Giáo dục công dân là môn học rất quan trọng trong việc rèn dũa nhân cách, dạy làm người cho học sinh. Thế nhưng trong trường học, môn học này chỉ được coi là “phụ” và chương trình sách giáo khoa khô khan, dẫn đến tình trạng học sinh khó hiểu, học thụ động.
Nội dung bài học môn Giáo dục công dân lớp 10 THPT nặng tính hàn lâm, triết học khiến học sinh chỉ biết “học vẹt”. Ảnh: Q.Huy
Chương trình học khô khan
Môn Giáo dục công dân (GDCD) ở cấp trung học từ lâu được đánh giá là môn học quan trọng, trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh phù hợp theo từng độ tuổi… Những năm gần đây, tình trạng học sinh vi phạm các chuẩn mực đạo đức, pháp luật ở các lớp học càng nhiều đòi hỏi cần phát huy môn học này trong các nhà trường. Tuy nhiên, càng lên lớp cao thì nội dung, thời lượng tiết học GDCD càng giảm. Chương trình, sách giáo khoa còn khô khan, gượng ép, kiến thức trừu tượng, khó hiểu, nặng về giáo dục chính trị, nhẹ về giáo dục kỹ năng sống…
Đơn cử sách giáo khoa GDCD lớp 10 THPT, ngay từ đầu năm học, học sinh đã phải “nhồi” kiến thức triết học khô khan, trừu tượng mang nặng kiến thức hàn lâm mà mới thoạt nghe, không ít người lớn cũng phải “giật mình”. Ví dụ như: “Thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng”, “Thế giới vật chất tồn tại khách quan”, “Sự vận động của thế giới vật chất”…
Là môn tự chọn hay bắt buộc? Nhiều chuyên gia giáo dục và thành viên Ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 cho ý kiến nên đưa môn GDCD (hiện đang là môn học bắt buộc) thành môn tự chọn ở bậc THPT. Tuy nhiên, có những ý kiến lại cho rằng, GDCD là môn học không thể thiếu trong quá trình đào tạo để hình thành nên năng lực, phẩm chất người học, vì thế đây phải là môn bắt buộc trong suốt quá trình học. Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, cần xây dựng môn học này tích hợp dạy các giá trị của con người Việt Nam. |
Nói về quãng thời gian học môn GDCD từ đầu năm tới nay, Minh Hạnh (học sinh lớp 10 của một trường THPT quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Em cảm thấy môn học này rất khó. Dù chỉ 1 tiết/tuần nhưng các bài học chủ yếu nặng yếu tố triết học, học thuyết… Mấy bài đầu, khi đọc sách cảm thấy không hiểu gì, hỏi bố mẹ cũng không biết”. Không riêng gì Hạnh, nhiều học sinh THPT cũng cho biết, môn GDCD vừa khó hiểu vừa khô khan… nên học môn này chủ yếu nặng về đọc - chép trên lớp, còn về nhà học sinh lựa chọn cách “học vẹt” để trả bài, qua bài kiểm tra.
Cần thay đổi
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), người công tác lâu năm trong ngành giáo dục - đã thẳng thắn thừa nhận rằng một số nội dung, bài học trong sách giáo khoa GDCD của học sinh lớp 10 THPT còn khó hiểu, buộc học sinh phải học thuộc lòng. PGS Văn Như Cương cho biết: “Khi trực tiếp đọc kỹ các bài trong sách giáo khoa GDCD tôi thấy ngỡ ngàng. Với những định nghĩa (như ở trang 34, 35), nếu tôi phải làm bài kiểm tra các bài học đó và muốn có điểm cao thì chắc phải học thuộc lòng chứ không có cách gì khác. Thú thật, tôi cũng chẳng hiểu gì cả. Giáo dục khô khan, thiếu thiết thực nên chuyện dạy người vẫn mãi là “khoảng trống” trong giáo dục phổ thông. Những tiêu cực xảy ra ở lớp trẻ những năm gần đây là minh chứng cho sự thất bại của nhà trường trong việc dạy người. Tôi nghĩ, cần có những thay đổi thiết thực, thay đổi ở phương pháp, nội dung giáo dục của môn GDCD”.
Nhiều giáo viên giảng dạy môn GDCD chia sẻ, với chương trình như hiện nay, giảng dạy môn GDCD rất cần sự tâm huyết của giáo viên trong việc lựa chọn nội dung, nêu ví dụ sinh động để học sinh dễ tiếp thu. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên dạy GDCD ở các nhà trường hiện nay lại chủ yếu là dạy kiêm nhiệm. TS Đào Đức Doãn - Khoa Giáo dục chính trị (ĐH Sư phạm Hà Nội) nhận xét: “Dù số lượng giáo viên dạy môn GDCD nhiều hơn trước, nhưng vẫn thiếu giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành. Quá nửa số giáo viên hiện nay đang dạy chéo môn và được đào tạo ghép môn. Số giáo viên có nhu cầu được đào tạo nâng cấp trình độ còn rất thấp”.
Tới năm 2015 chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới được xây dựng lại, trong đó môn GDCD cũng được đưa ra bàn thảo, đổi mới. Song, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về môn học được đánh giá quan trọng này khi coi nó là môn học bắt buộc, tự chọn hay tích hợp. Số phận của môn học này còn chưa ngã ngũ và trông chờ vào tương lai, song thực tế, cả học sinh và giáo viên vẫn cứ phải “đánh vật” với những bài học khô khan, xa rời thực tế thêm vài năm nữa.
Theo: Giadinh