Vả lại lương mỗi tháng của em cũng chỉ hơn 3 triệu đồng, anh đưa thêm cho em 1 triệu để chi tiêu cho gia đình 3 miệng ăn thì làm sao lo đủ.
Chị Thanh Tâm kính mến!
Em là cán bộ nhà nước, còn chồng thuê một gian hàng ở chợ bán đồ điện máy. Ngày ngày, hết giờ làm việc ở cơ quan em lại tranh thủ ra chợ phụ giúp chồng bán hàng để lấy ít tiền tiêu. Em chỉ nghĩ rất đơn giản rằng mình có công thì mình được hưởng. Vả lại lương mỗi tháng của em cũng chỉ hơn 3 triệu đồng, anh đưa thêm cho em 1 triệu để chi tiêu cho gia đình 3 miệng ăn thì làm sao lo đủ.
Thấy em lấy tiền, chồng tỏ vẻ không hài lòng, anh cho rằng em muốn giấu làm vốn riêng. Gần đây, cậu em chồng ở quê lên bán hàng phụ giúp anh, thế là họ không cần đến em nữa. Thậm chí, chồng em còn giao tiền cho em trai quản lý. Em không bằng lòng và trách chồng là vô trách nhiệm với tài sản của gia đình. Vậy là anh ra điều kiện với em, bắt em bỏ việc ở cơ quan về buôn bán hoặc không được tham gia chuyện làm ăn của anh. Em không chấp nhận và cảm thấy rất khó chịu. Tình cảm vợ chồng sứt mẻ. Em hay cáu gắt, còn anh từ một người ôn hòa, điềm đạm bỗng trở nên thô lỗ, cục cằn. Có những lần anh chửi mắng, xúc phạm, thậm chí còn đánh đập em.
Lần đầu tiên bị chồng đánh, em đã rất sốc và báo công an. Anh phải làm cam kết sẽ không tiếp tục đánh vợ. Nhưng sau lần đó, anh cho rằng mình bị làm nhục nên quyết không tha thứ. Một lần, em lấy 2 triệu của chồng để đưa con gái đi chữa bệnh nhưng không nói với anh. Sau đó anh có hỏi nhưng dù vì lý do gì thì anh vẫn hậm hực, khó chịu. Anh lầm lì chẳng thèm nói chuyện với vợ con. Hơn một tháng nay anh không ăn cơm ở nhà, mặc cho em nói, mặc cho con gái ôm lấy bố năn nỉ.
Cũng có lần anh ngỏ ý muốn “gần gũi” nhưng em cảm thấy mình chưa sẵn sàng nên đã từ chối. Tức giận, từ hôm đó anh xem em như không tồn tại. Căng thẳng, bế tắc quá, em đề nghị ly hôn để giải thoát cho nhau. Nhưng khi nghe em nói vậy thì anh lại bật khóc, nói rằng hãy cho anh thời gian 6 tháng sẽ trả lời. Em không muốn con gái phải khổ, phải thiếu vắng đi tình yêu thương của cha mẹ. Nhưng nếu vợ chồng cứ thế này thì cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Trịnh Thị Thanh Hường (Tam Điệp, Ninh Bình)
Vợ chồng cần minh bạch trong vấn đề tiền bạc (Hình minh họa)
Thanh Hường thân mến!
Rõ ràng, cả hai vợ chồng em đều không muốn gia đình tan vỡ, nhưng tại sao lại luôn thấy cuộc sống quá ngột ngạt? Thực ra, khúc mắc lớn nhất giữa hai người chính là chuyện tiền bạc. Các em đã là vợ chồng, tại sao không nói chuyện thẳng thắn, sòng phẳng với nhau? Em nên ghi chép cụ thể cho anh ấy thấy chi tiêu cho gia đình hàng tháng hết bao nhiêu, nhu cầu riêng của mỗi người cần bao nhiêu, các việc khác như ma chay, cưới xin, phụng dưỡng cha mẹ đôi bên nữa? Như thế thì với số tiền 4 triệu kia liệu có xoay sở đủ không? Anh ấy sẽ nhận ra chỉ đưa em mỗi tháng 1 triệu là không hợp lý.
Chồng là người đa nghi, chặt chẽ tiền bạc thì em càng cần minh bạch. Có chuyện gì đột xuất trong nhà cần tiêu tiền, em nên trao đổi với chồng, hỏi ý kiến anh ấy xem chi thế nào, bao nhiêu là hợp lý. Như vậy anh ấy sẽ thấy mình được tôn trọng hơn. Nếu chi tiêu chính đáng thì thế nào anh ấy cũng tán thành (như việc em đưa con đi chữa bệnh chẳng hạn).
Chị hi vọng vợ chồng em sẽ sớm giải quyết mâu thuẫn, trở về bên cạnh nhau và hiểu nhau nhiều hơn.
Thanh Tâm
Theo Phụ nữ Việt Nam