút chuyền thư trong lớp, dù thích nhau nhưng xấu hổ không dám đi cạnh nhau chỉ sợ bạn bè trong lớp chọc ghẹo. Các bạn học sinh bây giờ tư tưởng thoáng đến mức báo động. Nhiều bạn trẻ hồn nhiên vô tư “yêu” ngay trong lớp như hôn nhau, sờ soạng nhau bất chấp ánh mắt khó chịu của bạn bè bên cạnh.
Quen nhau, yêu trong cùng một lớp rồi những lúc cãi vã, giận hờn nhau cái lớp bỗng dưng trở thành nơi để những bạn ấy “chiến tranh”. Mọi người cảm thấy rất bực mình khi cứ mãi chứng kiến cảnh khóc lóc như vậy.
Ảnh minh họa
Tự kỷ, không muốn tiếp xúc với ai
Bệnh tự kỷ trong lớp có vẻ như khá phổ biến, có thể vì mới chuyển sang một ngôi trường mới, bạn bè toàn người xa lạ nên bạn chưa thích nghi được. Nhưng có những bạn sống theo kiểu cho qua ngày, chán nản không muốn liên quan đến bất kỳ điều gì ở lớp học. Sáng đi trưa về lầm lùi không muốn giao thiệp với ai cả. Có chăng chỉ nói chuyện với mỗi người cùng bàn, xung quanh mình, còn ngoài ra không muốn tiếp xúc với ai cả. Nhiều bạn bắt chuyện nhưng lại không thèm trả lời, đâm ra bị ghét.
Luôn muốn chứng tỏ bản thân
Trái ngược với những bạn tự kỷ là những bạn thích khoa trương, phóng đại bản thân. Biểu hiện của những người này là chém gió mọi lúc mọi nơi đến mức không còn ai tin những lời bạn ấy nói nữa.
Những bạn này rất năng nổ đến mức lôi cả tập thể vào, tự mình đứng ra đảm nhận cùng một lúc rất nhiều việc, lớp làm không xuể bị khiển trách thì bạn ý không chịu trách nhiệm. Mặc dù không phải là cán bộ chính nhưng lạ cứ thích ra vẻ ta đây trông rất “chảnh”. Số này thường chiếm rất ít trong lớp nhưng lại chính là “con sâu” gây mất đoàn kết.
Tạm kết
Chúng ta đều biết rằng tính đoàn kết trong một tập thể là điều rất quan trọng, chúng ta học với nhau không chỉ vài năm nên đừng vì một số lý do nhỏ nhặt mà gây mất đi tình bạn như vậy. Mọi việc nên giải quyết thẳng thắn, rõ ràng với nhau thì lớp học mới vui vẻ được, đừng để lớp học trôi qua một cách nặng nề như thế mãi.
Theo: Tri thuc