Thông tin một người đi làm đồng vớ được cả túi vàng khiến cả thị
trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn, An Giang) bị rúng động.
Nhiều người không tin tìm tới tận nhà hỏi thăm, anh chỉ cười đáp
rằng: “Khi đang đào mương dẫn nước vào ruộng, tôi bỗng đào phải một vật gì rất
cứng, moi lên thì thấy đó là một con ngựa bằng đất nung. Rồi khi tôi đào hết
chỗ đó lên thì phát hiện dưới mỗi viên gạch ở đó đều có một tấm vàng lá”. Thông
tin những kho báu ẩn dưới nền di chỉ cổ Óc Eo phát lộ, người dân trong vùng bỏ
cày, quên ruộng ngày đêm lùng sục vì giấc mơ đổi đời từ vàng.
Xới tung di chỉ tổ tiên
để tìm vàng
Tại thị trấn Óc Eo, khi tìm hiểu câu chuyện về kho báu này, chúng
tôi được ông Trần Văn Chín (54 tuổi, ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo) kể: “Khi mới
sinh ra, tôi đã nghe nói về nhiều dấu tích cổ vật quý ở đây rồi. Các cụ già
thường kể rằng, người dân trên vùng đất này xưa giàu có lắm, của cải để lại
nhiều không thể kể hết. Đến khoảng năm 1986, một số người dân đi thăm đồng, đào
đất đắp bờ ruộng bỗng nhiên lượm được vàng lá, đồng và một số cổ vật… từ đó
khởi nguồn về cơn sốt kho báu”.
Ông Chính tiếp tục câu chuyện: “Hồi đó nhặt được vàng ròng hay
không thì tôi không biết nhưng rõ ràng là vàng thiệt. Người đi đào ai may mắn
thì gặp vàng nữ trang, vàng mỹ nghệ, kém hơn một chút là vàng lá. Ngay cả tôi
lúc đó, ngày nào cũng theo các anh đi tìm vàng, có hôm tìm được một, hai lá
vàng là chuyện bình thường. Dân miệt vườn vốn thật thà nên chẳng ai đi chào giá
hay thẩm định làm gì. Chúng tôi cứ thấy có thương lái đến mua là bán đại thôi
vì của nhặt được mà, nhiều lắm. Riêng cổ vật thì không đếm xuể”.
Một cảnh khai quật cổ vật. Ảnh TG
Mãi sau này, khi người dân từ khắp nơi đổ về tìm vàng khiến an ninh trật tự bất ổn, chính quyền vào cuộc, giấc mơ
đổi đời nhờ vàng của người dân tạm ngừng thì cánh đồng Óc Eo cũng tan nát. Tuy
nói là ngừng nhưng hàng ngày, nhiều đoàn người lén lút đi tìm vàng. Cứ thế,
cuộc săn lùng âm thầm diễn ra trong nhiều năm sau. Nhiều người dân ở vùng đất
này truyền miệng, cứ cuốc xuống đất chừng 40cm là sẽ đụng phải cổ vật, may mắn
thì gặp được vòng vàng hay vàng lá. Trở lại thời điểm chưa có lệnh cấm đào xới
tìm vàng, ngay cả Xã đội phó xã Tân Phú (huyện Châu Thành) là ông Phạm Văn Mọi
cũng rủ thêm bạn thân là Danh Kim Mừng, Nguyễn Văn Hậu đi kiếm vàng lá thâu
đêm. Những cánh đồng chẳng còn canh tác lúa nữa mà luôn đông nghịt người tìm
vàng. Thời gian cao điểm, có tới cả ngàn người, đủ mọi lứa tuổi tay cuốc tay
đào xới.
Ông Chính kể: “Nói về những người tìm vàng may mắn thì ông Mọi
phải liệt vào hàng đầu. Bởi lúc đó, ông Mọi cuốc được cả một tráp đựng rất
nhiều miếng vàng mỏng như lá lúa. Trên những lá vàng này còn chạm trổ rất nhiều
hoa văn tinh xảo cùng những con vật kỳ quái. Nhiều người cho rằng, nhóm của ông
Xã đội phó đã âm thầm đem ra tiệm vàng Bi ở huyện bán được tổng cộng 300 ngàn
đồng (300 ngàn đồng khi đó là rất lớn)”. Một nhân chứng có duyên với kho báu cổ
ở vùng Óc Eo là bà Trần Thị Thy (68 tuổi). Bà Thy từng đào được cả rổ cổ vật
gồm các bức tượng bằng ngọc, những chiếc khuyên tai bằng đá quý. Cầm cả một
khối tài sản trong tay nhưng không biết giá trị thực sự của nó nên bà đã vứt
đi. Bà Thy kể: “Ngày đó, tôi cũng theo mọi người đi đào vàng. Lúc đào được số
cổ vật bằng đá trên gò Cây Thị, tôi đem đi hỏi mọi người thì ai cũng bảo không
có giá trị gì nên tôi mới bỏ luôn. Giờ nghĩ lại thấy tiếc thật, giá lúc đó mình
để lại không khéo giờ lại giàu to”.
Vùng đất bà Thy bắt được cổ vật. Ảnh TG
Theo những người dân ở ấp Trung Sơn, ngoài ông Mọi còn rất nhiều
cán bộ xã khác cũng mải mê với “kho báu vàng lá”. Một trong những cán bộ khác
cũng tìm được khá nhiều vàng lá là ông Mai Đức (khi đó là Xã đội phó xã Vọng
Thê, huyện Thoại Sơn). Chưa có lệnh cấm, lại thấy dân làng háo hức đi đào nên
ông Đức chẳng thể ngồi yên. Sau 4 ngày liên tục tìm kiếm, ông Đức tìm được một
vốc vàng lá trị giá khoảng 0,8 lượng.
Hóa điên vì lỡ tay làm
mất “kho báu”
Bà Thy kể chuyện tìm được cổ vật. Ảnh TG
Sau khi những thông tin về kho báu vàng lá từ thời vương quốc Phù
Nam xuất hiện, vùng quê Trung Sơn yên bình bỗng “dậy sóng”. Óc Eo trở thành nơi
tập kết của dân tứ xứ “khát vàng”, khiến tình hình vô cùng phức tạp. Chính
quyền địa phương đã ra quyết định xử phạt nặng những người còn cố ý đi tìm
vàng. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tìm về khai quật nhưng di chỉ cổ lúc này
chỉ còn là đống sành mẻ, gạch vụn. Giờ đây, khi cuộc khai quật đã khép lại
nhưng giấc mơ và những ảo vọng về vàng với nhiều người vẫn chưa dứt. Và rồi,
tìm vàng ra… “vàng mắt”. Nhiều người thực sự đã tan cửa nát nhà, hóa điên dại
với ảo tưởng đổi đời từ vàng.
Có lẽ, câu chuyện của bà Nguyễn Thị Hợi (73 tuổi, ấp Trung Sơn,
thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn) là điển hình nhất cho bi kịch này. Sống triền
miên trong cảnh nghèo nên khi hòa vào dòng người khát vàng ở cánh đồng Óc Eo,
bà Hợi đã mừng khôn xiết khi tìm được một tráp và vài chiếc đĩa màu vàng. Lúc
đó, bà giấu cẩn thận rồi lặng lẽ mang lên phố huyện bán. Không ngờ trên đường,
số vàng này lại rơi mất. Từ đó, bà tiếc của đến nỗi phát điên. Ông Phạm Văn Hải
(thợ sửa xe Honda tại chợ Óc Eo) ngao ngán kể: “Từ ngày nhặt được mấy thứ màu
vàng rồi để rơi mất trên đường đi bán, cuộc sống của bà Hợi thất thường lắm. Bà
ấy lúc nào cũng khùng khùng, điên điên, sống nay đây mai đó. Nhiều người bảo
rằng, hình như người âm “ám” vào bà ấy.
Có bữa, chúng tôi thấy bà vật vờ đi lang thang ra cả khu đá ông
địa lúc nửa đêm. Sau đó, bà ấy khấn vái lầm rầm gì đó như người lên đồng. Thấy
bà Hợi, ai cũng có cảm giác sợ nên chẳng dám đến hỏi chuyện đâu”. Con trai bà
Hợi, anh Nguyễn Văn Hảo, cũng xác nhận câu chuyện lỳ lạ của mẹ: “Vùng đất này
còn nhiều huyền bí lắm. Có đêm, tôi ngủ mà cứ mơ thấy vàng nhưng tỉnh lại mới
hay đó chỉ là ảo ảnh. Còn mẹ tôi, từ ngày mất kho báu, bà ấy hay đi lung tung,
nay đây, mai đó. Có những đợt, bà đi cả tháng chẳng thấy về nhà. Đến khi Bệnh
viện An Giang thông báo bà bị nạn đang nằm ở đó thì chúng tôi mới biết đến”.
Ảo vọng tìm vàng phá nát di chỉ cổ
Ông
Nguyễn Minh Sang (Phó Trưởng phòng Di sản văn hóa - Sở Văn hóa-Thể thao và Du
lịch tỉnh An Giang)cho biết: “Vào thời điểm từ năm 1986 đến 1990, phong trào
tìm vàng, cổ vật rộ lên. Người ta phải mua đất theo giá thỏa thuận để có nơi
đào xới. Ngoài số cổ vật được cơ quan chức năng cất giữ thì các loại cổ vật
“làm đồ hàng xén”, trôi nổi trong dân cũng không ít, lại rất khó sưu tầm. Hy
vọng, khi Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo đi vào hoạt động thì việc bảo
quản, sưu tầm, giới thiệu, khai quật sẽ đi vào nề nếp”. Hơn nữa, việc khai
thác vô tội vạ trên nền di chỉ để tìm vàng đã gây ảnh hưởng rất nhiều trong
công tác khai quật của chúng tôi.
|
Theo Hồng Châu - Lê Hằng (Gia đình & Xã
hội)