“Cả
bọn líu ríu đạp xe cà tàng hỏi thăm mãi mới tìm được đường đến nhà cô
giáo. Đến nơi, cô mua kẹo cho ăn rồi cả bọn chìa ra một đùm bọc kín. Cô
hỏi quà gì thì có đứa thẽ thọt bảo: “Chúng em thấy các cô trong trường
ai cũng có dây chuyền vàng đeo, chỉ mỗi cô không có nên chúng em mua cho
cô...” Cô ứa nước mắt, vì cái dây chuyền hàng mã và vì thương lũ học trò ngây thơ ấy.
Giữa
những băn khoăn của các bà mẹ chưa biết đi phong bì cô bao nhiêu, mua
quà gì ở topic quà cho thầy cô giáo trên một trang web, câu chuyện
"chiếc dây chuyền hàng mã" dưới đây làm sống lại bao nhiêu chia sẻ rớt
nước mắt về tình thầy trò.
Sợi dây ngọc trai bạc màu
Chị
Thu Huyền, lớn lên ở một vùng nông thôn Thanh Hóa kể lại, trước kia
điều kiện kinh tế quê chị rất khó khăn, có những em phải nghỉ học rất
sớm. Mẹ chị là giáo viên tiểu học, có lần thu học phí, cô rớm nước mắt
khi nhận một xấp tiền dày cộm những tờ 2000 đồng, thậm chí 500, 200
đồng. Cậu bé nhà nghèo đó được mẹ chị thường xuyên tặng quần áo, sách vở
nhưng rồi đến hết lớp 9, em nghỉ học.
Tết
năm ấy, mẹ chị nhận được món quà từ cậu học sinh nghèo, đó là chiếc dây
chuyền ngọc trai rất đẹp - món quà cậu kỳ công tìm kiếm khi đi bán hàng
lưu niệm ở bãi biển Sầm Sơn cùng với bức thư dài những lời cảm ơn cô
giáo. Cậu học sinh còn tiết lộ: sợi dây chuyền đã được sư thầy ở chùa
ban phước.
“Mẹ
mình giữ gìn sợi dây cẩn thận lắm. Giờ nó đã cũ, phai màu nhưng mẹ vẫn
đeo vào những dịp trang trọng. Xúc động nhất là ngày cưới anh học trò
đó, mẹ đã đeo nó để đến chúc mừng. Khỏi phải nói vợ chồng anh ấy vui cỡ
nào.”
Chị
Huyền kể, nơi làm việc của mẹ chị giống như nơi lưu “đồ cổ”. Ở đó,
những con ốc biển to sụ được bày lên giá sách, những viên đá biển gắn
thành chiếc cốc đựng bút, rồi những tấm thiệp, hình vẽ… đều là quà của
học sinh.
Chị
tâm sự, không chỉ mẹ chị mà những giáo viên của vùng quê nghèo đó đều
thông cảm và yêu thương học trò. Ngày lễ, ngày tết, các em chỉ có đồ nhà
mang tặng thầy cô như con cá, con ốc biển… nhưng lúc nào tình cảm thầy
trò cũng đầm ấm.
Ảnh minh họa.
Trang nhật ký đợi cô giáo 25 năm
Sau
25 năm, cô giáo Phạm Thị Lệ Hằng, giáo viên trường THCS Tây Đô (Vĩnh
Lộc-Thanh Hóa) bỗng gặp lại cậu học trò cô từng dạy ở huyện miền núi
Lang Chánh khi xưa. Hàng chục năm xa cách, cô Hằng không ngờ cậu học trò
nhỏ vẫn nhớ và cố gắng tìm lại cô giáo cũ để tặng cô một món quà đặc
biệt: trang nhật ký.
Gặp
lại, học trò X của cô chia sẻ: Hình ảnh cô giáo nhiệt tình, thương yêu
học sinh, lên với miền núi dù nhiều cơ hội về xuôi, cô vẫn nấn ná không
về, chỉ lo làm dang dở việc học hành của những đứa trẻ ở bản nghèo đã để
lại những ấn tượng sâu sắc trong X. Cả X và những đứa trẻ ở bản đã cùng
cô giáo cố gắng vượt qua cái đói rét để chèo chống với con chữ.
Khi
trò X phải nghỉ học vì gia cảnh gieo neo, cô Hằng chia sẻ, suốt mấy năm
ở Lang Chánh, cô Hằng vẫn mong trò X trở về tiếp tục học hành. Dù không
trở lại lớp học, nhưng với trò X nhiệt tâm và những gì cô giáo dạy đều
được anh ghi nhớ và biết ơn. Vì thế,anh chia sẻ, những ngày vất vả mưu
sinh, anh vẫn giữ những trang nhật ký về cô để mong có thể tìm lại và
nói lời cảm ơn cô giáo.
“Cô
nghĩ, tấm lòng chân thành, sự chia sẻ thật tâm sẽ là chìa khóa vạn
năng, dù cánh cửa đó mấy lớp và kiên cố đến cỡ nào dù chìa khóa đó có
thể cũ, hoen rỉ, không bắt mắt, không đèn màu nhấp nháy” - nói về món quà của học trò sau 25 năm xa cách, cô Hằng cảm động.
“Cô
cũng luôn cố gắng để xích lại gần hơn với học trò, dù forum, FB hay
Zing me có thể hơi “khó nhai” với U60 nhưng với sự trợ giúp của các con
và học trò, mọi việc đã dễ dàng hơn nhiều... Niềm vui đơn giản là khi
học trò 7x thút thít khóc vì chiếc bánh chưng thả trộm xuống giếng để
dành tặng cô dịp Tết bị cá đói ăn hết một nửa hay là tấm e – card của
trò 9x “Em iêu cô” - cô Hằng kể về những hạnh phúc nhỏ bé của gần 30 năm đứng lớp.
Những món quà từ bàn tay học sinh
Một
thành viên diễn đàn cũng kể về mẹ, một cô giáo ở vùng đất phồn hoa là
thủ đô Hà Nội, lại là giáo viên của một trường chuyên cấp 3. Chị cho
hay, lễ tết, những thứ như phong bì, quà cáp không thiếu, nhưng mẹ chị
vẫn nhận được những món quà rất nhỏ, rất giản dị và gần như không có giá
trị vật chất như: khăn quàng cổ, cái dây đeo bằng nhựa, lọ thủy tinh
chưa hàng chục tờ giấy ghi lời chúc của từng học sinh, con thiên nga từ
giấy…
“Những
món quà ấy dù nhìn trên góc độ nào cũng không thể coi là nghĩa vụ đơn
thuần được… Chỉ cần nhìn mẹ nâng niu những món quà ấy như thế nào, mấy
lần dọn nhà vẫn không quên mang theo, trưng bày ở những nơi trang trọng,
dễ nhìn thấy nhất cũng hiểu được phần nào lý do học sinh lại yêu quý mẹ
và tặng mẹ những món quà ý nghĩa như thế” - chị nói.
Nhiều
nhà giáo cùng chia sẻ, bất cứ người nào tâm huyết với nghề đều có những
kỷ niệm sâu sắc với học trò. Những món quà ý nghĩa nhất là thứ thể hiện
lòng biết ơn và tình cảm chân thành từ học sinh. Nhiều thế hệ học sinh
vẫn nhớ và trân trọng những buổi học tạm dưới tán cây, những lần đi Tết
nhà giáo bằng quả dưa, trái cam và rủ nhau vặt hết cây trái trong vườn
thầy… và cả những đồng tiền mừng tuổi của thầy cô.
(Nguồn: Theo Dân Trí)