Đề xuất gộp kì thi đại học và tốt nghiệp với 8 môn 11/10/2013 15:32:10
Đó là đề xuất của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam.
 
Theo phương án này vẫn thi theo "ba chung" (chung đề thi, chung đợt thi, chung kết quả thi). Đề thi vẫn do Bộ GD&ĐT chủ trì khâu ra đề thi đảm bảo nằm trong chương trình, an toàn bí mật đề thi, đáp án chính xác thống nhất. Bộ cùng các Sở GD&ĐT địa phương, có huy động cán bộ giáo viên các trường đại học cao đẳng trên địa bàn tham gia tổ chức kỳ thi cùng đợt trên phạm vi cả nước. Do tổ chức một kỳ thi nên gọn nhẹ, có thời gian để giáo viên nghỉ hè và dự các đợt tập huấn nâng cao nghiệp vụ trong dịp hè.
 
Tám môn thi được lựa chọn là: Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ. Đây là các môn văn hóa rất cơ bản, là nền tảng kiến thức phổ thông, đã từng được chọn làm môn thi trong các tổ hợp 3 môn hay 6 môn thi của hai kỳ thi nhiều năm qua.
 
Thời gian thi có thể diễn ra vào giữa tháng 7 hàng năm, 4 ngày thi 8 buổi (mỗi bài thi một buổi). Thang điểm sẽ xây dựng trên phương án 400 điểm để đánh giá kết quả thi. Mỗi môn thi 50 điểm: (8 môn X 50 điểm = 400 điểm). Điểm tốt nghiệp cho các thí sinh, sau khi đã cộng điểm theo vùng miền và diện ưu tiên chính sách, từ 200 điểm trở lên.
 
Đề xuất gộp hai kì thi với 8 môn. Ảnh minh họa
 
Tổ chức thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh hiện hành: đều có 3 chung (chung đợt, chung đề và đáp án, chung điểm sàn). Thực chất hai kỳ thi này có sự khác nhau rõ ràng. Thứ nhất, thi tốt nghiệp THPT là thi nhằm mục đích đánh giá trình độ học vấn qua 6 môn thi để công nhận tốt nghiệp THPT( tùy từng năm mà tổ hợp 6 môn thi từ các môn văn hóa: Văn, Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa, Sinh, Ngoại ngữ).
 
Các cơ sở đào tạo căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh, yêu cầu trình độ và loại học vấn chung của cơ sở hay từng ngành đào tạo của cơ sở, phổ kết quả điểm thi của thí sinh cả nước và vùng địa phương để thiết kế tổ hợp các môn văn hóa và tổng điểm thi các môn đó cho từng ngành đào tạo của trường; có thể lấy hệ số hai (2) cho môn văn hóa mà ngành nghề đào tạo cho là quan trọng.
 
Trong nội dung của phương án này có nêu, thí sinh tốt nghiệp THPT mới được xét tuyển vào các trường đào tạo ĐH-CĐ. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước nhưng không đỗ ĐH-CĐ muốn tham gia xét tuyển sinh ĐH-CĐ năm sau chỉ cần đăng ký tham gia thi lại các môn theo phương án xây dựng điểm chuẩn của trường mà thí sinh có nguyện vọng xin vào học.
 
 
 
Theo: Tin mới