Sách giáo khoa phổ thông: Nặng dạy chữ hơn dạy người 17/08/2013 11:55:25
SGK còn coi nặng việc “dạy chữ” hơn là “dạy người”, mất cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học.
 
Chiều 15.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông.

Quá tải nội dung kiến thức

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày, bên cạnh một số nội dung đã làm được, quy trình biên soạn CT, SGK giáo dục phổ thông quy trình biên soạn ở một số khâu còn thiếu tính khoa học, chưa bảo đảm tính liên thông, thống nhất giữa các cấp học, môn học.

“CT, SGK còn coi nặng việc “dạy chữ” hơn là “dạy người”, mất cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Khối lượng kiến thức trong CT, SGK nhiều, dẫn đến sự “quá tải”- ông Đào Trọng Thi đánh giá.
 
Việc biên soạn SGK còn thiếu khoa học, còn nặng dạy chữ hơn dạy người (ảnh minh hoạ). 
 
Nguyên nhân của vấn đề này, theo báo cáo là do quy trình biên soạn CT, SGK giáo dục phổ thông ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học, không có tổng chủ biên chung cho môn học của tất cả các cấp học, thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực phát triển chương trình giáo dục phổ thông...

“Thay vì phải xây dựng một CT chuẩn, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp học, lớp học, môn học với những tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu năng lực, kiến thức cụ thể cần đạt được trước khi tiến hành viết SGK thì thực tế mới chỉ xây dựng được CT khung để các tác giả căn cứ vào đó viết SGK. Sau khi có SGK đưa vào dạy thử nghiệm mới xác định chuẩn CT và phê duyệt, ban hành CT chuẩn quốc gia. Việc thẩm định CT, SGK cũng còn bất cập khi bộ tiêu chí đánh giá CT, SGK chưa được xây dựng đầy đủ ngay từ đầu”, Chủ nhiệm Thi thẳng thắn bình luận.

Thất bại về phân ban

Báo cáo giám sát cũng thẳng thắn thừa nhận việc thực hiện phân ban ở cấp THPT không đạt được mục tiêu đề ra, không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của học sinh. Từ năm học 2003 - 2004, CT THPT được chia thành hai ban (ban Khoa học Tự nhiên, ban Khoa học Xã hội và Nhân văn) và đã được triển khai thí điểm tại 89 trường ở 21 tỉnh, thành. Sau 2 năm thí điểm, CT phân ban này đã bộc lộ những khiếm khuyết nghiêm trọng.

Vì vậy, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh phương án phân ban THPT. Trên cơ sở đó Chính phủ đã điều chỉnh phương án phân ban, bổ sung thêm ban Cơ bản kết hợp với một số môn học nâng cao và tự chọn.

Đoàn giám sát đã kiến nghị phải đổi mới CT, SGK theo mục tiêu giáo dục toàn diện, phát triển phẩm chất và năng lực người học.

“CT, SGK phải đảm bảo cân đối “dạy chữ” với “dạy người” và “định hướng nghề nghiệp”; tăng cường tính thực tiễn, kỹ năng thực hành, tư duy sáng tạo và năng lực tự học. Đặc biệt phải đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng tập trung dạy cách học và tự học.

Đóng góp thêm cho báo cáo, Chủ tịch HĐ Dân tộc Ksor Phước nêu một loạt câu hỏi: “Thời anh Hiển làm Bộ trưởng, tôi nhớ anh Hiển cũng đã có một cuộc trình bày về vấn đề này đến toát mồ hôi. Giờ đã qua 3 đời bộ trưởng, “cuộc chiến” này sao vẫn chưa dừng?

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình khi nhận định, SGK ngày xưa (như Tam Tự Kinh chẳng hạn) rất đơn giản, dễ hiểu và khiến người ta nhớ suốt đời. Ngày xưa, học môn gì cũng thấy hay, hứng thú, sao giờ học sinh lại ghét học sử, địa như vậy. Đó phải chăng là lỗi của biên soạn SGK chỉ chăm chăm dạy nhiều cái “bác học” mà không mang tính phổ thông?

“Điều này vừa gây lãng phí cho xã hội, vừa gây áp lực cho học sinh, giáo viên” - ông Hiển đánh giá.

( Theo Danviet.vn )