Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng 3 tố chất mà giới trẻ cần đó là sự trung thực (trung thực với người khác và trung thực với chính mình), dũng cảm và luôn có một trái tim, tâm hồn cởi mở nhân hậu biết hướng về người khác, hướng về thế giới.
GS Ngô Bảo Châu vừa có buổi nói chuyện với giảng viên, sinh viên về chủ đề “Sự gặp nhau giữa Khoa học và Nghệ thuật” tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Vẻ đẹp không nằm ở sự phức tạp
Bằng cách đưa ra một số lí thuyết Toán học dường như rất khô khan như về sự đối xứng, về đa giác đều, về hình khối trong không gian, giáo sư cho rằng: Về thuyết Platon rất quan tâm đến ý nghĩa siêu hình của 5 khối đều. Bốn trong 5 khối đều này tương ứng với 4 yếu tố cơ sở trong thiên nhiên: lửa, nước, khí và đất. Khối tám cạnh là khí...”.
GS Ngô Bảo Châu tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM .
"Một số tác phẩm nghệ thuật hiện đại tuy mới nhìn thì có thể rối rắm nhưng đó là cách để con người tìm ra sự đối xứng, đây là điều cơ bản tạo nên thẩm mĩ" - GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.
Sự đối xứng đôi khi khiến cho người ta băn khoăn, nhưng chính sự băn khoăn tìm tòi đó là điểm để con người tìm ra cái đẹp. Cái đẹp có thể không đặt ra một câu hỏi, không đưa ra thắc mắc nhưng lôi đi trên con đường tìm nhận thức mới.
Trả lời câu hỏi nếu có một phương cách có thể truyền dạy cho trẻ em về vẻ đẹp của Toán học thì phương cách đó nên làm thế nào? GS nói "tôi không biết nên làm thế nào và nên biết là không nên làm thế nào."
“Tôi nói chuyện với một lãnh đạo Bộ GD-ĐT về kì thi ĐH năm nay khi có nhiều ý kiến cho rằng đề thi dễ, các thí sinh đạt điểm rất cao… nhưng tôi không nghĩ cách đánh giá học sinh chỉ dựa vào những bài toán là phải tự xây dựng cho mình thẩm mĩ toán học. Vẻ đẹp của nó không nằm ở sự phức tạp, rối rắm. Cái đẹp thường thách thức thời gian nên có thể giải bài toán đó trong một năm hoặc lâu hơn nữa”- GS dẫn dụ.
GS cho rằng, rất khó để trả lời cho sự khác biệt giữa một người xuất thân từ khoa học xã hội (KHXH) và khoa học tự nhiên (KHTN) khi làm nghệ thuật.
Những người làm KHXH và KHTN họ đặt giá trị khác nhau. KHTN không đặt giá trị vào công việc thích thú mà đặt giá trị vào sự nghi ngờ, tìm tòi. Khi đánh giá về một sinh viên hay đánh giá một người nghiên cứu người ta không đánh giá việc anh ta đã đọc bao nhiều quyển sách, thuộc bao nhiêu tiểu thuyết mà đánh giá ở tư tưởng mới hơn- đó là giá trị khác xa tư tưởng tầm trung, thích thú. Đặt giá trị vào khao khát và đi tìm cái mới của con người trong xã hội hiện tại....
Về mối quan hệ của nghệ thuật và khoa học, GS Ngô Bảo Châu cũng cho rằng, Toán học có nhiều sự tìm kiếm, có bản chất khó tự nhiên nhưng cũng có thể đơn giản hóa. Chúng ta vẫn muốn tìm ra quy luật chi phối tự nhiên, sự phán đoán và điều khiển nó, quá trình đó chính là tìm ra sự hài hòa.
Giới trẻ cần trung thực
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ, cảm hứng đi tìm khoa học của chính mình là khi học tập, nghiên cứu thì cái đẹp là đích để hướng tới.
“Chúng ta luôn phải du hành trên một bản đồ rất phức tạp, nhưng nếu đi một con đường mà những câu hỏi phát triển càng ngày càng xấu xí, rắc rối thì kiến thức sẽ càng ngày càng đẹp đẽ, tươi sáng hơn thì đó chính là tình yêu cơ bản của khoa học.
Về lời khuyên dành cho giới trẻ, GS Ngô Bảo Châu cho biết, ông không hề thích bị khuyên bảo hay phải khuyên bảo người khác. Nhưng nếu nói về 3 tố chất mà giới trẻ cần nên có thì đó là sự trung thực (trung thực với người khác và trung thực với chính mình), dũng cảm (trong trung thực đã có sự dũng cảm) và luôn luôn một trái tim, tâm hồn cởi mở nhân hậu biết hướng về người khác, hướng về thế giới.
Viện trưởng Viện Trí Việt - Tôn Nữ Thị Ninh đúc kết, những chia sẻ của GS về khoa học rất gần gũi và thú vị. Qua đó, thấy được GS đang mở rộng tấm lòng và tư duy của mình với xã hội Việt Nam...
Theo: Vietnamnet