Mọi giá vào đại học, thất nghiệp tính sau 18/07/2014 08:46:10

Hiện không ít bạn trẻ và các bậc phụ huynh quan niệm, nhất nhất phải vào đại học. Trong khi một thực tế phũ phàng khác đang diễn ra: cử nhân đại học thất nghiệp tràn lan và là đối tượng có nguy cơ thất nghiệp hàng đầu.

Chỉ có đường vào đại học

Cử nhân ra trường không xin được việc làm là một vấn đề nhức nhối được đề cập gần đây. Theo số liệu mới nhất được Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Tổng cục thống vê và Tổ chức lao động quốc tế công bố cho thấy trong quý 1/2014, có trên 162.000 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp. Trước đó đã có không ít các báo cáo, số liệu cho thấy tình trạng cử nhân thất nghiệp.

Mọi giá vào đại học, thất nghiệp tính sau

Nhiều gia đình có suy nghĩ, con phải vào ĐH bằng mọi giá, thất nghiệp thì... tính sau. (Ảnh minh họa)

Hình ảnh cử nhân đi làm trái ngành nghề được đào tạo, nộp hồ sơ xin làm công nhân, bán trà đá hoặc nằm nhà từ tháng này qua năm khác chờ việc… đã chẳng còn lạ lẫm.

Nhưng dường những con số đó, hình ảnh đó không mấy có giá trị đến định hướng của những bạn trẻ trước cảnh cửa vào đời. Những ngày sôi sục của kỳ thi đại học (ĐH), không thiếu những câu chuyện cho thấy đây vẫn là cánh cửa duy nhất của nhiều bạn trẻ, nhiều gia đình.

Một thí sinh khác rời phòng thi thuộc Trường ĐH Kinh tế TPHCM bật khóc tức tưởi do làm sai mấy ý. Em nói: nếu không đỗ ĐH, em không biết phải sống tiếp thế nào.

Câu chuyện của một nữ sinh ở Đồng Nai, thi vào ĐH XKXH&NV, ĐH Quốc gia TPHCM. Em làm bài không tốt nhưng bỏ thi cao đẳng. Lý do, em có đỗ cao đẳng cũng không học, bố mẹ yêu cầu em phải đỗ ĐH bằng được. Năm nay chưa đỗ thì ôn lại, năm sau thi tiếp, đến khi nào… đỗ thì thôi.

Mỗi kỳ thi, có rất nhiều câu chuyện xúc động từ sự hy sinh cao cả của các ông bà mẹ cho hành trình vào ĐH của con. Có người bán máu, đi ăn xin để nuôi con vào đại học. Sự hy sinh đó xuất phát từ chính tấm lòng của phụ huynh, không có gì có thể đong đếm được, cũng chẳng thể đưa ra so sánh thiệt hơn

Đi cùng sự hy sinh đó là mong mỏi con vào đại học để thoát nghèo, được đổi đời. Đáng tiếc rằng hiện nay, con đường này đã không còn đảm bảo cho kỳ vọng này của gia đình. Chưa kể, điều này cũng gây áp lực khủng khiếp cho con trẻ khi với nhiều gia đình, con đỗ ĐH là cách báo hiếu duy nhất cho những công sức của bố mẹ. Nhiều bạn trẻ rơi vào bế tắc vì... bằng ĐH. 

 Khát vọng vào ĐH: Nên hay không?

Mặc cho cử nhân thất nghiệp, ra trường đối diện với những khủng hoảng không xin được việc làm, làm trái ngành nghề thì thế hệ đi sau, với tác động của gia đình, vẫn lao vào ĐH một cách mù quáng.

Học đại học chưa hẳn là cánh cửa tốt cho tương lai của các em nếu như lựa chọn này không phù hợp với năng lực, điều kiện.

Ông Nguyễn Quang Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề cho hay, có rất nhiều thí sinh, gia đình nghịch cảnh đánh đổi rất nhiều thứ để thi ĐH. Kể cả không đỗ thì thi lại 3 - 4 năm chứ nhất không vào học đâu hết hay chọn đi học nghề.

Theo ông Việt, vượt lên hoàn cảnh, mong muốn được học hành là điều vô cùng đáng trân trọng. Nhưng liệu có phù hợp có điều kiện, lựa chọn đó có thật sự xuất phát từ mong muốn, hiểu biết của các em hay không mới là điều quan trọng. Còn hiện nay, không ít gia đình vẫn còn có tâm lý lấy học cho có bằng ĐH đã, thất nghiệp cũng được, chờ tính sau.

Một chuyên gia giáo dục cho hay khát vọng vào ĐH không xấu. Ước mơ được học cao, học xa là điều đáng khen ngợi, khuyến khích ở bất cứ thời điểm nào, xã hội nào. Nhưng mỗi người cần trả lời được cho mình câu hỏi vào ĐH để làm gì?

Việc quyết tâm thi vào ĐH không có chuyện đúng hay sai mà tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Lựa chọn đó có thể tốt với người này, nhưng lại không tốt với người kia.

Tuy nhiên, chuyên gia này nêu ra một cảnh báo, với không ít người có được bằng đại học lại dễ rơi vào trạng thái ảo tưởng vào bản thân, cho mình là cái rốn của vũ trụ. Để rồi cầm tấm bằng ĐH ra trường, họ không nhìn đúng khả năng của mình, không biết mình là ai. Nhiều cử nhân thất nghiệp hiện nay cũng do… quá ảo tưởng về tấm bằng ĐH. Kém nhưng vẫn tưởng rằng mình giỏi mà quên mất rằng nhu cầu xã hội cần là năng lực thật, phẩm chất thật. 

Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TPHCM), khi quyết định vào ĐH, các bạn trẻ cần cân nhắc khả năng, sở thích của bản thân để chọn ngành, chọn trường. Bên cạnh việc tìm hiểu về nhu cầu nhân lực của xã hội, các em học sinh đặc biệt nên xem xét điều kiện kinh tế của gia đình để chọn lối đi phù hợp.

Lê Đăng Đạt (Dân trí)