Những bất cập của việc du học hiện nay; lưu ý quan trọng trước khi du học, trong đó có việc lựa chọn các dịch vụ tư vấn cũng như công việc sắp tới của các cơ quan quản lý nhằm đem lại môi trường du học trong sạch, lành mạnh, giúp đỡ có hiệu quả các lưu học sinh... Đó là những thông tin ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT) chia sẻ trong bài trả lời phỏng vấn.
Ông có thể cho biết vài nét về xu hướng du học hiện nay?
- Về xu hướng chọn bậc học để đi du học, hiện nay đa số tập trung vào bậc ĐH. Ví dụ tại Hoa Kỳ, số lượng người Việt Nam học tập trong năm 2010/2011 là 14.888 người trong đó có tới 11.054 người học đại học, chỉ có 2.420 người học sau đại học và 1.414 người theo học các loại hình học tập khác bao gồm học sinh học phổ thông. Ngược lại các chương trình học bổng thì phần lớn là dành cho đi học sau đại học.
Ngành nghề mà các lưu học sinh lựa chọn du học hiện nay đã có thay đổi, không chỉ dựa vào cảm tính, do bố mẹ lựa chọn, hoặc chạy theo xu thế xã hội như trước kia mà đã có sự định hướng dựa vào thế mạnh, khả năng bản thân, khả năng tài chính của gia đình, mục tiêu nghề nghiệp dài hạn.
Tuy nhiên, việc du học hiện nay còn một số bất cập như: Lưu học sinh ra nước ngoài học tập thiếu những thông tin cần thiết về uy tín, chất lượng và các vấn đề pháp lý liên quan đến cơ sở đào tạo nước ngoài để đưa ra các lựa chọn hợp lý. Hiện đã xuất hiện một số cơ sở đào tạo nước ngoài không được kiểm định chất lượng tại nước sở tại nhưng vào Việt Nam liên kết với một số công ty, trung tâm, viện nghiên cứu không có chức năng đào tạo thông báo tuyển sinh và nhiều người Việt Nam thấy các trường nước ngoài chiêu sinh thì tin ngay là trường tốt và đã đăng ký theo học.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều trung tâm, công ty tư vấn du học hoạt động vì mục đích lợi nhuận, chỉ cốt đưa được nhiều người đi học để nhận được nhiều hoa hồng; các trường nước ngoài kém chất lượng, hoạt động vì mục đích thương mại cũng sẵn sàng trích trả hoa hồng cao để kiếm được nhiều sinh viên.
Học tiếng Anh chuẩn bị cho kế hoạch du học Ảnh: GIA HÂN
Với vai trò là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan tổ chức quản lý lưu học sinh, Bộ GD&ĐT có những biện pháp như thế nào để quản lý tốt nhất lưu học sinh, đặc biệt các lưu học sinh diện tự túc?
- Theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ ban hành có quy định rõ chế độ báo cáo đối với các cơ quan, tổ chức cử công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập theo tất cả các nguồn kinh phí khác nhau. Theo quy định đó, các cơ quan tổ chức này đều phải gửi báo cáo về việc tư vấn du học và cử công dân ra nước ngoài học tập về Bộ GD&ĐT trước ngày 15/1 hằng năm để Bộ GD&ĐT theo dõi quản lý và báo cáo Chính phủ.
Bộ GD&ĐT cũng được giao nhiệm vụ xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu lưu học sinh, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào thời gian tới. Theo quy định, lưu học sinh Việt Nam sẽ cung cấp thông tin vào cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin khi có sự thay đổi. Với cơ sở dữ liệu thông tin thu thập từ lưu học sinh, Bộ GD&ĐT mới có đầy đủ thông tin tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách, kế hoạch phù hợp phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, đồng thời có thông tin để các cơ quan hữu quan có thể hỗ trợ lưu học sinh Việt Nam và thực hiện bảo hộ công dân khi cần thiết, không phân biệt đối tượng lưu học sinh học bổng hay tự túc trong thời gian học tập ở nước ngoài và kết nối họ với nhà tuyển dụng sau khi họ tốt nghiệp.
Ảnh: Internet
Hiện khó khăn lớn nhất đối với các cơ quan chức năng trong việc quản lý các lưu học sinh theo diện tự túc là gì, thưa ông?
- Đối với công tác quản lý lưu học sinh, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhận thức của lưu học sinh về công tác quản lý của nhà nước. Họ có tâm lý không muốn bị quản lý. Nhưng thực tế, quản lý ở đây không phải mang nội hàm quản lý theo cách hiểu của thời bao cấp mà quản lý là chỉ để hỗ trợ, bảo hộ công dân cho lưu học sinh trong quá trình học tập ở nước ngoài. Thực tế, việc làm này hoàn toàn có lợi cho lưu học sinh vì các cơ quan quản lý nếu không nắm được thông tin của lưu học sinh thì khó có thể hỗ trợ lưu học sinh trong những trường hợp cần thiết.
Năm 2011, khi xảy ra sóng thần vàđộng đất ở Nhật Bản, Bộ GD&ĐT, Đại sứ quán Việt Nam đã rất vất vả tìm kiếm thông tin của lưu học sinh để hỗ trợ, bảo hộ vì quyền lợi của lưu học sinh. Cục Đào tạo với nước ngoài đã xử lý nhiều trường hợp rủi ro đối với lưu học sinh tự túc khi gặp tại nạn ở nước ngoài nhưng không có thông tin nên rất khó khăn khi liên hệ với người nhà lưu học sinh ở Việt Nam.
Còn đối với bản thân những lưu học sinh, đặc biệt lưu học sinh đi theo diện tự túc, theo ông, khó khăn lớn nhất hiện nay họ phải đối mặt là gì?
- Đối với các lưu học sinh, đặc biệt là các lưu học sinh đi học theo diện tự túc, trong quá trình từ lúc chuẩn bị đi du học cho đến khi học xong, chuẩn bị về nước họ thường gặp những khó khăn lớn:
Trước khi đi học: Bước tìm hiểu thông tin và chuẩn bị hồ sơ xin học là thử thách đầu tiên với lưu học sinh. Hiện tại vẫn còn thông tin không chính xác được cung cấp bởi các công ty tư vấn du học hoạt động đơn thuần vì lợi nhuận nên sinh viên và các bậc phụ huynh cần phải đặc biệt cẩn thận và kiểm tra kỹ càng thông tin trước khi quyết định lựa chọn công ty tư vấn du học phù hợp để hỗ trợ mình trong quá trình này.
Trong quá trình học tập: Các rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, cách thức học tập, sinh hoạt trong một cộng đồng mới là những trở ngại lớn mà các lưu học sinh cần chuẩn bị tinh thần, tâm lý, kỹ năng để vượt qua. Khó khăn lớn trong quá trình học tập tại nước ngoài sẽ là sự khác biệt về ngôn ngữ, kể cả là lưu học sinh giỏi ngoại ngữ trong thời gian đầu sang học vẫn gặp khó khăn khi giao tiếp tại nước sở tại. Môi trường sinh hoạt, cách thức giao tiếp cho đến thực phẩm, phương tiện di chuyển, nhà ở..., đều thay đổi, đòi hỏi lưu học sinh phải học cách thích ứng.
Ngoài ra, phương pháp học tập tại các nước có nền giáo dục tiên tiến có sự khác biệt là khuyến khích khả năng tư duy, nghiên cứu độc lập chứ không đơn thuần là đọc hiểu và học thuộc, đây cũng sẽ là trở ngại không nhỏ với các bạn lưu học sinh lúc mới sang học tập.
Một khó khăn nữa đối với lưu học sinh diện tự túc là vấn đề tài chính chi trả cho học phí, sinh hoạt phí … Nhiều người phải vừa đi học vừa đi làm thêm mới có đủ kinh phí chi trả cho học tập và như vậy cũng ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập của họ.
Ông có lời khuyên gì đối với những học sinh sinh viên đang có nhu cầu du học?
- Trước hết, bản thân học sinh và phụ huynh phải xác định rõ nhu cầu và điều kiện của học sinh và gia đình trước khi quyết định đi học nước ngoài. Học để làm việc gì sau này? Nếu những ngành nghề mà ở Việt Nam có thể học tốt thì có cần ra nước ngoài học? Phương pháp học đại học chủ yếu do bản thân người học, tự học, tự nghiên cứu là chính. Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, giáo trình, tài liệu tham khảo rất sẵn, yếu tố quyết định thành bại chủ yếu là do người học .
Với các học sinh sinh viên đang có nhu cầu du học, một trong những khó khăn lớn nhất là việc tìm hiểu thông tin về cơ sở đào tạo, ngành học, đất nước mình sẽ đến học tập, làm việc. Hiện nay có nhiều các trung tâm tư vấn du học lớn, uy tín đã nhiệt tình hỗ trợ học sinh sinh viên các thông tin này chính xác, đầy đủ, nhưng cũng không thiếu những trung tâm tư vấn du học hoạt động chỉ vì mục tiêu lợi nhuận đã cung cấp thông tin sai lệch, quảng cáo, tiếp thị quá mức và có các hành động “đem con bỏ chợ” khi các lưu học sinh đã được gửi ra nước ngoài. Vậy, các lưu học sinh cần có kiến thức và kỹ năng để có thể nhận diện được các trung tâm tư vấn du học theo kiểu lừa đảo này.
Một điều quan trọng quyết định thành công hay thất bại khi đi du học nước ngoài là nắm vững ngoại ngữ. Cần phải tích cực nâng cao các kỹ năng ngoại ngữ trước khi đi du học vì học ngoại ngữ trong nước rẻ hơn ở nước ngoài và nếu có điều kiện thì có thể củng cố ngoại ngữ và làm quen với môi trường học tập nước ngoài vài tháng trước khi học chính khóa.
Xin cám ơn ông!
Năm 2012, có trên 100.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, trong đó khoảng 90% là du học tự túc. Số lượng lưu học sinh tập trung cao nhất tại Australia (gần 25.000 lưu học sinh chiếm 25%), sau đó là Hoa Kỳ (16%), Trung Quốc (13%).
Từ năm 2012, số lượng lưu học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập có xu hướng giảm đi, trong đó có lưu học sinh đến Australia giảm, riêng số lưu học sinh tại Hoa Kỳ và Nhật Bản tăng mạnh.
Theo: Hiếu Nguyễn/Giáo dục và thời đại