Mặc dù vẫn thống trị các thứ hạng đầu trong bảng xếp hạng những trường đại học chất lượng thế giới, nhưng nhiều trường của Anh và Mỹ tụt hạng dần trong khi các trường châu Á đang vươn lên khẳng định uy tín.
Các trường đại học ở châu Á như "ngôi sao đang lên" do nhận được ngân sách đầu tư ngày càng tăng từ chính phủ
Viện Công nghệ California tiếp tục giữ ngôi đầu trong bảng xếp hạng của tạp chí Times Higer Education (THE) 2012-2013. Theo sau đó là Đại học Oxford (Anh), Đại học Stanford và Đại học Harvard (Mỹ). Mỹ có 7 trường đại học trong top 10.
Trong top 200 trường hàng đầu, nước Mỹ có 76 trường và sau đó là Anh, Pháp. Ngoài tam giác vàng là các đại học London, Oxford và Cambridge thì bảng xếp hạng cảnh báo các trường đẳng cấp của Anh có nguy cơ rơi vào nhóm bậc trung do tình trạng cắt giảm ngân sách đầu tư, học phí tăng cao và tính cạnh tranh toàn cầu gay gắt.
Nhiều trường đại học của Anh và Mỹ tụt hạng so với một số trường từ châu Á và Úc. Các đại học ở Trung Quốc, Singapore, đặc biệt là Hàn Quốc có sự tăng hạng mạnh trong bảng xếp hạng năm nay. Nguyên nhân là do những trường này ngày càng nhận được hỗ trợ ngân sách từ chính phủ sở tại.
Biên tập viên của THE, ông Phil Baty nhận định: “Có sự thay đổi trong cán cân quyền lực và cụ thể là nghiêng về phía Đông và Đông Á. Nguồn đầu tư lớn cho các trường đại học hàng đầu ở châu Á đã bắt đầu gặt hái kết quả. Trong khi mặt trời mọc ở hướng đông thì nước Anh đang đối diện với bão tố”.
Chẳng hạn, Đại học kỹ thuật Nanyang (Singapore) tăng tới 83 hạng và hiện đứng vị trí 86 nhờ gia tăng đáng kể trong đầu tư nghiên cứu. Hoặc Đại học Quốc gia Seoul tăng từ hạng 124 năm ngoái lên đến hạng 59 trong năm nay. Châu Á có 11 đại học trong top 100 thế giới. Đại học Tokyo có thứ hạng cao nhất (hạng 27/100) so với các trường trong khu vực.
Ông Yang Wei, chủ tịch Đại học Chiết Giang kiêm chủ tịch nhóm C9 (gồm các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc), đánh giá xu hướng chuyển đổi này là kết quả của một thập kỷ phát triển tiến bộ tại châu Á. Ông cho biết chiến lược của Trung Quốc là quốc tế hóa đào tạo cao học, chính phủ cam kết chi 4% GDP cho giáo dục, còn các trường đại học trong nước thì ngày càng tự cải thiện mình. “Tôi cho rằng tiến trình này sẽ kéo dài ít nhất 5-10 năm nữa”.
Tạp chí THE xếp hạng các trường đại học dựa trên hơn 13 tiêu chí, như nghiên cứu, giảng dạy, chuyển giao kiến thức và triển vọng quốc tế.
(Theo THE, AFP, Forbes)