Trong khi nguồn vốn vay cho học sinh, sinh viên nghèo ở Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) nhiều địa phương đang gặp khó khăn thì ở các tỉnh Tây Bắc, việc vay vốn này khá thuận lợi bởi chủ động được nguồn.
Tháng 9, các học sinh, sinh viên (hssv) nghèo vùng Tây Bắc bắt đầu nhập học, kèm theo các khoản chi phí mua sắm, đóng góp... tốn kém bạc triệu.
Phụ huynh làm thủ tục vay tiền tại Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông.
Tạo điều kiện tốt nhất cho HSSV vay
Em Lò Văn Thoan - sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cho biết: Nhà em ở thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, Sơn La. Đây là năm thứ 3 em học đại học, gia đình có thêm một em gái nữa vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La. Cứ mỗi kỳ nghỉ hè là chúng em lại tìm việc làm thuê, phụ giúp bố mẹ để cải thiện cuộc sống gia đình và có thêm một khoản cho ngày nhập học.
Dịp hè vừa rồi, em đi phụ vữa như mọi năm, nhưng việc ít quá, chỉ đủ tiền ăn thôi. Con nhà nghèo đi học vất vả lắm, nhiều hôm xách vữa tuột cả da tay nhưng vẫn phải làm. May mắn là chúng em có khoản vay từ Ngân hàng CSXH và thủ tục rất thuận tiện. Nhiều bạn khác cũng được tiếp tục theo học dù gia đình rất khó khăn là nhờ khoản tiền vay của ngân hàng này.
Phụ huynh làm thủ tục vay tiền tại Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông
Bà Tòng Thị Tươi - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Sơn La cho biết: “Chúng tôi luôn chủ động nguồn vốn vay cho HSSV từ khâu lên kế hoạch tới việc phân bổ vốn tới các huyện, thành phố. Hiện nguồn vốn này của chi nhánh còn hơn 10 tỷ đồng và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các đối tượng được vay theo quy định. Cán bộ, nhân viên của chi nhánh được quán triệt tinh thần phục vụ cao để tạo điều kiện tốt nhất cho HSSV vay vốn; góp phần đào tạo nhân lực cho vùng cao.
Tăng cường tuyên truyền
Tại Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), các cán bộ, nhân viên đang chuẩn bị cho đợt công tác xuống với các xã vùng sâu để tuyên truyền, thống kê số lượng HSSV có nhu cầu vay vốn, hướng dẫn làm thủ tục và giải ngân...
Theo ông Lường Văn Dinh- Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông cho biết: Với vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số, lượng HSSV không nhiều, nhưng cái khó là việc nắm bắt, hiểu biết về vốn vay ưu đãi của Nhà nước đối với HSSV của bà con còn hạn chế.
Năm 2012, trong tổng số 4 tỷ đồng vốn vay HSSV chúng tôi được giao, hiện vẫn còn hơn 2 tỷ đồng và đang tiếp tục cho vay. Chúng tôi vẫn phải tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn bà con về chính sách ưu đãi này của Nhà nước; đồng thời kiểm tra, giám sát tốt việc sử dụng nguồn vốn vay để phát huy hiệu quả.
Cũng theo ông Dinh, vốn vay cho HSSV là điều kiện tiên quyết với nhiều gia đình. Việc quyết định tiếp tục theo học hay thôi học của con cái họ rất khó khăn, vì họ phải lo mưu sinh hàng ngày. Để chủ động được nguồn vốn cho vay HSSV thì khâu lên kế hoạch hàng năm của ngân hàng phải sát với nhu cầu thực tế và việc sử dụng vốn phải đúng mục đích thì "mới có tiền để nâng bước học trò nghèo trên đường lập nghiệp".