Chính sách trợ vốn ngân hàng cho những sinh viên (SV) có hoàn cảnh khó khăn đã giúp nhiều SV nghèo trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Thế nhưng, hiện có rất nhiều SV ra trường không có việc làm, đang lo lắng, chạy đôn chạy đáo làm nhiều công việc tạm bợ để kiếm tiền trả nợ ngân hàng.
Sinh viên tìm việc làm tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Ngân hàng
Chật vật làm đủ nghề
Mấy năm gần đây, trong bối cảnh kinh tế suy giảm, không ít cử nhân không xin được việc làm, thậm chí nhiều người còn làm công nhân, lao động phổ thông ở các nhà hàng, quán ăn… để đủ tiền trang trải cuộc sống.
Ra trường đã được hơn 1 năm, Nguyễn Thị Thanh (quê Nghệ An) tốt nghiệp chuyên ngành văn hóa học Trường ĐH KHXH-NV TPHCM đã gửi hồ sơ đến nhiều nơi nhưng không nơi nào nhận. Thanh phải làm nhân viên bán hàng tại siêu thị và cả giúp việc nhà - những công việc chẳng liên quan gì đến kiến thức đại học.
Thanh tâm sự: “Lúc còn là SV, tôi cứ nghĩ ra trường sẽ có việc làm ngay, có thu nhập ổn định, lo cho bố mẹ và các em ở quê. Thế nhưng, ngành học của tôi lúc trước dễ dàng xin được việc nhưng bây giờ nhu cầu xã hội không cần nữa. Không muốn nặng gánh gia đình nên tôi xin làm việc lao động phổ thông, thu nhập chưa được 1,5 triệu đồng/tháng”.
Còn Thanh Nam, cử nhân loại giỏi ngành sư phạm tin học Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành mơ ước khi tốt nghiệp sẽ về quê Quảng Ngãi làm thầy giáo. Nhưng khi Nam về quê nộp hồ sơ vào các trường ở quê, chờ mãi vẫn không được nhận. Cuộc sống gia đình quá khó khăn, Nam chưa biết trả nợ ngân hàng như thế nào. Nam tâm sự: “Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, ba mẹ vất vả lo cho tôi và các em ăn học. Bây giờ tôi tốt nghiệp vẫn chưa xin được việc. Biết ở quê xin việc gì cũng khó nên tôi đã quay lại Sài Gòn tìm cơ hội. Để có tiền thuê phòng trọ, chi phí sinh hoạt, tôi xin vào làm công nhân tại một xưởng may”.
Còn Nguyễn Minh Út (quê Bình Định) sau khi ra trường đã nhận làm nhiều việc lao động phổ thông để có tiền chữa bệnh cho mẹ. Hiện Út đang làm bán hàng tiếp thị, công việc tưởng chừng như dễ nhưng rất gian nan. Út chia sẻ: “Ra trường tôi cần kiếm việc ngay, chứ mẹ tôi đang cần tiền chữa bệnh, nhưng bây giờ học ngành luật ra không dễ xin được việc ngay. Khi đi bán hàng tiếp thị, nhiều lúc bị khách hàng quát mắng, tôi cũng phải chịu đựng để bán được hàng”.
Nỗi niềm trả nợ ngân hàng
Hầu hết các SV được xét cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đều thuộc diện gia đình khó khăn, không đủ khả năng lo chi phí ăn học. Nay ra trường lại phải làm công việc lao động giản đơn, tạm bợ nên họ rất khó có điều kiện trả nợ vay. Theo quy định, đối với các chương trình đào tạo có thời gian không quá 1 năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định.
Như vậy, đối với với một SV học bậc đại học 4 năm, có thể vay của ngân hàng tối đa là 40 triệu đồng, tương đương 5 triệu đồng/học kỳ (chưa tính lãi suất 0,65%/tháng). Lúc ra trường họ sẽ phải trả nợ cho ngân hàng 40 triệu đồng, trong khi chưa có việc làm thì số nợ đó quá lớn. Nếu quá thời hạn trả nợ, được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Những con số ấy khiến nhiều SV hoang mang, lo lắng, không biết đến bao giờ mới trả được nợ ngân hàng. Bạn Thanh Nam tâm sự: “Các SV nghèo như chúng tôi rất vui mừng khi được vay vốn ngân hàng trang trải việc học tập. Nhưng thực sự tôi không biết làm sao để trả khoản nợ này. Nếu tôi không trả nổi, ngân hàng sẽ có biện pháp thu hồi nợ với bố mẹ ở quê. Tôi áy náy khi sau 4 năm ăn học lại tạo thêm khoản nợ cho gia đình. Thời buổi này kiếm được việc để nuôi sống bản thân đã khó, không biết lấy đâu ra để trả nợ nữa”.
Bậc cha mẹ nào cũng muốn con cái mình được ăn học nên người, cho dù khó khăn đến mấy cũng gắng lo cho con. Và sinh viên nào ra trường cũng ước mong có một công việc ổn định, lo cho cuộc sống. Để người mới tốt nghiệp đại học phải vất vả kiếm sống trái nghề, làm lao động giản đơn xoay xở kiếm sống trả nợ là sự lãng phí lớn về chất xám. Rất cần biện pháp đồng bộ cho việc giải quyết vấn đề lao động và việc làm trong bối cảnh kinh tế suy giảm. Trước hết cần có sự phối hợp giữa các bên: đơn vị đào tạo - doanh nghiệp - người lao động.
Bên cạnh đó, ngành LĐTB-XH nên cập nhật thông tin thị trường lao động để giúp các nhà đào tạo, nhà tuyển dụng và người lao động nắm bắt để cùng phối hợp vận hành một cách nhịp nhàng và đồng bộ. Những trường hợp người vay gặp tình cảnh thực sự khó khăn, Ngân hàng Chính sách xã hội nên có chính sách gia hạn trả nợ.
(TheoPhan Anh/ Sài Gòn Giải Phóng)