Thí sinh có ba giấy chứng nhận kết quả, ghi âm, ghi hình chấm thi năng khiếu, hai phương án tính điểm sàn… là những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013.
Trong Hội nghị công tác thi và tuyển sinh năm 2013 diễn ra vào ngày 21/1, Bộ GD – ĐT cùng đại diện các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã bàn thảo nhiều đề án mới sẽ tiến hành trong năm nay. Dựa trên kết quả của hội nghị, ngày 20/2, Bộ đã họp và đưa ra những kết luận cuối cùng, nổi bật lên nhiều điểm mới trong kỳ thi năm nay.
Hồ sơ đăng ký thêm đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông
Theo quyết định của Bộ GD – ĐT những thí sinh thuộc đối tượng có nhu cầu liên thông lên trình độ đại học, cao đẳng cũng phải tham gia kỳ thi tuyển sinh chung. Như vậy các thí sinh này sẽ phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết nếu những thí sinh này không trúng tuyển vào trường đăng ký cũng sẽ được xét tuyển vào học liên thông các trường khác cùng khối thi, trong vùng tuyển và đáp ứng được yêu cầu của trường còn chỉ tiêu. Như vậy, các trường cần phải công bố công khai các thông tin để thí sinh đăng kí. Ngoài ra, các thí sinh này cũng sẽ phải tuân thủ các quy định về xét tuyển, điểm sàn như hệ chính quy.
Để đáp ứng thay đổi này, hồ sơ đăng ký dự thi năm nay có thêm mục dành cho thí sinh dự thi liên thông.
Hồ sơ đăng ký có thêm mục dành cho thí sinh dự thi liên thông. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Thí sinh có ba giấy chứng nhận kết quả thi và phải nộp bản gốc để xét tuyển
Năm nay, Bộ GD – ĐT cũng quyết định thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển khi nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi. Đây là điểm khác biệt so với năm 2012.
Trong kỳ thi tuyển sinh năm trước, lần đầu tiên Bộ GD - ĐT đưa ra quy định thí sinh không đỗ vào trường đăng ký dự thi sẽ được cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi và dùng vào việc xét tuyển không giới hạn nguyện vọng theo cách nộp bản gốc hay bản sao giấy chứng nhận kết quả tùy theo yêu cầu của trường xét tuyển.
Điểm mới thứ hai trong vấn đề này đó là: các trường ĐH, CĐ sẽ in, đóng dấu đỏ và cấp ba giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ cho thí sinh không trúng tuyển vào trường mình nhưng có kết quả thi từ điểm sàn CĐ trở lên để thí sinh đăng ký xét tuyển. Tuy các trường chỉ nhận bản gốc nhưng thí sinh có thể rút hồ sơ nộp sang trường khác xét tuyển nếu muốn thay đổi nguyện vọng
Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn đợt trước
Năm 2012, Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự do xác định điểm chuẩn, có thể điểm chuẩn đợt xét tuyển sau còn thấp hơn đợt trước.
Nhưng quy định này gây nhiều hậu quả khó lường đó là do không đặt ngưỡng cho việc xác định điểm chuẩn nên có hiện tượng trường top trên hạ điểm chuẩn mãi để tuyển đủ chỉ tiêu khiến nhiều SV đã trúng tuyển vào trường khác lại rút hồ sơ đăng ký xét tuyển, gây mất ổn định và khó khăn cho trường top dưới. Vì vậy, năm nay các trường sẽ phải dự tính điểm chuẩn phù hợp, sao cho đợt sau ít nhất phải bằng điểm đợt trước.
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Đặng Kim Vui - giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng nếu các trường được phép hạ điểm chuẩn đợt sau thấp hơn đợt trước sẽ gây bất công cho thí sinh, có những thí sinh đăng ký xét tuyển đợt trước thừa điểm xét tuyển cho đợt sau nhưng đã bị gạt ngay từ đầu và lại phải chọn nguyện vọng khác, mặc dù hoàn toàn đủ khả năng để trúng tuyển vào trường.
Chấm thanh tra tối thiểu 5% bài thi tự luận
Do năm 2012 Bộ GD – ĐT phát hiện một số trường còn sai sót, thiếu nghiêm túc trong chấm bài thi tự luận, có nơi không chấm hai vòng độc lập theo quy định, có biểu hiện đánh dấu bài. Vì vậy, năm nay Bộ quyết định yêu cầu các trường thành lập ban chấm thanh tra tối thiểu 5% tổng số bài thi đối với mỗi môn chấm thanh tra tối thiểu 5% tổng số bài thi đối với mỗi môn thi tự luận.
Theo kế hoạch, trước ngày 31/7, các trường đại học có tổ chức thi tuyển sinh hoàn thành chấm thi, công bố điểm thi của thí sinh trên các phương tiện truyền thông đại chúng và thời hạn này đối với các trường cao đẳng là trước ngày 5/8.
Hội đồng tuyển sinh nhà trường sẽ tự quyết định việc chấm thanh tra cùng lúc với chấm thi hay nếu bài thi ít có thể chấm thi bình thường xong sẽ tổ chức chấm thanh tra. Căn cứ kết quả chấm thanh tra, tư vấn của ban chấm thanh tra, hội đồng tuyển sinh sẽ chỉ đạo công tác chấm thi kịp thời, đảm bảo việc chấm thi đúng đáp án, thang điểm của bộ và sự chính xác của kết quả thi.
Ngoài ra, sau khi có kết quả thi, hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD - ĐT sẽ tiếp tục chấm thẩm định, nếu phát hiện sai sót sẽ xử lý nghiêm.
Ghi âm, ghi hình khi chấm thi môn năng khiếu
Đối với các môn thi năng khiếu không thể chấm thanh tra, Bộ GD – ĐT quyết định sẽ ghi hình, ghi âm khi chấm thi môn năng khiếu. Vì vậy, các trường thuộc diện này phải bố trí thiết bị ghi âm, ghi hình… để làm tài liệu và minh chứng cho việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo sau này.
Bộ GD - ĐT chính thức quyết định sẽ ghi hình, ghi âm đối với các môn thi năng khiếu. (Ảnh minh họa)
Hai phương án tính điểm sàn
Về quy định điểm sàn năm nay, Bộ GD – ĐT đang bàn và lấy ý kiến các trường để đưa ra phương án tính điểm sàn trên nguyên tắc phải đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng cũng đảm bảo nguồn tuyển cho các trường. Hai phương án được đưa ra thảo luận đó là: phương án 1, điểm sàn sẽ là điểm trung bình của tất cả các thí sinh theo khối thi; phương án 2 điểm sàn sẽ lấy mức điểm mà nhiều thí sinh đạt được nhất.
Hai phương án này đã có sự thay đổi so với cách tính trước đây. Do Bộ không còn xác định điểm sàn “cứng” phải là 13, 14 hay 15 như mọi năm mà chỉ là mức điểm tương đối để đảm bảo thí sinh có đủ năng lực có thể vào học.
Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép các trường trên địa bàn Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ được xét tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại 3 khu vực trên với mức điểm thi thấp hơn điểm sàn 1 điểm, nhưng phải học dự bị 6 tháng sau khi trúng tuyển.
Đối với các trường ngoài công lập vẫn phải tuân thủ mức điểm sàn chung. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập vừa đề nghị xin được tuyển sinh riêng. Vì vậy, Bộ đã yêu cầu các trường xây dựng phương án nếu khả thi thì sẽ cho phép. Khi đó các trường ngoài công lập có thể có điểm sàn riêng.
Ông Ga cũng cung cấp một thông tin đó là từ năm nay khi luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, tất cả các trường đều có quyền thi tuyển sinh riêng. Tuy nhiên các trường phải có phương án trình Bộ xem xét trước khi triển khai.
Bộ GD – ĐT vẫn chỉ đạo xuất bản Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ
Năm nay Bộ GD - ĐT vẫn chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục in ấn và phát hành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ để thí sinh làm căn cứ đăng ký dự thi. Dự kiến cuốn sách sẽ được ra mắt vào trước ngày 11/3. Để làm được điều đó, Bộ yêu cầu trước ngày 28/2, các trường phải hoàn thiện thông tin tuyển sinh và gửi dữ liệu để in ấn sớm.
Cuốn sách này sẽ được phát hành vào đầu tháng 3/2013.
Năm nay, thời hạn thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi, lệ phí đăng ký dự thi quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo hệ thống của Sở GD - ĐT từ ngày 11/3 đến 11/4 và từ 12 đến 19/4 tại các trường tổ chức thi.
Theo Infonet